Sinh viên xếp hàng ăn cơm từ thiện: Uống trà sữa 70 nghìn bị chửi, giờ ăn cơm 2 nghìn cũng bị chửi

Hoàng Linh |

Sinh viên thì cũng có người này người kia, đứa nhà giàu đứa nhà nghèo. Đứa nhà giàu ngày uống ly trà sữa 70.000đ cũng bị chửi, đứa nhà nghèo xếp hàng phơi đầu giữa trưa như mực một nắng để đợi ăn phần cơm 2.000đ cũng chửi ???".

Chuyện bình thường sao lắm sững sờ?

Một cảnh đã thành quen thuộc là sinh viên xếp hàng trước các quán cơm Nụ Cười, quán cơm dành cho người nghèo để mua những suất ăn 5000 đồng, 2000 đồng và thậm chí 1000 đồng.

Nhưng trong mắt nhiều người, đó là điều khó chấp nhận được, anh Vũ Tuấn Anh người sáng lập dự án cộng đồng nghề nghiệp cho sinh viên cho rằng mình sững sờ khi nhìn thấy cảnh mà anh cho là bất thường: "Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo, hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng. Hôm nay tôi sững sờ khi thấy hàng chục sinh viên xếp đen đặc để ăn cơm từ thiện".

Ý kiến này đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Đa phần những ý kiến thiên về lên án, cho rằng đây là cơm từ thiện, chỉ dành cho người không còn khả năng trang trải cuộc sống, sinh viên sức dài vai rộng sao lại tranh cướp với người nghèo?

Sinh viên xếp hàng ăn cơm từ thiện: Uống trà sữa 70 nghìn bị chửi, giờ ăn cơm 2 nghìn cũng bị chửi - Ảnh 1.

Hình ảnh nhiều sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện do anh Tuấn Anh đăng tải lên mạng. Nguồn: Facebook. TA.V

Tôi đến một điểm đãi cơm từ thiện chỉ hoạt động vào ngày thứ năm hàng tuần ở khu vực Phú Nhuận, bữa cơm có đủ món mặn, rau xào, canh…tương đương với suất cơm 25.000 đồng ở quán cơm gần đó.

Tôi đưa cho một chị đang bưng bê cơm, chị là tiểu thương chợ nhỏ của phường sở tại, đến làm thiện nguyện ở đây và nhiều nơi nữa:

- Anh đừng chụp hình, điều đó sẽ làm tổn thương ai đó cho dù bà con mình nhiều khi không ý thức rõ ràng…

Mấy bàn gần quay mặt đi, đúng là bà con không thích lên hình.

Nhưng cũng có mấy chú bác, nhìn khác sang trọng giơ tay chào khá thân thiện:

- Mấy cô bác đó đến ăn để biết mình có từ tâm thật không, rồi họ quay lại giúp mình. Không tài chính thì công sức.

- Mấy cô chú đóng góp nhiều không chị?

- Chúng tôi không nhận những khoản đóng góp lớn mà chỉ nhận đóng góp thông thường từ vài trăm ngàn trở xuống. Là vì chúng tôi có nguồn đóng góp ổn định, cũng là chị em buôn bán bình thường không giàu có gì.

Thông qua việc làm nhỏ nhoi của mình, chúng tôi muốn truyền cảm hứng từ tâm đến cộng đồng lớn hơn về chuyện "lá lành đùm lá rách" chứ không nhằm mục đích quyên tiền…

Sinh viên xếp hàng ăn cơm từ thiện: Uống trà sữa 70 nghìn bị chửi, giờ ăn cơm 2 nghìn cũng bị chửi - Ảnh 2.

- Sinh viên có đến đây ăn không?

- Có nhưng ít lắm, có em ăn vài lần rồi quay lại đóng góp, chúng tôi chỉ nhận 50.000 đồng tượng trưng.

- Có ý kiến cho rằng sinh viên sức dài vai rộng mà đi ăn cơm từ thiện hoặc quán cơm 2000 đồng là không bình thường, đáng lên án là cướp đi miếng ăn của người nghèo?

- Chúng tôi không nghĩ như vậy, tôi cũng tham gia những quán ăn thu tiền tượng trưng. Việc thu tiền có ý nghĩ là chúng tôi buôn bán chứ không phải phát chẩn gọi là "suất cơm tự trọng".

Cánh cửa luôn mở rộng, miếng cơm do đó linh thiêng lắm, nó giúp người nghèo và các em sinh viên no lòng, nó gieo từ tâm cho những người có điều kiện hơn. Không phải ngay ngày mai mà lúc nào đó trong cuộc đời họ sẽ hành thiện…

- Cảm ơn chị về những chia sẻ chân tình.

Suất cơm "tự trọng"

Tôi ra đúng ngay quán cơm mà tác giả Vũ Tuấn Anh đề cập và gặp khá nhiều sinh viên đến mua cơm. Một em ở Kiên Giang, sau khi tôi cam kết không chụp ảnh, nêu tên mới thẳng thắn bộc bạch:

- Em không biết các bạn khác sao chứ gia đình em khó khăn lắm, em cũng xấu hổ nhưng hoàn cảnh không như mong muốn nên đành "ăn mày phép lạ"…

Một em khác, nghe giọng miền Trung hồn nhiên hơn:

- Em đi ăn cho biết anh ơi,chụp mấy tấm hình làm bằng chứng để xin gia đình ít tiền ủng hộ quán…

Mấy bạn khác thì lảng tránh không muốn trả lời.

Trên mạng xã hội, phản ứng của nhiều bạn sinh viên rất gay gắt, bạn B.K bức xúc, bạn dùng khái niệm "suất ăn tự trọng" vốn để chỉ cơm giá rẻ theo kiểu chơi chữ để nói những suất ăn nhiều tiền với người nghèo và sinh viên:

- Lời nói ra không lấy lại được, bây giờ thì những đứa học trò đội nắng ăn cơm kia, ra đường bạn bè chỉ trỏ dè bỉu theo cái định hướng dư luận anh Tuấn đưa ra " ui cái đứa này, cái thằng kia tranh ăn của người nghèo suất cơm 2.000đ kìa, nhục chưa nhục chưa ? "

Sinh viên xếp hàng ăn cơm từ thiện: Uống trà sữa 70 nghìn bị chửi, giờ ăn cơm 2 nghìn cũng bị chửi - Ảnh 3.

Nhiều bạn sinh viên vì hoàn cảnh khó khăn mới xếp hàng ăn cơm 2 nghìn đồng, còn có người thì muốn cảm nhận những số phận khác khó khăn hơn mình để thêm trân trọng cuộc sống, để mở lòng từ tâm giúp đỡ mọi người.

Ăn suất cơm 2.000đ không làm các em mất đi lòng tự trọng, nhưng chỉ với lời nói của những người trên mạng xã hội đã đánh vào lòng tự tôn, tự ái của các em, nó sẽ là vết sẹo không bao giờ lành được!

Các bạn học trò xa nhà lên thành phố, nhà phải ở nhà thuê, bước ra cửa là đủ loại tiền, thế các bạn không được ăn phần cơm 2.000đ à ? Sức dài vai rộng thì làm sao?

Các bạn đang tuổi ăn tuổi học, bắt các bạn đi làm phụ hồ hay chạy Grab để ăn suất cơm tự trọng 20.000đ đồng? Đi làm mệt lắm lấy đâu ra sức mà học? Còn tập trung học hành tử tế thì thu nhập đâu mà ăn phần cơm tự trọng ???

Sinh viên thì cũng có người này người kia, đứa nhà giàu đứa nhà nghèo. Đứa nhà giàu ngày uống ly trà sữa 70.000đ cũng bị chửi, đứa nhà nghèo xếp hàng phơi đầu giữa trưa như mực một nắng để đợi ăn phần cơm 2.000đ cũng chửi ???".

Tìm hiểu thêm về quá trình ra đời của những quán cơm bán suất ăn "tự trọng", bán giá rẻ để ai cũng có thể vào ăn, vào mua mà không bị cảm giác đang nhận của bố thí thì chúng ta gần như tìm được câu trả lời.

Quán cơm bán "suất ăn tự trọng" đầu tiên ra đời năm 2008 tại Lữ Gia (TP.HCM), do chị Mai Anh mở ra và quản lý. Mục đích là để giúp đỡ người nghèo có được một bữa ăn đàng hoàng trong thời buổi kinh tế khó khăn, mà không cảm thấy là được bố thí.

Một thành viên Ban quản trị, cho biết: "Những bữa cơm 2.000 không chỉ giúp cho người nghèo có được một bữa no mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa tình nhân ái, lòng yêu thương giữa con người với con người. 

Những giây phút được đối đãi tử tế tại quán sẽ làm cho họ cảm thấy ấm áp hơn. Họ tới ăn tại chỗ và ngồi cùng nhau trong một bàn, nhìn thấy và đồng cảm với những trường hợp như mình, hoặc cảm nhận mình may mắn hơn nhiều người để có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống".

Sinh viên xếp hàng ăn cơm từ thiện: Uống trà sữa 70 nghìn bị chửi, giờ ăn cơm 2 nghìn cũng bị chửi - Ảnh 4.

Mục đích của những quán cơm từ thiện là để giúp đỡ người nghèo có được một bữa ăn đàng hoàng trong thời buổi kinh tế khó khăn, mà không cảm thấy là được bố thí.

Quán cơm thứ hai do nhóm thiện nguyện này tổ chức chính thức khai trương vào ngày 5/9/2009. Sau đó, nhóm mở thêm những quán khác tại Cần Thơ và Đà Lạt. Năm 2012, nhà báo Nam Đồng và những người bạn mở thêm vài quán nữa cùng một ý tưởng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Những người đang tổ chức bữa cơm 2.000 mong muốn có thể xây dựng mô hình này như một thương hiệu chung của cộng đồng Việt, của những người biết quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ.

Tôi thích cách gọi "suất ăn tự trọng", cánh cửa lòng của cộng đồng luôn rộng mở, cho dù bạn là ai?Nên cũng đừng quá chú trọng việc sinh viên đến ăn những suất cơm giá rẻ.

Bạn cũng có thể đến ăn mà.

Hãy đến và sẽ thấy lòng nhẹ nhàng hơn và thương người Việt mình nhiều hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại