LTS: Trong không khí cả nước mừng đón xuân, kiều bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cũng cùng chia sẻ thời khắc giao thừa của năm Mậu Tuất 2018. Giữa niềm vui đó là những tình cảm, nỗi niềm của kiều bào trong những bối cảnh khác nhau, giữa các môi trường sống khác nhau và những điều kiện xã hội khác nhau.
Nhân dịp xuân về, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài viết câu chuyện về đất nước Canada và người Việt định cư tại đây, của tác giả Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa, từ Đại học Waterloo, Ontario, Canada. Kính mời quý độc giả đón đọc!
---
Ngày 02/11/2017, Bộ trưởng Nhập cư Canada Amed Hussein công bố kế hoạch của Chính phủ - được điều hành bởi Đảng Tự do của thủ tướng Justin Trudeau - nhắm tới mục tiêu đạt được 340.000 người nhập cư mỗi năm cho tới năm 2020.
Kế hoạch nhập cư này hào phóng hơn tất cả những kế hoạch trước đó, được cho rằng để giải quyết 3 vấn đề cơ bản mà Canada đang gặp phải là: thiếu hụt lao động kỹ năng trong thị trường lao động, sự già hóa dân số, và giảm tỷ lệ sinh.
Thực chất còn một vấn đề nữa, đó là nhập cư theo hình thức đầu tư có thể mang lại thêm một khoản tiền cho nền kinh tế Canada hay có thể tạo ra thêm việc làm cho người Canada.
Kế hoạch nhập cư này, với nhiều tiêu chí rộng mở, thu hút một làn sóng háo hức cho công dân từ rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Điểm tới lý tưởng
Trong chương trình quảng bá, chính phủ Canada luôn nhấn mạnh rằng Canada là một điểm đến an toàn, hạnh phúc, dễ sống và làm việc, như một thiên đường để học tập, đầu tư và định cư hấp dẫn.
Các bảng xếp hạng từ các tổ chức uy tín thế giới cũng cho thấy điều đó.
Canada nằm trong top 10 của báo cáo US News & World Report 2017 về các quốc gia đáng sống nhất trên thế giới theo các tiêu chí về chất lượng cuộc sống, kinh doanh mở, quyền công dân, du lịch và di sản.
Canada cũng nằm trong top 10 các nước bình yên nhất thế giới theo Global Peace Index 2017.
Trong xếp hạng 10 thành phố đáng sống nhất thế giới của Economist Intelligence Unit 2017, Canada có 3 thành phố (Vancouver, Toronto, và Calgary).
Thành phố Vancouver nhìn từ trên cao. Ảnh: Tourism Vancouver
Trên các phương tiện truyền thông chính thức, Chính phủ và người dân Canada tự hào vì những điều trên. Canada là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn thứ hai thế giới, nhưng dân số chỉ 35 triệu người năm 2017 (theo Statistics Canada), chưa bằng dân số bang California của Mỹ.
Chỉ có đường biên giới trên bộ duy nhất với Mỹ, gần như không chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị và chiến tranh đáng kể, ngoại trừ việc quân đội của họ tham chiến trong 2 cuộc Thế Chiến với tư cách đồng minh.
Canada có mặt trong nhóm G8 (8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu), với 3 nhóm ngành công nghiệp chủ đạo: công nghiệp dịch vụ (chiếm tới 75% người lao động), công nghiệp sản xuất và công nghiệp khai thác tài nguyên.
Tất cả những điều này mang lại cho người dân Canada nguồn phúc lợi xã hội thuộc loại hàng đầu trên thế giới.
Dịch vụ bảo hiểm tiên tiến
Bảo hiểm y tế toàn dân chắc chắn là điểm sáng quan trọng nhất trong bức tranh xã hội.
Tất cả công dân Canada, và các thường trú nhân - những người có thẻ xanh - sau 90 ngày đặt chân tới Canada, được cấp một thẻ bảo hiểm y tế cơ bản.
Người mang thẻ được hưởng dịch vụ khám và điều trị cấp cứu miễn phí tại bệnh viện (bao gồm cả ăn uống), khám và xét nghiệm miễn phí tại phòng khám gia đình họ đăng ký hay các phòng khám vãng lai, và cả một số dịch vụ khám chuyên khoa, ngoại trừ răng và mắt.
Bệnh viện Toronto, Canada. Ảnh: CTV News
Chất lượng, dịch vụ, thái độ là như nhau cho bất kỳ ai ở mọi bệnh viện công. Mọi chi phí bảo hiểm này chi trả được tính thẳng vào ngân sách của tỉnh bang.
Bảo hiểm cũng chi trả tiền thuốc cho người trên 65, và để tăng thêm lợi ích của nó, từ năm 2018, bang Ontario và các bang khác sẽ lần lượt miễn phí hàng loạt thuốc điều trị theo đơn bác sĩ cho mọi bệnh nhân dưới 24 tuổi.
Nếu so với người láng giềng Mỹ, khi có tới hơn 30 triệu người hoàn toàn không có bảo hiểm y tế, và hầu hết các bảo hiểm ở dạng đồng chi trả 20/80 có khấu trừ tiền mặt ban đầu, thì bảo hiểm y tế cơ bản toàn dân ở Canada là một ưu thế vượt bậc.
Cho dù còn những phàn nàn về sự chậm trễ do thiếu bác sĩ, trong một số chuyên khoa ở một số khu vực, thì đối với người nghèo, và cả tầng lớp trung lưu, đây vẫn là chiếc phao cứu sinh, giúp cho họ giải thoát nhiều lo lắng ngay cả các trường hợp bệnh hiểm nghèo.
Nền giáo dục đổi mới
Điểm sáng quan trọng thứ hai là nền giáo dục được nhà nước bảo trợ. Chương trình phổ thông 12 năm của Canada được chia thành cấp tiểu học (từ mẫu giáo đến lớp 9) và cấp trung học (lớp 10 đến 12).
Toàn bộ chương trình học này là miễn phí.
Xe buýt của nhà trường đưa đón tận nơi các học sinh tiểu học nhà ở cách trường trên 1,6 km và các học sinh trung học với khoảng cách xa hơn 3,3 km.
Điển hình của nền giáo dục phổ thông Canada là những điều "không".
Điển hình của nền giáo dục phổ thông lại là những điều "không": không học thêm, không lớp trưởng, không hội phụ huynh học sinh, không bài tập về nhà cho học sinh dưới lớp 6, không công khai điểm học sinh, không có ngày nhà giáo, không phát động chạy đua theo phong trào.
Nhà trường khuyến khích và tổ chức các chuyến dã ngoại tới bảo tàng, nông trại, nhà máy, bệnh viện để bổ sung cho bài học.Mỗi học kỳ, cha mẹ mỗi học sinh gặp riêng thầy cô giáo để trao đổi những điểm mạnh và yếu của con mình.
Các chương trình học chuyên biệt như tú tài quốc tế (International Baccalaureate), thêm tiếng Pháp (French Immersion), hay học trước chương trình (Advanced Placement) đều được tự do đăng ký.
Sau giáo dục phổ thông, chính phủ tiếp tục khuyến khích và trợ giúp cho mọi bậc đào tạo ở cao đẳng, đại học và sau đại học.
Để vào những trường này, học sinh không phải thi mà xét tuyển hoàn toàn dựa trên điểm số các môn theo yêu cầu trong 2 năm cuối phổ thông. Học phí cho sinh viên Canada thông thường khoảng 7.000 CAD/năm cho các chương trình học thông dụng nhất, khoảng bằng 1/3 so với học phí cho sinh viên nước ngoài cùng chương trình.
Mọi tỉnh bang lại có các chương trình để giảm thêm tiền học phí, ví dụ Ontario giảm thêm 30% cho học sinh của tỉnh bang này.
Các trường Canada gần như không có học bổng hoặc trợ giúp rất ít cho sinh viên bậc đại học, bởi mọi sinh viên bản xứ đều có quyền vay tiền chính phủ thông qua các chương trình tỉnh bang ví dụ OSAP (Ontario Student Assistance Program - tạm dịch: Chương trình Hỗ trợ Sinh viên Ontario).
Tùy theo thu nhập cha mẹ, bên cạnh vay, nhiều khoản chi cho tiêu dùng (ăn ở, sách vở, đi lại, thể thao) được chính phủ cho không. Sinh viên có thể vay để học liên tục tới thạc sĩ, tiến sĩ, và chỉ phải trả nợ khi bắt đầu đi làm.
Những người đã đi làm, bị mất việc hoặc không hạnh phúc với công việc, có thể lại tiếp tục được mượn tiền đi học một ngành khác cùng với trợ cấp không hoàn lại, để bắt đầu một chặng đường mới.
Các khoản hỗ trợ khác
Phúc lợi xã hội cho cuộc sống là điểm sáng quan trọng thứ 3. Một gia đình có thể được nhận nhiều khoản phúc lợi xã hội khác nhau, tùy theo thu nhập hàng năm.
Nếu gia đình thu nhập thấp hay không có thu nhập, mỗi trẻ em trong gia đình dưới 18 tuổi được nhận khoản trợ cấp hàng tháng (Child Benefits), lên tới khoảng 650 CAD, ví dụ như ở tỉnh bang Ontario.
Người lớn không đi làm, hoặc không thể tìm việc có thể nhận trợ cấp từ chương trình Ontario Works lên tới 750 CAD mỗi tháng.
Người khuyết tật, thể chất hoặc tinh thần, có thể nhận trợ cấp từ chương trình Ontario Disability Support Program (tạm dịch: Chương trình Hỗ trợ Người khuyết tật Ontario) lên tới 1.100 CAD mỗi tháng.
Người khuyết tật, thể chất hoặc tinh thần, có thể nhận trợ cấp lên tới 1.100 USD mỗi tháng.
Tất cả mọi người già trên 65 tuổi, trên toàn Canada, nếu không có lương hưu có thể nhận được trợ cấp tiền già hàng tháng trên 1.200 CAD.
Việc sinh con không tiêu tốn nhiều viện phí, và những phụ nữ đi làm nghỉ thai sản được phép nghỉ tới 52 tuần có lương, và được cam kết quay trở lại vị trí cũ với mức lương như cũ.
Những gia đình thu nhập thấp có thể xin chính quyền trợ giá tiền thuê nhà, tiền điện hay sưởi trong mùa đông.
TS, BS Nguyễn Công Nghĩa
Nguồn lực tài nguyên thiên nhiên (đất đai, rừng, nước ngọt, dầu mỏ) cùng với chính sách đánh thuế nặng trên một dân số ít cho phép xã hội Canada có thể bảo đảm cho mỗi cá nhân người Canada không bị bỏ rơi trong nghèo đói, ốm đau hay thất học, cũng tương tự một số quốc gia dầu mỏ.
Đó chính là những vùng sáng nhất, là phương châm tranh cử của mọi đảng phái, nhưng cũng chính những điều này lại tạo ra những vùng tối, một xã hội phát triển lưng chừng, dở dang, thiếu động lực và ít niềm vui.
Những điều đó được kể tiếp với các bạn trong phần tiếp theo. Nhưng nếu bạn chỉ thích những gì lấp lánh, bạn đừng đọc tiếp.
(Còn tiếp)
*Tiêu đề bài viết được tòa soạn đặt lại