Người Việt trở thành “người quốc tế” - Chỉ học giỏi ngoại ngữ có đủ không?

BH |

"Để dễ trở thành công dân toàn cầu thì cần có hiểu biết và tư tưởng không có rào cản" - GS. Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse, Pháp.

LTS: Ở phần trước, GS toán học Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulose, Pháp) và Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Mạng Giáo dục Công dân Toàn cầu đã chia sẻ những quan điểm rất thú vị về những điểm mạnh và điểm yếu của người Việt. Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu tới Quý độc giả phần 2 cuộc trò chuyện: Làm gì để con Lạc cháu Hồng có thể hội nhập chủ động với thế giới?

Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, ông đang sống ở Mỹ. Có một vài con số đáng chú ý về người Việt ở Mỹ. Đó là ước tính thu nhập bình quân của đa số người Việt tại Mỹ vào khoảng 22.000 đến 40.000 USD một năm, khá thấp nếu so với thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ năm 2016 là khoảng 57.000 USD/năm. Điều này có nói lên điều gì về năng lực và sự hòa nhập của người Việt ở Mỹ?

Những con số đó nói lên vị thế của người Việt so với cộng đồng mạnh khác còn khiêm tốn. Nhưng điều này có thể lý giải nguyên nhân của nó.

Người Việt trở thành “người quốc tế” - Chỉ học giỏi ngoại ngữ có đủ không? - Ảnh 1.

Do hoàn cảnh lịch sử, rất nhiều người Việt Nam đến nước Mỹ với tâm thế chỉ lo tồn tại được đã là tốt rồi.

Người Việt mới sang Mỹ bằng con đường học tập, nghiên cứu, đầu tư… thì cũng có tâm lý mặc cảm, tự ti, cho rằng có công ăn việc làm ổn định là tốt rồi , thiếu khát vọng chinh phục, tạo dựng những vị thế có ảnh hưởng, hoặc sáng tạo xã hội.

Chúng ta có thể lạc quan tin rằng tương lai sẽ mạnh hơn nhiều nếu cả cộng đồng dân tộc Việt đồng lòng đoàn kết tạo ra một tâm thế mới cho dân tộc, kết hợp, bổ sung sức mạnh giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài thì chắc chắn vị thế của dân tộc, uy tín dân tộc Việt sẽ cao hơn hiện nay.

GS. Nguyễn Tiến Dũng đang giảng dạy tại một Đại học của Pháp. Theo tôi biết thì du học Pháp gần đây được khá nhiều người bạn trẻ Việt lựa chọn, một phần vì học phí rất rẻ. Ông lời khuyên nào cho những bạn còn đang lưỡng lự khi đến du học Pháp? Để hòa nhập với cuộc sống, văn hóa Pháp, họ cần ghi nhớ những điều gì?

Theo tôi, hiện tại chọn lựa du học ở Pháp là một trong những chọn lựa tốt vì nhiều yếu tố như: 

Người Việt trở thành “người quốc tế” - Chỉ học giỏi ngoại ngữ có đủ không? - Ảnh 2.

Để đi Pháp học cũng không cần phải nhớ điều gì đặc biệt so với đi các nước khác, ngoài chuyện là tất nhiên cần phải học một ít tiếng Pháp tối thiểu và tìm hiểu một chút về nước Pháp từ trước khi sang Pháp. Dân Việt Nam nói chung dễ hoà nhập với văn hoá Pháp, cộng đồng người Việt ở Pháp là một trong những cộng đồng gốc nước ngoài hầu như không có tai tiếng gì. 

Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, ông đang là Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế Chương trình Giáo dục Công dân toàn cầu, Tổng giám đốc Mạng Giáo dục CDTC (thuộc UNESCO). Một trong những mong muốn của tổ chức này là đến 2020, Việt Nam có 5 triệu người đạt được chứng chỉ này. Đạt chứng chỉ này có lợi gì và người Việt cần làm những gì để có thể đạt chứng chỉ ấy?

Các bạn đạt được chuẩn để nhận chứng chỉ công dân toàn cầu, tiếp tục rèn luyện, học hỏi với Mạng Công dân Toàn cầu thì sẽ có phương pháp suy nghĩ, tâm thế của một công dân tin rằng mình có thể sống trên toàn cầu và có trách nhiệm với toàn cầu.

Hiện nay nhiều nơi cho rằng để trở thành công dân toàn cầu cần học các kỹ năng mềm, học ngoại ngữ… Điều đó chỉ là cái ngọn. Cái gốc vẫn là phương pháp tư duy, giải quyết vấn đề, kèm theo đó là nhân cách trung thực, nhân ái, bao dung, và có khả năng sáng tạo, có hiểu biết những giá trị văn hóa tinh hoa của nhân loại.

Người Việt trở thành “người quốc tế” - Chỉ học giỏi ngoại ngữ có đủ không? - Ảnh 3.

Nếu chưa giỏi ngoại ngữ cũng không quá lo ngại, tôi tin rằng với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, chậm nhất 3 năm nữa thôi, sẽ có các phần mềm ứng dụng giúp phiên dịch tốt giữa các thứ tiếng một cách tự động.

Các bạn ấy sẽ bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc đời với bảng điểm công dân toàn cầu ghi nhận những giá trị bạn ấy đã làm được, hiểu và xác định đúng đắn thang giá trị, và chuẩn mực toàn cầu, có phương pháp tư duy đúng đắn để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc đời.

Các bạn có thể áp dụng những tư duy mới, quan niệm mới về giáo dục được khuyến nghị bới Hội đồng Đổi mới Lãnh đạo Giáo dục Toàn cầu của UNESCO Chair về giáo dục công dân toàn cầu tại đại học UCLA và Diễn đàn Toàn cầu Boston, đó là có phương pháp tư duy, khả năng phân tích, đánh giá, phản biện, học để giải quyết các vấn đề từ thực tế, có khả năng tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin nhanh, tiếp thu nhanh kiến thức mới để tạo ra những giá trị mới, không phải theo hướng tầm chương trích cú, nhiều kiến thức, chữ nghĩa , mà tiếp thu nhanh nhất những thành tựu của mọi người để từ đó làm ra cái mới, hoặc ứng dụng có hiệu quả nhất giải quyết công việc của mình, phấn đấu, rèn luyện, học hỏi suốt cuộc đời, học mọi nơi, học mọi lúc.

Các bạn tham gia Chương trình Lãnh đạo Toàn cầu sẽ được hỗ trợ để tập sự làm lãnh đạo toàn cầu qua việc tham gia tổ chức các sự kiện có ý nghĩa trên toàn cầu, được hướng dẫn đánh giá những kết quả, những đóng góp của mình cho xã hội qua Bảng điểm Nhà Lãnh đạo Toàn cầu, được các nhân vật có uy tín trên thế giới, các nhà lãnh đạo hướng dẫn qua thực tiễn để trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu trong tương lai.

Còn theo GS Nguyễn Tiến Dũng, Việt Nam cần đổi mới điều gì trong dạy và học để có thể có nhiều công dân toàn cầu hơn?

Nếu (trong tương lai nhiều năm nữa, chứ hiện tại điều này chưa khả thi vì điều kiện còn thiếu) Việt Nam phổ cập được tiếng Anh cho toàn bộ các thế hệ trẻ thì sẽ là bước tiến lớn để có thêm nhiều người thành công dân toàn cầu, vì rào cản lớn nhất chính là rào cản về ngôn ngữ. Muốn trở thành "người quốc tế" thì phải tự đọc được thông tin bằng tiếng nước ngoài, tự giao tiếp được bằng tiếng nước ngoài, chứ trông đợi vào dịch thuật thì đã bị hạn chế và sai lệch đi rất nhiều. 

Người Việt trở thành “người quốc tế” - Chỉ học giỏi ngoại ngữ có đủ không? - Ảnh 4.

Khi người Việt Nam nói được tiếng nước ngoài, qua đó hiểu được ở thế giới bên ngoài người ta vận hành ra sao, thì sẽ hội nhập dược quốc tế tốt hơn. 

Để dễ trở thành công dân toàn cầu thì cần có hiểu biết và tư tưởng không có rào cản.

Lối học vẹt thi vẹt cản trở chuyện đó. Cần thay đổi giáo dục theo hướng khai phóng,  khuyến khích học sinh suy nghĩ một cách logic, độc lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại