Sau cuộc họp báo quốc tế thường niên năm 2017 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập tạp chí Bạch Dương, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt-Nga về sự kiện đáng chú ý này, cũng như về nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin.
Theo đánh giá của ông, không khí chung của cuộc họp báo năm nay như thế nào?
Họp báo năm nay về nội dung có thể gọi là khá nhẹ nhàng, ôn hòa, không đề cập đến vấn đề gì căng thẳng. Thực tế, những câu hỏi mà các phóng viên Nga và nước ngoài nêu ra không quá gay gắt và những câu trả lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không quá quyết liệt.
Trong các cuộc họp báo trước đây thường có những câu hỏi xoáy đi vào các vấn đề gay gắt về các mối quan hệ đối ngoại hay ngay cả các vấn đề trong nước, nhiều khi người ta đưa ra các câu có tính chất tố cáo chính quyền cơ sở.
Cuộc họp báo năm nay cân đối cả về nội dung đối ngoại như quan hệ với Mỹ, Syria, Ukraine, Trung Quốc, liên minh kinh tế Á-Âu và vấn đề trong nước như bầu cử Tổng thống 2018, ứng xử với lực lượng đối lập, vấn đề dân sinh.
Nói cách khác, cuộc họp báo của ông Putin năm nay vẫn xứng tầm là cuộc họp báo lớn thường niên về mặt thời gian, quy mô số lượng nhà báo tham gia.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát
Nguyên nhân có thể do tác động khách quan từ các sự kiện bên ngoài, ví như các cuộc họp trước đây, có cuộc họp diễn ra đúng lúc quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng hay các nước phương Tây bắt đầu cấm vận, cuộc chiến ở Syria đang ác liệt.
Năm nay đã rõ, các vấn đề quá rõ ràng. Như quan hệ với Mỹ, lãnh đạo Nga nhận thấy, bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Nga nhưng một số lực lượng chính trị ở Mỹ không chấp nhận điều này, phản đối nhiều chính sách của ông Trump, trong đó có chính sách cải thiện quan hệ với Nga. Ngoài ra, quan hệ của Nga với các nước khác ổn thỏa hơn, vấn đề Syria đã được giải quyết tốt.
Trong cuộc họp báo vừa qua, ông Putin tuyên bố ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Ông nhận định ra sao về điều này?
Ở Nga, Tổng thống không thuộc đảng phái nào, tất nhiên về tư tưởng lập trường có thể gần gũi hoặc xuất thân của mình từ đảng nào đấy nhưng khi làm Tổng thống thì đứng ngoài đảng phái.
Năm nay có thể ông Putin thử nghiệm một vai trò mới và đương nhiên là ông tự tin vào sự tín nhiệm của cử tri Nga đối với ông nên ông ra tái tranh cử với tư cách cá nhân, tự ứng cử chứ không dựa vào đảng nào. Ông đã nói tin tưởng sẽ có sự ủng hộ của đảng Nước Nga thống nhất và những lực lượng khác.
Điều này có thể hiểu như một đổi mới tiến trình bầu cử của nhiệm tới ở nước Nga, trong đó ông là người tái tranh cử.
Ông có ý kiến gì về nhận định, các nước phương Tây đã sẵn sàng tâm lý thừa nhận chiến thắng của ông Putin trong cuộc bầu cử sắp tới, hiện nay họ chỉ quan tâm ông ấy sẽ làm gì tiếp theo?
Nhận định đó là đúng, bởi ở Nga cũng như trên thế giới đã dự đoán ông Putin sẽ tái tranh cử và đã tái tranh cử là sẽ đắc cử vì ông không có đối thủ, dù tôi tin cuộc bầu cử sẽ diễn ra dân chủ minh bạch. Hiện nay, người ta trông đợi trong nhiệm kỳ mới, ông Putin khi đó có thể đã tái đắc cử sẽ có điều chỉnh nào đó về đường lối chính sách.
Đặc biệt, trông đợi nhất của cả trong và ngoài nước Nga chính là ekip nhân sự - có thể có những thay đổi - vào tháng 5 tới đây khi chính phủ mới thành lập, đặc biệt trong bối cảnh có những thông tin cho rằng ông Medvedev có thể không làm thủ tướng nữa.
Qua các câu hỏi về đối nội, ông thấy nước Nga hiện đang đối mặt với những khó khăn gì và chính phủ mới sẽ phải giải quyết như thế nào?
Nga đang có nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống và một bộ phận xã hội Nga cũng phản ánh qua những câu hỏi mà báo chí nêu lên như chưa tin tưởng vào những con số đẹp mà chính phủ đưa ra. Ở nhiều vùng nước Nga, người dân đang gặp khó khăn trong bối cảnh xã hội chung là Nga đang chịu lệnh trừng phạt, cấm vận cũng như một số mối quan hệ quốc tế chưa thuận lợi.
Về phương án giải quyết như chính sách thuế, người dân kỳ vọng chính phủ thực hiện các biện pháp thúc đẩy kinh doanh, đỡ gánh nặng cho người dân.
Theo đánh giá, vị trí của Nga ở Trung Đông đã được củng cố và không ngừng nâng cao kể từ sau khi Tổng thống Putin lên nắm quyền. Có phải Nga đã cao tay hơn Mỹ trong các chính sách ở Trung Đông mà quyết định rút một phần lớn binh lính Nga ở Syria là một trong những thành tích đó?
Nga can dự vào Syria và đã đạt được thành tích quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Và vừa rồi, Tổng thống Putin tuyên bố rút một bộ phận đáng kể binh lính Nga ở Syria về nước. Đương nhiên, tiến trình rút quân không phải ngay lập tức và những lực lượng thiết yếu vẫn ở lại.
Cụ thể như hôm 13/12, Chủ tịch an ninh quốc phòng của Thượng nghị viện Nga, nguyên là Tổng tư lệnh lực lượng không quân nói rằng những lực lượng như tên lửa S400 vẫn để lại bảo vệ căn cứ của Nga cũng như bảo vệ Syria. Tuyên bố rút quân chứng tỏ họ đã giành thắng lợi và sau cuộc chiến ở Syria, vị thế của Nga đã tăng lên.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria Assad khi ông Putin đến thăm Syria mới đây. Ảnh: Kremlin
Điều đáng nói, Nga đã cải thiện tốt quan hệ với nhiều nước trong khu vực Trung Đông. Nga không có quan hệ thù địch với bất cứ nước nào trong khu vực này trong khi Mỹ thì căng thẳng với Iran, Syria.
Mỹ từ trước tới giờ có vị thế rất lớn ở Trung Đông bởi cốt lõi tình hình Trung Đông là quan hệ Isreal, Palestine và các nước Ả rập. Mỹ có quan hệ đồng minh với Israel, quan hệ đồng minh ấy khiến nhiều nước Ả rập cảm thấy bất hòa với Mỹ, đặc biệt gần đây là tuyên bố về Jerusalem của Tổng thống Trump.
Trong vấn đề Syria, do có sự can thiệp của Nga, mục tiêu ban đầu là lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thất bại buộc Mỹ hiện nay phải chấp nhận thực tế ông Assad là tổng thống được quyền tham gia vào các tiến trình chính trị.
Về một vấn đề khác cũng được nêu ra trong họp báo: Triều Tiên. Ông có cho rằng, nếu Mỹ bỏ trừng phạt Nga, thì đổi lại, Moscow có thể gia tăng áp lực với Triều Tiên như ý Mỹ không?
Nga sẽ không tăng áp lực lên Triều Tiên. Bởi dù tuyên bố thế nào thì Mỹ cũng muốn tồn tại căng thẳng vừa đủ trên bán đảo Triều Tiên để Mỹ có sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt Đông Bắc Á, điều này trái với lợi ích của Nga cũng như Trung Quốc.
Nga với tư cách là nước lớn, gần với Triều Tiên, đã làm việc với Triều Tiên để ngăn chặn chiến tranh. Có những dịp Tổng thống Trump tuyên bố mạnh mẽ, dường như có thể tấn công Triều Tiên nhưng phản ứng của phía Nga vẫn bình tĩnh. Nga cũng tuyên bố họ không để chiến tranh xảy ra trong khu vực.
Nga có độ tin cậy rất cao với Triều Tiên, cũng như đóng vai trò lớn trong giải quyết vấn đề Triều Tiên bởi Nga là nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Mỹ cũng từng vận động Nga gia tăng cấm vận Triều Tiên và Nga cũng đồng ý một số bước, nhưng siết chặt hơn nữa thì Nga không đồng ý bởi như vậy sẽ khiến Triều Tiên kiệt quệ hơn nữa mà không giải quyết được vấn đề.
Ông đánh giá thế nào về nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Putin, cả về đối nội và đối ngoại?
Nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Putin có nhiều khó khăn, khách quan như các lệnh trừng phạt, giá dầu giảm nhưng nước Nga cũng vượt qua thách thức, xã hội ổn định, nhiều ngành kinh tế phát triển tốt như nông nghiệp, công nghệ. Đối ngoại cũng giành được nhiều thành quả như chiến thắng tại Syria và vai trò của Nga nâng cao trên trường quốc tế.
Ông Putin đã trải qua một nhiệm kỳ đầy thách thức nhưng đã chèo lái thành công, gặt hái nhiều thành quả.
Là người từng sống và làm việc trong thời gian dài ở Nga, ông nhận thấy hình ảnh của Tổng thống Putin trong mắt người dân Nga như thế nào?
Nhà lãnh đạo như Putin với bản lĩnh và khiêm tốn, người Nga quý trọng điều này. Mỗi lần thăm dò ý kiến hay bỏ phiếu bầu cử, điểm số phiếu của ông rất cao.
Xã hội Nga cần người lãnh đạo mạnh mẽ, cứng rắn, quyết đoán. Đa số người Nga đều ủng hộ ông Putin. Nhưng tất nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người Nga cảm thấy quản lý xã hội hơi quá chặt, tình hình đời sống ở nhiều vùng sâu xa chưa được cải thiện.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.