Mối quan tâm lớn nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là việc giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn và có kiểm chứng, điều này có nghĩa là Mỹ muốn Triều Tiên xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa, chuyển giao toàn bộ các vũ khí, nguyên liệu, công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cho Mỹ hoặc một nước thứ 3, đưa các nhà khoa học hạt nhân và tên lửa sang nước ngoài sinh sống, đoạn tuyệt hoàn toàn với việc sản xuất tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Việc chuyển giao này phải được thực hiện với sự kiểm chứng của Mỹ và các bên liên quan.
Trong khi đó, mối quan tâm lớn nhất của Triều Tiên là sự đảm bảo an ninh chủ quyền lãnh thổ của Triều Tiên, sự phát triển kinh tế của đất nước Triều Tiên, sự an toàn cho chế độ chính trị của chính quyền Kim Jong-un và uy tín của chính quyền trước các quốc gia trên thế giới, cũng như trong mắt quần chúng nhân dân Triều Tiên.
Như vậy, nếu quá nhượng bộ Mỹ, chính quyền ông Kim Jong-un có thể mất uy tín và vai trò đối với nhân dân Triều Tiên.
Như vậy, lợi ích của Mỹ và Triều Tiên trong cuộc hội đàm có thể sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tới đang có những xung đột khó điều tiết, nhưng không phải là không giải quyết được. Chúng ta có thể thấy có hai kịch bản rõ ràng có thể diễn ra như sau:
Kịch bản thứ nhất, Tổng thống Trump nhất quyết theo đuổi việc giải trừ vũ khí hạt nhân vô điều kiện, có kiểm chứng ngay lập tức, ông Kim đề nghị Mỹ xóa bỏ cấm vận đối với Triều Tiên, viện trợ cho Triều Tiên phát triển kinh tế, cam kết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Triều Tiên, cam kết đảm bảo an toàn cho chế độ chính trị của Triều Tiên hiện nay và chính quyền của ông Kim Jong-un, Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc, rút các hệ thống phòng thủ THAAD ra khỏi Hàn Quốc…
Nếu kịch bản này xảy ra, hai bên sẽ không đi đến thống nhất và hội nghị không thành công.
Kịch bản thứ 2, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đồng ý một lộ trình giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn có kiểm chứng và lộ trình xóa bỏ cấm vận, viện trợ phát triển cho Triều Tiên, cam kết đảm bảo an ninh chủ quyền lãnh thổ cho Triều Tiên, đảm bảo an toàn cho chế độ chính trị hiện tại của Triều Tiên. Việc thực hiện các cam kết này cần có sự chứng kiến của các bên liên quan trong đó có Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nội dung các cam kết sẽ bao gồm:
1. Triều Tiên đồng ý giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn và có kiểm chứng theo lộ trình tương ứng với lộ trình Mỹ xóa bỏ cấm vận với Triều Tiên, viện trợ phát triển kinh tế cho Triều Tiên, rút quân, rút các hệ thống phòng thủ chiến lược THAAD ra khỏi Hàn Quốc. Các bên sẽ có các cuộc hội đàm để cụ thể hóa lộ trình thực hiện các nội dung này một cách chi tiết.
2. Mỹ cam kết đảm bảo an ninh chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho Triều Tiên, không có các hành động xâm phạm chủ quyền hoặc khiêu khích xâm phạm chủ quyền Triều Tiên, cam kết Triều Tiên có quyền lựa chọn chế độ chính trị của riêng mình theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, quyền tự do, dân chủ của người dân Triều Tiên.
3. Mỹ mong muốn một bán đảo Triều Tiên thống nhất được quản lý dưới một chế độ dân chủ, đảm bảo các quyền công dân, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho mọi người dân Triều Tiên.
Trên đây chỉ là những dự đoán của những người trông đợi, hy vọng về một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công, với mong muốn mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, và đem lại hòa bình, ổn định cho khu vực và trên thế giới. Còn cho đến thời điểm hiện tại, việc hội nghị có diễn ra hay không và diễn ra như thế nào thì chúng ta vẫn phải tiếp tục chờ đợi và hy vọng!
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Hành trình tới bàn đàm phán của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un