Chuyên gia phương Tây bóc mẽ sự thật đằng sau những "vũ khí thần kỳ" của Nga

QS |

Các tên lửa của Nga không mạnh như những gì chúng tỏ ra – Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển kết luận trong một báo cáo mới.

"Tiềm năng của Nga trong việc thiết lập vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) tại vùng giáp với nước ngoài đã trở thành đề tài nóng hổi và nguồn cơn lo ngại [đối với NATO] trong những năm gần đây" – Robert Dalsjo, Christopher Berglund và Michael Jonsson lý giải trong bản báo cáo của họ vào tháng 3/2019.

"Đang có những lo ngại rằng, trong chiến dịch trên bộ nhằm vào một nước láng giềng yếu hơn, Nga có thể ngăn chặn sự hỗ trợ bên ngoài đối với quốc gia này bằng cách bao vây khu vực tác chiến với các loại tên lửa và cảm biến tầm xa.

Chẳng mấy chốc, hàng rào A2/AD "gần như bất khả xâm phạm" của Nga sẽ vươn ra ngoài lãnh thổ nước này, mở rộng về phía phương Tây".

Chuyên gia phương Tây bóc mẽ sự thật đằng sau những vũ khí thần kỳ của Nga - Ảnh 1.

Các hệ thống tên lửa của Nga không mạnh như vẫn tưởng?

Tuy nhiên, các tác giả bản báo cáo nhận định, các hệ thống tên lửa của Nga không hẳn đáng sợ như một số nhà phân tích phỏng đoán.

Những tuyên bố gần đây về năng lực A2/AD tầm xa của Nga chủ yếu dựa trên 3 hệ thống vũ khí tương đối mới: Hệ thống phòng không S-400, tổ hợp tên lửa chống hạm Bastion và tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander, chúng có thể được triển khai để chống lại các mục tiêu trên bộ.

Phần lớn những cảnh báo "gây hoang mang sợ hãi" về năng lực A2/AD của Nga trong những năm gần đây được đưa ra dựa trên sự chấp nhận mù quáng những tuyên bố của Nga về tầm bắn và khả năng tác chiến của các hệ thống vũ khí mà họ chế tạo.

Các tác giả bản báo cáo chỉ ra 3 vấn đề như sau:

1/ Nhầm lẫn tầm bắn tối đa "trên danh nghĩa" của tên lửa với tầm bắn hiệu quả của chúng.

2/ Xem nhẹ các vấn đề cố hữu trong việc ngắm và bắn mục tiêu di động từ khoảng cách xa, đặc biệt là với các mục tiêu nằm dưới đường chân trời.

3/ Đánh giá thấp khả năng của các phương thức đối phó trước các hệ thống A2/AD.

Kinh nghiệm của Nga tại Syria đã cho thấy rõ khoảng cách giữa kỳ vọng của giới quan sát đối với vũ khí Nga và năng lực thực tế của chúng.

Các lực lượng Nga và Syria đã triển khai một loạt các hệ thống phòng không do Nga chế tạo tại Syria, nhưng chúng không thể ngăn chặn được máy bay của Israel và liên minh do Mỹ dẫn đầu trong các chiến dịch tấn công nhằm vào các mục tiêu của quân chính phủ Syria.

Chuyên gia phương Tây bóc mẽ sự thật đằng sau những vũ khí thần kỳ của Nga - Ảnh 2.

Một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Syria bị Israel tiêu diệt.

"Việc Syria thất bại khi vận hành các hệ thống A2/AD do Nga cung cấp, trong đó có những hệ thống rất hiện đại như Pantsir, không có nghĩa một số năng lực mới mà Nga đang triển khai trên lãnh thổ của họ không có thực hoặc không đáng để lo ngại" – Bản báo cáo lưu ý.

"Tuy nhiên, chúng ta nên ngưng lại một chút để suy ngẫm về thành tích của các chiến dịch thực tế: Các định luật vật lý vẫn được ứng dụng, Trái Đất vẫn quay tròn và việc tấn công mục tiêu di động từ khoảng cách xa vẫn rất phức tạp, cũng như đòi hỏi khắt khe".

Theo các tác giả bản báo cáo, Moscow đang muốn các chuyên gia phân tích nước ngoài tin rằng các hệ thống vũ khí của họ mạnh hơn năng lực thực sự của chúng.

"Giờ đây chúng ta nên thấy rõ ràng rằng, những tuyên bố gây xôn xao trong những năm gần đây về những loại vũ khí ‘thần kỳ’ của Nga, cũng như các chiến dịch can thiệp và sự thể hiện của họ tại Ukraine và Syria, thực chất là một phần của chiến dịch tuyên truyền chiến lược quy mô lớn.

Chiến dịch này nhắm tới cả người dân trong nước, cũng như các quốc gia lân cận hoặc xa hơn" – Bản báo cáo cho hay.

Trên lãnh thổ Nga, thông điệp chính mà chiến dịch này truyền tải là Putin đã khiến nước Nga vĩ đại trở lại, mạnh mẽ và uy lực, sẵn sàng đứng lên bảo vệ lợi ích của mình và thách thức phương Tây.

Đối với các quốc gia lân cận, Moscow muốn gửi gắm thông điệp rằng: Nga là một cường quốc hùng mạnh và tàn nhẫn, những quốc gia láng giềng bé nhỏ tốt hơn cả nên thể hiện sự tôn trọng đúng mực.

Ngoài ra, những nước này không nên tin vào lời đảm bảo, hứa hẹn từ "bạn bè" phương Tây, bởi họ sẽ không có đủ khả năng hỗ trợ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Đối với những nước nằm cách xa Nga, thông điệp sẽ là: Đừng bước chân và can thiệp vào ‘sân sau’ của chúng tôi.

Các tác giả bản báo cáo cảnh báo rằng, Thụy Điển, Mỹ, NATO, cũng như các đồng minh khác của Washington không nên để chiến dịch tuyên truyền của Nga làm hỏng kế hoạch của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại