Ngoài ra, người ta còn kiêng động thổ xây nhà, kiêng nhặt tiền rơi vãi trên đường và cho rằng không được chụp ảnh vào ban đêm, không tùy tiện đốt vàng mã, khi lên giường ngủ không để mũi dép hướng về phía giường...
Theo dân gian, tháng 7 Âm lịch được gọi là "tháng cô hồn" hay "mở cửa mả".
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh trên báo Vietnamnet, người Việt gọi ngày Rằm tháng 7 là "địa quan xá tội" hay "xá tội vong nhân". Người Việt quan niệm đây là tháng của ma quỷ và không đem lại may mắn nên kiêng kỵ làm việc quan trọng như cưới hỏi, đi xa, khai trương...
Về một số kiêng kỵ trong tháng này, ông Sinh nói: "Việc kiêng kỵ trong tháng cô hồn là thiếu cơ sở khoa học, đây chỉ là thói quen và tâm lý có kiêng có lành của người Việt".
Ông cho rằng một số kiêng kỵ khác xuất phát từ những đặc điểm thời tiết của tháng 7.
Về quan niệm kiêng phơi quần áo vào ban đêm trong tháng này vì sợ sẽ bị để lại "quỷ khí", ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) khẳng định trên báo Gia đình & Xã hội, đó là quan điểm mê tín. Theo ông, khi phơi ban đêm thì có sương, khi ẩm ngấm vào làm vi khuẩn phát triển trên quần áo.
Ông Nguyễn Cung Hà (Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) chia sẻ trên kênh VTC14, dân gian quan niệm tháng 7 là tháng âm khí xung thiên và dẫn đến rất nhiều kiêng kỵ.
Làm nhà, cưới vợ... người ta kiêng tháng 7, nhưng theo ông phần lớn do đây là tháng mưa ngâu, các công việc khó làm, bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, tâm lý nên những yếu tố kiêng kỵ vẫn cứ lưu truyền và ngày càng nhiều hơn.
Đồng quan điểm với ông Hà về lý do thời tiết trong tháng 7 dẫn đến một số kiêng kỵ, PGS. TS Ngô Văn Giá (Trưởng khoa Viết Văn – Báo chí, Trường ĐH Văn hóa HN) nhấn mạnh thêm trên báo Chất lượng Việt Nam, ở khía cạnh nào đó, quan niệm dân gian về "tháng cô hồn" có ý nghĩa nhân văn, giúp con người biết hướng đến điều thiện, tránh điều ác.
"Đừng quá nặng nề, con người vẫn phải sống, phải làm việc, phải nhập cuộc, phải mưu sinh. Đừng tin mù quáng, kiêng kỵ quá mức gây cản trở cuộc sống thường ngày.
Một mặt, con người không nên báng bổ, bài xích, bất chấp, xem thường hay phủ nhận những nét tâm linh này", TS Giá nói trên báo Chất lượng Việt Nam.
Ảnh: Khám phá
Trên báo Dân Việt, GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam) cho biết, khoa học chưa ai chứng minh được nếu không kiêng kỵ sẽ gặp họa và kiêng kỵ thì được an lành.
"Tháng cô hồn, nếu ai kiêng được thì cứ kiêng, nhưng đừng vì sợ ma quỷ mà gò bó mình. Điều này là không nên bởi cũng có người có thể gặp tai họa vì kiêng", nguồn trên dẫn lời GS Thịnh.
Cũng theo nguồn trên, Hòa thượng Thích Thanh Nhã (Ủy viên thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Trấn Quốc) cho rằng, đạo Phật không tin có tháng cô hồn và trong tháng 7 Âm lịch mọi người không phải kiêng những điều như dân gian lan truyền.
Theo Hòa thượng Nhã, thay vì kiêng kỵ mọi người nên tích đức, báo hiếu cha mẹ, làm điều thiện.
Về quan điểm nhặt tiền rơi sẽ gặp tai họa trong "tháng cô hồn", trụ trì chùa Trấn Quốc khẳng định là thiếu cơ sở. Bởi người nhặt được tiền rơi vãi trên đường thậm chí còn coi là được lộc.
Thượng tọa Thích Thanh Huân (trụ trì chùa Pháp Vân) nói trên báo Dân trí, đạo Phật không có quan niệm tháng nào là tháng xui, tháng an. Đây là tháng để con cái báo hiếu cha mẹ, ông bà, cả những người còn sống hay đã khuất.
"Trong mỗi con người đều có phước đức, nếu tích phước, làm việc thiện, luôn hướng tới những điều tốt đẹp thì không sợ bao giờ phải sợ ma quỷ. Ngược lại làm điều xấu, thì chắc chắn sẽ gặp những điều không may mắn", Thượng tọa Huân chia sẻ với báo Dân trí.
(Tổng hợp)