Chuyên gia nói về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Lo nhưng đừng sợ!

NHẬT HỒ |

Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra sáng nay 27.9. Đây được xem là hội nghị quan trọng hoạch định để ĐBSCL phát triển. Nhiều ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia đã được đưa ra với kỳ vọng phát triển ĐBSCL.

GS.TS Võ Tòng Xuân: Lo nhưng đừng sợ

Biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng là hiện tượng của thời tiết được cảnh báo và đưa ra kịch bản rồi. Chúng ta đã có những lộ trình, kế hoạch quy hoạch để thích ứng với BĐKH.

BĐKH ảnh hưởng trực tiếp là nguồn nước, kể cả nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Không phải hoàn toàn do thiên nhiên mà một phần do con người như việc xây dựng các con đập thủy điện trên dòng Mekong.

Như vậy, trước tình trạng này, ĐBSCL phải làm sao. Chúng ta không chống lại thiên nhiên mà muốn chống cũng không được, nên phải sống hài hòa với nó. Mùa mưa trồng lúa, khi nước mặn xâm nhập thì nuôi trồng thủy sản.

Cũng cần nhìn nhận là chúng ta sản xuất lúa quá nhiều, mà lúa thì cần rất nhiều nước, đã đến lúc cần xem lại, cần chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây trồng khác.

BĐKH là điều đáng lo cho ĐBSCL, nhưng cũng không đáng sợ lắm. Nếu như chúng thay đổi tư duy về cây lúa, về nguồn nước, sử dụng nguồn nước một cách hợp lý.

Chuyên gia nói về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Lo nhưng đừng sợ! - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Nhật Hồ

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể: Nếu có bão, ĐBSCL thiệt hại vô cùng nặng nề

Theo ông Thể, các cơ quan chức năng cần có dự báo kịp thời, cung cấp kịch bản để người dân chủ động đối phó. Cần có dự báo dài hạn như trong 5-10 năm hay xa hơn là 20-30 năm nữa cái gì sẽ diễn ra ở ĐBSCL, để người dân có thể thích ứng tốt nhất.

Với thời tiết cực đoan do BĐKH, ĐBSCL có khả năng xảy ra lốc xoáy, bão. ĐBSCL vốn được mệnh danh là vùng đất hiền hòa, không mưa bão, nên chỉ cần bão cấp 10 là có thể xảy ra thảm họa.

Vấn đề thứ hai được ông Thể đặt ra là nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh hưởng rất lớn đến nuôi trồng, sản xuất của người dân Tây Nam Bộ.

"Từ làm ruộng, nuôi cá nước ngọt, chuyển sang nước lợ, rồi mặn thì người dân sẽ trồng được cây gì, nuôi con gì? Họ sẽ phải thay đổi nên rất cần chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước để thích ứng", ông Thể nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, sạt lở và sụt lún cũng là một vấn đề báo động ở miền Tây, tình trạng này vẫn đang diễn biến rất nghiêm trọng.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có giải pháp thì 100 năm nữa sẽ không còn ĐBSCL, thông tin này khiến người dân rất lo lắng.

Ông Thể cho biết, hiện ĐBSCL có hàng triệu giếng khoan. Việc khai thác quá mức mạch nước ngầm là một trong những nguyên nhân gây sụt lún.

"Nước mặt ở ĐBSCL rất dồi dào, sao không xây dựng các nhà máy cấp nước công suất lớn cung cấp cho người dân để hạn chế dần giếng khoan", ông Thể đề nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại