Ngày 5/4/1928, Liên bang Xô viết đã kí Hiệp định Geneva quy định cấm sử dụng vũ khí hóa học và sinh học trong chiến tranh. Tuy nhiên, do bản Hiệp ước này không nêu rõ việc cấm sản xuất các loại vũ khí trên, nên các nước Liên Xô đã tiếp tục lưu trữ chúng cho tới năm 1991.
Vậy số vũ khí hóa học còn sót lại sau khi Liên Xô tan rã đã được xử lí ra sao? Những quốc gia nào còn sở hữu số vũ khí này? Sau đây là câu trả lời của chuyên gia quân sự Nga Andrei Kotz được đăng tải trên Sputnik.
Con đường đến với vũ khí hóa học của Liên Xô
Nga bắt đầu sản xuất vũ khí hóa học năm 1915, trong cuộc Thế chiến I. Đây là động thái đáp trả việc Đức sử dụng khí độc trên các mặt trận phương Tây và phương Đông. Khi ấy, Sa hoàng đã ra lệnh gấp rút xây dựng ba nhà máy ở Ivanovo-Voznesensk, Moscow và Kazan.
Chỉ trong vòng một năm, quân đội Hoàng gia Nga đã tích trữ gần 150.000 viên đạn hóa chất, tuy nhiên họ luôn kiềm chế sử dụng chúng vì lo ngại tình hình thời tiết bất lợi sẽ khiến loại vũ khí này gây ra những hậu quả khó lường.
Sau khi phe Bolshevik lên nắm quyền, Binh chủng Hóa học thuộc lực lượng Hồng quân Liên Xô đã được thành lập. Tất cả các lữ đoàn súng trường và kỵ binh đều có binh đoàn hóa học, và các chiến sĩ bắt đầu được đào tạo về hóa học hiện đại từ năm 1925.
Trong Thế chiến II, do lo sợ Đức Quốc Xã có thể lặp lại kịch bản sử dụng vũ khí hóa học như trong Thế chiến I, Hồng quân Liên Xô đã duy trì lực lượng và các phương tiện để sẵn sàng phòng thủ và đáp trả nếu kịch bản tấn công bằng vũ khí hóa học trở thành sự thật.
Trong giai đoạn này, Hồng quân tiếp tục thành lập thêm 19 binh đoàn hóa học vào năm 1944. Rất may là loại vũ khí này đã không được sử dụng trên chiến trường, và sau khi chiến tranh kết thúc, phần lớn các binh đoàn hóa học đều được giải thể.
Trẻ em Liên Xô (thuộc Đội Thiếu niên Tiền phong) cũng tham gia khóa đào tạo về vũ khí hóa học. Ảnh: Sputnik.
Cuối năm 1940, khi Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ bắt đầu nổ ra, cả hai nước đã tiếp tục xây dựng những kho trữ vũ khí hóa học lớn.
Chuyên gia Kotz cho biết: "Đến năm 1990, Liên Xô đã sở hữu gần 40.000 tấn vũ khí hóa học, trong đó có hơn 4 triệu quả pháo và đạn tên lửa. 80% kho vũ khí khổng lồ này bao gồm các loại chất độc thần kinh như Sarin, Soman, VX... Số còn lại là chất gây bỏng liuzit (lewisite) và chất làm rộp da Mustard-Lewisite (HL).
Cam kết giải trừ vũ khí hóa học
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã kí kết và thông qua Công ước Vũ khí Hóa học vào năm 1997.
Công ước này quy định cấm sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí hóa học, và buộc Moscow phải cam kết tiêu hủy hết số vũ khí hóa học còn sót lại sau chiến tranh. Trước đó, cựu Tổng thống Boris Yeltsin đã kí kết đạo luật liên bang chấp thuận tiêu hủy số vũ khí này vào tháng 5/1996.
Nga lưu trữ vũ khí hóa học tại 7 địa điểm được canh gác nghiêm ngặt, bao gồm các khu vực Udmurtia, Kurgan, Bryansk, Saratov, Penza và Kirov. Quân đội Nga đã tiến hành tiêu hủy vũ khí hóa học tại các địa điểm này, và chính phủ còn cho xây dựng thêm một số cơ sở bổ sung để hỗ trợ việc tiêu hủy.
Quá trình tiêu hủy đã phải mất gần 20 năm để hoàn thành. Tháng 9/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì hội nghị quyết định việc phá hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng của Nga tại nhà máy Kizner ở Cộng hòa Udmurt.
Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), ông Hamid Ali Rao, đã trực tiếp giám sát việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng của Nga.
Ông này cho biết đây là một "sự kiện quan trọng", đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với quyết định của Tổng thống Putin. Ông Ahmet Uzumcu, Tổng Giám đốc đầu tiên của OPCW đã kí kết văn bản xác nhận việc Nga tiêu hủy toàn bộ số vũ khí hóa học trong nước.
Nga đã tiêu hủy toàn bộ số vũ khí hóa học trong nước. Ảnh: Sputnik.
"Không phải quốc gia nào cũng giải trừ quân bị triệt để như Nga"
Nga không phải là quốc gia duy nhất trong khối Liên Xô cũ còn sở hữu các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học từ thời Xô viết. Loại vũ khí này cũng được sản xuất và lưu trữ tại các quốc gia khác như Belarus, Georgia, Kazakhstan, Moldova, Ukraine và Uzbekistan.
Năm 1999, các chuyên gia về vũ khí hóa học thuộc quân đội Mỹ đã tới Viện Nghiên cứu Hóa học Nukus ở Uzbekistan để giúp họ tháo dỡ nhà máy.
Chia sẻ với chuyên gia quân sự Kotz, ông Igor Nikulin, cựu thành viên Ủy ban Vũ khí Hóa học và Sinh học của Liên Hợp Quốc, cho biết rất có thể quân đội Mỹ đã "đem vài mẫu vũ khí hóa học về nước" khi tiêu hủy số vũ khí này tại Uzbekistan.
Hơn nữa, ông Kotz lưu ý, mặc dù tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ cùng tham gia kí kết Công ước Vũ khí Hóa học, nhưng không phải quốc gia nào cũng có chương trình giải trừ quân bị toàn diện và triệt để như Nga.
"Cuộc khủng hoảng lực lượng vũ trang của các nước thuộc Liên Xô cũ, bắt nguồn từ việc thiếu kinh phí và tình hình khủng hoảng những năm 90, dẫn đến việc các loại vũ khí hóa học của họ có thể không được lưu trữ đúng cách, khiến chúng bị kẻ gian đánh cắp hoặc bị chính phủ lãng quên".
Ví dụ, hồi tháng 6/2004, người dân làng Toporivka ở Chernivtsi, Tây Ukraine đã đào được một hộp đạn 76 mm. Các chuyên gia vật liệu nổ đã nhanh chóng được triệu tập đến hiện trường, và xác định được hộp đạn đó là vũ khí hóa học. Số vũ khí này đã được tiêu hủy ngay sau đó, nên cho đến nay, người ta vẫn không thể biết ai đã giấu chúng ở đó, và liệu chuyện tương tự có xảy ra ở những nơi khác hay không.
Năm 2009, một kho vũ khí hóa học bị lãng quên đã được phát hiện tại một bãi tập quân sự ở Sary Shagan, thuộc vùng Karaganda của Kazakhstan. Trước đó, Nga đã trao trả gần như toàn bộ khu vực này cho Kazakhstan đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, ông Kotz cho biết, "vào thời điểm ấy, cả Moscow và Astana đều không có đủ điều kiện tài chính để cho kiểm tra kĩ lưỡng toàn bộ khu vực có diện tích rộng gấp đôi Hà Lan này", nên họ không biết ở đó có kho vũ khí hóa học. Các nhà sinh thái học địa phương đã cảnh báo rằng khu vực này vẫn còn ẩn chứa nhiều điều "bất ngờ" khác.
Ông Kotz kết luận, rất may là "số vũ khí đó không còn hiệu quả như trước nữa. Vũ khí hóa học rất nhanh hỏng nếu không được bảo quản đúng cách".
Video: Báo Anh đăng hình ảnh được cho là nhà máy sản xuất chất đầu độc cựu điệp viên