Ngày 5/9, tờ National Interest đăng tải bài phân tích của tác giả John Spacapan có nhan đề: "To Stop A Possible Iranian Nuclear Bomb, Don’t Cave, Don’t Bomb" (tạm dịch: Để ngăn chặn vũ khí nguyên tử của Iran, hãy không đào hầm thì sẽ không ném bom).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều trong bối cảnh hơn 30 ngày nữa lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Iran sẽ hết hạn và mùa bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới gần, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Lộ lý do khiến Iran "chần chừ" chưa sở hữu vũ khí hạt nhân?
Chuỗi vụ cháy nổ nhằm vào các máy ly tâm hiện đại và các cơ sở quân sự - kinh tế khác của Iran ngày càng thể hiện rõ sự quan trọng của quyết sách đối với Tehran của người sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng sau ngày 3/11/2020.
Khi các ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đang tăng tốc cho mùa bầu cử tổng thống Mỹ 2020, hầu như rất ít người chú ý đến tình hình chính trị Iran, và đây chắc chắn là một sai lầm.
Không lâu nữa, hai nhân vật quan trọng nhất ở Tehran là Tổng thống Hassan Rouhani và Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei, sẽ không còn nắm quyền. Những người thay thế họ có thể sẽ cứng rắn và đầu tư hơn cho chương trình hạt nhân quân sự, hoặc cũng có thể sẽ tương đối ôn hòa.
Tổng thống Hassan Rouhani được cho là người đứng đầu phe ôn hòa ở Iran?
Điều người Mỹ cần làm lúc này là thể hiện một lập trường rõ ràng, sẽ có hiệu quả ngay cả khi có những thay đổi ở cấu trúc thượng tầng chính trị Iran đó là yêu cầu Tehran từ bỏ "vỏ bọc" để làm giàu và tái chế nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Tất cả điều nói trên để đổi lấy việc gỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt và áp lực tấn công quân sự. Rõ ràng cả hai ông Trump và Biden đều chưa thực hiện điều này.
Điểm then chốt đầu tiên sẽ rơi vào tháng 5/2020, khi ông Rouhani sẽ rời nhiệm sở và Iran tổ chức bầu cử tổng thống.
Các nhà phân tích thường cho rằng các thể chế như Cộng hòa Hồi giáo Iran là một khối vững chắc, thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ là "vỏ bọc", tuy nhiên căn cứ vào các sự kiện diễn ra gần đây ở Tehran, có thể thấy những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo là vấn đề rất quan trọng.
Vị tổng thống cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad là người muốn đưa Iran đến gần với việc sở hữu quả bom nguyên tử đầu tiên, tuy nhiên cho đến ông Rouhani lên nắm quyền vào năm 2013, tân tổng thống Iran đã ký một thỏa thuận khiến chương trình bị đóng băng chỉ vài năm sau đó.
Việc chuyển giao quyền lực ở Iran năm 2013 ảnh hưởng lớn tới chương trình hạt nhân.
Cơ hội cuối cùng của Washington trước khi quá muộn?
Các ứng cử viên tổng thống Iran vẫn chưa được công bố, nhưng có một số lý do để tin rằng một người theo đường lối cứng rắn sẽ nhận được tín nhiệm cao.
Vào đầu năm 2020, những người theo đường lối cứng rắn đã "thống trị" cuộc bầu cử quốc hội, sau đó gần như đã luận tội ông Rouhani vì đã không thực thi được các biện pháp cải thiện được nền kinh tế.
Việc Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Khamenei "giang tay" bảo vệ ông Rouhani ở thời điểm đó rõ ràng là một ẩn số.
Liệu mục đích của ông Khamenei là để thu được thiện chí của phe ôn hòa trước khi quay sang ủng hộ một ứng cử viên tổng thống thuộc phe cứng rắn hay điều đó báo trước sự ủng hộ vẫn tiếp tục trong tương lai đối với các ứng cử viên ôn hòa hay không.
Bản thân Lãnh tụ Tối cao giúp cân bằng giữa phe cứng rắn và ôn hòa ở Tehran cũng sẽ sớm rời khỏi chính trường. Mặc dù đã vượt qua căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, Ayatollah Khamenei năm nay cũng đã 81 tuổi.
Ngay cả khi sức khỏe cho phép và vị lãnh tụ này vẫn tiếp tục nắm quyền thêm một số năm nữa, năng lực duy trì sự cân bằng mong manh nói trên của Ayatollah Khamenei vẫn sẽ giảm sút.
Nếu một ứng cử viên thân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) giành được vị trí tổng thống, khả năng Iran sẽ tăng tốc và về đích bằng một trái bom nguyên tử và từ chối đàm phán là rất cao.
Một nguy cơ khác là tình trạng bất ổn hiện tại trong nước cũng có thể khiến IRGC trở nên thiếu tập trung và đẩy nhanh tốc độ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo Iran được bắn từ bệ phóng chôn dưới lòng đất.
"Nhược điểm" của Tehran
Vào năm 2019, hàng trăm nghìn người biểu tình đã tập trung để phản đối các chính sách kinh tế và chính trị của Tehran, một sự kiện chưa từng có kể từ cách mạng Hồi giáo 1979.
Lẽ tất nhiên, Tehran cũng đang chờ xem ai mới là người sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 và có lẽ sẽ tạm ngưng các phản ứng cho đến khi cuộc bầu cử của chính họ vào năm sau kết thúc.
Nhưng nếu nền kinh tế của Iran tiếp tục suy giảm, Tehran sẽ không muốn cho phương Tây có cớ để tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Hầu hết sẽ coi những thay đổi này ở Iran như một dấu hiệu chiến thuật về cách Washington nên đàm phán, nhưng đó là cách hiểu sai.
Cho dù Iran có quay trở lại bàn đàm phán hay không, người Mỹ nên bắt đầu tập trung và kiên quyết trong việc vô hiệu hóa khả năng làm giàu và sử dụng lại nhiên liệu điện hạt nhân, thứ được cho là cần thiết cho nhiên liệu vũ khí hạt nhân đầu tiên của Iran.
Trên cơ sở các đồng minh của Mỹ trong khu vực (UAE , Arab Saudi và Jordan) phải nhập khẩu nguyên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng dân sự, việc Iran mở rộng việc tự làm giàu nguyên liệu hạt nhân là trái ngược hoàn toàn các giá trị và lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Cái cớ nói trên sẽ vô cùng có ý nghĩa khi được nhấn mạnh trong đàm phán, ngay cả khi đối đầu với phe cứng rắn ở Iran.
Không chỉ có Iran, một loạt quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đều có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước thực tế là nhiều quốc gia ở Trung Đông đang "đứng trước ngưỡng cửa" của một quả bom nguyên tử đầu tiên, việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có nguy cơ biến các cuộc đối đầu âm ỉ đang diễn ra trong khu vực trở thành một cuộc chạy đua hạt nhân..
Như vậy là Washington vẫn còn một cơ hội nhỏ khiến Tehran từ bỏ việc làm giàu và tái chế nguyên liệu hạt nhân với ít nhất 3 điều kiện như sau:
Đầu tiên, các áp lực về kinh tế tăng cao tới mức Tehran phải "mặc cả" để nhận được cứu trợ.
Thứ hai, Washington cần chứng minh cho Tehran thấy - thông qua hoạt động của lực lượng Mỹ và việc huấn luyện và trang bị cho các đối thủ khu vực của Iran rằng không tồn tại một kế hoạch tấn công Iran.
Thứ ba, Mỹ và các đồng minh phải phát triển mối quan hệ trở thành "xương sống" yêu cầu Iran và bất kỳ quốc gia nào khác từ bỏ việc làm giàu và tái chế nguyên liệu hạt nhân.
Cho đến nay, ông Trump tỏ ra chưa chấp nhận chiến lược này, và lập trường cứng rắn hơn về vấn đề hạt nhân cũng là điều mà ông Biden chưa theo đuổi. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, cả hai vị ứng cử viên nên điều chỉnh lập trường của mình.
Một phóng sự về cơ sở làm giàu hạt nhân Fordow của Iran.