Chuyên gia lý giải ý đồ đằng sau các cuộc tập trận và phóng tên lửa của TQ ở Biển Đông

Lan Hương |

Theo chuyên gia, một loạt các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành là nhắm vào 4 "khán giả": Mỹ, Đài Loan, Đông Nam Á và chính dư luận trong nước.

Bắc Kinh coi Biển Đông như "ao nhà"

Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã có một loạt hành động trái phép ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 23/8, thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành "diễn tập quân sự" phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong 6 ngày, bắt đầu từ ngày 24/8.

Đây là cuộc tập trận thứ hai ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong vòng hai tháng qua. Quy mô cuộc tập trận lần này, theo thông báo, còn lớn hơn cuộc tập trận hồi đầu tháng 7.

Tiếp theo đó, ngày 26/8, Trung Quốc đã phóng 2 tên lửa ở khu vực Biển Đông một tên lửa DF-26B phóng từ tỉnh Thanh Hải và tên lửa DF-21D từ tỉnh Chiết Giang. Hai tên lửa rơi xuống vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trước đó cũng có thông tin Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa máy bay ném bom H-6J ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, được truyền thông Trung Quốc đưa tin là nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích quân sự của Mỹ trong khu vực.

Chuyên gia lý giải ý đồ đằng sau các cuộc tập trận và phóng tên lửa của TQ ở Biển Đông - Ảnh 2.

Về các hành vi này của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã khẳng định, việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự.

Nhận định về một loạt các cuộc tập trận của Trung Quốc thời gian vừa qua, TS Andrew Chubb, trường Quan hệ Công và Quốc tế Woodrow, Đại học Princeton, Mỹ cho rằng các diễn biến này là sự kết hợp từ 2 yếu tố. Thứ nhất, là sự tiếp tục tham vọng kiểm soát khu vực này trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là trong 10 - 15 năm qua. Yếu tố thứ hai là, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể đây là nguyên nhân khiến các lãnh đạo ở Bắc Kinh cảm thấy rằng, nguy cơ xung đột đang gia tăng so với trước kia, TS Chubb cho hay.

Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện tại mạnh hơn và đang sở hữu các công nghệ mới. Việc triển khai máy bay ném bom mới nhất H-6J không có nghĩa là Trung Quốc áp dụng chính sách mới. Trước đó, đã rất nhiều lần máy bay ném bom H-6K của PLA hạ cánh trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Vì vậy, hành động này chỉ là sự tiếp tục chính sách hiện có của Trung Quốc, nhưng với công nghệ mới hơn, ông Chubb nói.

Trong khi đó, TS Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế, Viện khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan cho rằng, vụ phóng tên lửa khiêu khích của Trung Quốc là hành động phô diễn sức mạnh, nhằm cho thấy ý định coi Biển Đông như "ao nhà" của Bắc Kinh.

Chuyên gia lý giải ý đồ đằng sau các cuộc tập trận và phóng tên lửa của TQ ở Biển Đông - Ảnh 4.

Trung Quốc - Mỹ bị cuốn vào vòng xoáy "ăn miếng trả miếng"

GS Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia cho rằng, sự xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung trong nhiều vấn đề như thương mại và thuế quan, tranh cãi xung quanh cách xử lý đại dịch Covid-19 của Trung Quốc và việc áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông đã lan sang Biển Đông. Trung Quốc và Mỹ hiện đang bị cuốn vào một vòng xoáy "ăn miếng trả miếng" để chứng tỏ sức mạnh quân sự của họ.

Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc tập trận hải quân chưa từng có trong năm nay, ban đầu là để giành thế chủ động khi tàu USS Theodore Roosevelt gặp sự cố với COVID-19 dẫn đến việc phải ngừng hoạt động.

Trong lúc đó, Mỹ đã tăng số lượng các cuộc Tuần tra Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) để chứng minh rằng họ có thể duy trì sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông. Năm nay, Washington đã triển khai 3 tàu sân bay đến Biển Philippines và Biển Đông trong một cuộc phô trương lực lượng lớn, tiến hành một loạt các cuộc tập trận, trong đó một cuộc tập trận có sự tham gia của một máy bay ném bom chiến lược bay từ Louisiana ở miền nam nước Mỹ đến Biển Đông, chuyên gia người Úc dẫn chứng.

Số lượng và quy mô các cuộc tập trận của Trung Quốc là chưa từng có. Chẳng hạn, đã có liên tiếp các cuộc tập trận ở 4 địa điểm khác nhau: Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải và vịnh Bột Hải. Các cuộc tập trận này nhắm vào 4 "khán giả" là Mỹ, Đài Loan, Đông Nam Á và chính dư luận trong nước. Trung Quốc muốn thể hiện rằng, nước này không chỉ có khả năng tự vệ trước các cuộc tấn công mà còn có thể đe dọa nghiêm trọng lực lượng hải quân Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc cũng muốn đối lập lại hình ảnh hải quân Mỹ quyền lực và phô diễn các khí tài hiện đại cùng tàu sân bay Shandong.

Chuyên gia lý giải ý đồ đằng sau các cuộc tập trận và phóng tên lửa của TQ ở Biển Đông - Ảnh 6.

Theo GS người Úc, Trung Quốc đã phóng ít nhất 2 tên lửa đạn đạo vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Tên lửa chống hạm DF-21D được bắn từ tỉnh Chiết Giang, đông nam Trung Quốc và có tầm hoạt động 1.800 km. Trong khi DF-26B đã được bắn từ tỉnh Thanh Hải ở phía tây bắc của Trung Quốc, có tầm bắn 4000km.

Động thái này hiếm khi xảy ra và được cho là nhằm đáp trả chuyến bay của máy bay trinh sát Mỹ đã bay qua khu vực diễn ra cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc. Trung Quốc đang chứng tỏ khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ và tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam, ông Carl Thayer bình luận.

Nhận định về lần đầu tiên 2 tên lửa DF-21D và DF-26 Trung Quốc được thử nghiệm, Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm nghiên cứu RAND (Mỹ) cho rằng thông điệp đã rõ ràng: Bắc Kinh đang tăng cường các khả năng chống lại sự can thiệp của Mỹ và các đồng minh ở các điểm "nóng" dù là eo biển Đài Loan, Biển Đông hay biển Hoa Đông.

Còn TS Thitinan Pongsudhirak cho rằng, việc phóng tên lửa rõ ràng là nhằm chống lại sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực, cũng sẽ là một lời cảnh báo đối với các quốc gia trong khu vực rằng Trung Quốc đang vẽ một ranh giới đỏ mà nước này không cho phép bước qua.

Rủi ro đụng độ Mỹ - Trung tăng cao

Dự đoán về tình hình Biển Đông trong thời gian sắp tới, TS Chubb cho rằng, một loạt các diễn biến vừa qua không thực sự thay đổi tình hình ở Biển Đông. Thay vào đó, chúng thể hiện sự thay đổi lớn hơn đã xảy ra ở khu vực, đặc biệt là việc Trung Quốc đã tăng cường được năng lực của mình, mức độ căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ - Trung và nguy cơ đối đầu ngày càng cao giữa 2 nước.

Cho rằng lập trường của Mỹ liên quan đến Biển Đông đã thay đổi đáng kể nên GS Carl Thayer cho rằng, dù cho ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, rất có thể Bắc Kinh và Washington sẽ tăng cường các động thái "ăn miếng trả miếng" ở Biển Đông.

Tại cuộc họp thường niên giữa Úc và Mỹ trong năm nay, cả hai bên đã nhất trí thành lập nhóm công tác chung để lên kế hoạch gia tăng các hoạt động hải quân kết hợp ở Biển Đông, bao gồm các bên thứ 3 như Nhật Bản, và có thể là Pháp, Vương quốc Anh, cả hai đều có kế hoạch gửi một tàu sân bay qua Biển Đông, ông Thayer dự đoán.

Theo ông Derek Grossman, chắc chắn, Mỹ cũng thể hiện sự sẵn sàng cạnh tranh và chống lại Trung Quốc ở Biển Đông và đẩy mạnh các hoạt động của nước này trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu. Điều này có nghĩa là căng thẳng song phương ngày càng gia tăng có thể khiến Bắc Kinh tiếp tục có động thái đáp trả Mỹ ở Biển Đông.

Chuyên gia lý giải ý đồ đằng sau các cuộc tập trận và phóng tên lửa của TQ ở Biển Đông - Ảnh 8.

Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Thật không may, căng thẳng sẽ tiếp tục bùng phát ở Biển Đông và những "điểm nóng" khác khi cả hai bên tiếp tục lún sâu vào căng thẳng trong quan hệ giữa 2 nước, chuyên gia cao cấp của RAND nói.

Trung Quốc sẽ tìm cách củng cố quyền lực trong khi Mỹ sẽ thúc đẩy tự do hàng hải và pháp quyền theo UNCLOS, cũng như hỗ trợ các quốc gia phản đối yêu sách sai trái của Trung Quốc. Tất nhiên, hy vọng là không có sự tính toán sai lầm nào giữa quân đội Mỹ và PLA, để dẫn đến việc leo thang thành xung đột vũ trang, ông Grossman nói thêm.

Lần này, quả bóng đang ở phía sân của Mỹ. Các quốc gia trong khu vực sẽ theo dõi xem Mỹ có đáng tin cậy không, thể hiện qua việc duy trì hoạt động FONOP và các cuộc diễn tập trên không. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang chịu áp lực nội bộ và không bên nào có thể lùi bước.

TS Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế, Viện khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại