Tối 4/5, tờ The National đăng tải bài viết "Iranian military satellite launchers can be retooled to handle ballistic missiles, think tank IISS warns" (tạm dịch: Chuyên gia IISS cảnh báo vụ phóng vệ tinh của Iran có thể chuyển đổi thành tên lửa đạn đạo) của tác giả Thomas Harding.
Trong bối cảnh căng thẳng tăng cao ở Trung Đông liên quan tới chuỗi đụng độ trên biển, hoạt động phóng vệ tinh và các thông điệp "sặc mùi thuốc súng" giữa Mỹ và Iran, nhằm đem lại cho độc giả một phân tích sâu về năng lực tên lửa của Tehran, chúng tôi xin lược dịch bài viết.
Iran đã chạm tới công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa hay chưa?
Trước tuyên bố của tư lệnh của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rằng vụ phóng vệ tinh hôm 22/4 đã đưa khả năng thu thập thông tin tình báo của Tehran lên "cấp độ mới", một nhà phân tích quốc tế đã đưa ra cảnh báo:
"Thành công trong việc đưa một vệ tinh quân sự lên quỹ đạo đồng nghĩa với tuyên bố tên lửa đẩy của Iran có thể dễ dàng hoán cải để trở thành các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)".
Theo một báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Tổ hợp phóng vệ tinh di động (SLV) sử dụng tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn Sejil nếu được hoán cải có thể đưa một vũ khí nặng khoảng 1 tấn tới mục tiêu cách xa 2.500 km.
Con số nói trên đồng nghĩa với việc ICBM của Iran có thể đưa một vũ khí (thường là đầu đạn) vươn tới phần lớn khu vực Trung Âu, toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ và một khu vực rộng lớn thuộc Trung Quốc.
Tên lửa Sejil (Số 7) của Iran có thể uy hiếp các mục tiêu ở Trung Âu hoặc miền tây Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn bản thân nó cũng đã là "một mối đe dọa".
Tên lửa nhiên liệu rắn nhỏ gọn, đơn giản trong việc vận chuyển và triển khai phóng hơn nhiều so với tên lửa nhiên liệu lỏng và cũng là công nghệ ưa thích trong các chương trình tên lửa quân sự.
Nói cách khác, chưa có bất kỳ lực lượng vũ trang trên thế giới nào chuyển đổi các SLV tên lửa nhiên liệu lỏng thành ICBM, nhưng với SLV tên lửa nhiên liệu rắn, Israel và Ấn Độ là những ví dụ "nhãn tiền" về sự thành công.
Tác giả của báo cáo, ông Mike Elleman, Giám đốc chương trình chính sách và không phổ biến vũ khí hạt nhân của IISS cho biết, Iran có thể sẽ "làm điều tương tự" trong từ 5 đến 10 năm.
Hình ảnh tại hiện trường vụ phóng vệ tinh hôm 22/4.
Chuyên gia IISS: Mỹ cần hành động "ngay và luôn"?
Nếu xét tới các vụ phóng vệ tinh thất bại trong quá khứ của Cơ quan Vũ trụ Iran, vụ việc hôm 22/4 đồng thời đánh dấu lần đầu tiên IRGC, một lực lượng vũ trang của Iran thành công trong một vụ phóng vệ tinh quân sự.
Tư lệnh IRGC, Thiếu tướng Hossein Salami, người thường xuyên có các tuyên bố cứng rắn với Mỹ, Israel và Arab Saudi cũng nhấn mạnh rằng đây là "một bước tiến mới trong trọng trách của Iran nhằm tăng cường sức mạnh trong khu vực và trên toàn cầu".
IISS xác nhận vụ phóng là một thông điệp mạnh mẽ của Tehran trước chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ và các đồng minh Vùng Vịnh, đặc biệt là ở thời điểm giá dầu xuống rất thấp và vụ ám sát Tướng Qassem Soleimani, tư lệnh Lực lượng Quds thuộc IRGC tháng 1/2020.
Đứng trước việc IRGC sở hữu ICBM dưới vỏ bọc các hoạt động thám hiểm không gian và đưa các đô thị của Mỹ vào tầm ngắm, IISS đưa ra lời khuyên:
"Điều mà Mỹ và cộng đồng quốc tế cần làm lúc này là một thỏa thuận khẩn cấp liên quan tới các vụ phóng vệ tinh.
Thỏa thuận này sẽ cho phép Tehran phóng vệ tinh với mục đích hòa bình nhưng cấm sử dụng các loại tên lửa như tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn một giai đoạn Sejil".
Thomas Harding là một nhà báo và nhà phân tích người Anh.
Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) là một viện nghiên cứu của Anh.
Chỉ số phân tích hiệu quả của các viện nghiên cứu trên toàn cầu vào năm 2017 đã đánh giá rằng IISS đứng thứ 10 về phân tích chính trị và đứng thứ 2 về quốc phòng trên toàn thế giới.
Hiện IISS đang quản lý 11 chương trình nghiên cứu và hàng chục chuyên gia.
Cảnh quay một căn cứ tên lửa ngầm của Iran vào tháng 5/2019.