Vào ngày 18/8, Ủy ban trung ương ĐCSTQ và Quốc vụ viện nước này đã chính thức công bố kế hoạch quốc gia đã được thông qua trước đó Ý kiến về việc ủng hộ xây dựng thành phố Thâm Quyến thành Khu kiểu mẫu đi đầu của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc".
Theo kế hoạch này, Thâm Quyến sẽ trở thành thành phố dẫn đầu thế giới về kinh tế và chất lượng phát triển vào năm 2050.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh tình hình Hồng Kông leo thang căng thẳng, kế hoạch của Bắc Kinh về phát triển Thâm Quyến rõ ràng đang nới rộng sự cởi mở tài chính của thành phố này và tạo tiền đề để thay thế vị trí của Hồng Kông trong tương lai.
Nhưng cũng có phân tích chỉ ra, đây không phải quyết định bất ngờ của Bắc Kinh bởi kế hoạch này đã được thai nghén từ lâu, ít nhất bắt đầu từ năm 2017. Vào thời điểm đó, dựa theo chỉ đạo từ trung ương, quan chức Thâm Quyến đề xuất đi đầu trong việc xây dựng khu vực tiên phong hiện đại hóa dẫn đầu toàn quốc. Khái niệm này cũng được nhắc lại khi Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm Thâm Quyến vào tháng 10/2018.
Một bộ phận ý kiến khác cho hay, dù có thúc đẩy thì Thâm Quyến hay Thượng Hải đều không thể thay thế Hồng Kông trong ngắn hạn. Trong khi Trung Quốc hiện vẫn đánh giá cao vai trò của Hồng Kông nên sẽ không "nặng tay" với đặc khu này.
Sau khi các cuộc biểu tình diễn ra, Hồng Kông đã giảm mức dự báo tăng trưởng từ 2-3% xuống 0-1% và đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 2,4 tỉ USD. Ảnh: NYT
Hồng Kông vẫn rất quan trọng đối với Trung Quốc trong ngoại thương và tài chính
Các cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ tại Hồng Kông vừa bước sang tuần thứ 11. Hàng nghìn cảnh sát vũ trang và xe thiết giáp đã tập trung ở Thâm Quyến tham gia diễn tập chống bạo động làm dấy lên dự đoán cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ gửi quân tới Hồng Kông để dập tắt các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng Hồng Kông luôn giữ trò quan trọng với Trung Quốc, đặc biệt về thương mại và tài chính nên đại lục sẽ không "nặng tay" với Hồng Kông bởi điều này đồng nghĩa với sự sụp đổ của Hồng Kông.
Ông Antony Dapiran, luật sư tư vấn tài chính Hồng Kông cho biết, mặc dù GDP của Hồng Kông đang bị thu hẹp so với GDP chung của Trung Quốc khi được trao trả 22 năm trước nhưng Hồng Kông vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các khu vực khác trên toàn Trung Quốc.
"Hồng Kông vẫn có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới. Rất nhiều trong số các công ty lớn, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân của Trung Quốc đều xây dựng trụ sở chính tại Hồng Kông. Họ có thể đầu tư vào thị trường tài chính cũng như có thể tiến hành các thủ tục vay mượn ở các ngân hàng Hồng Kông. Họ cũng sử dụng Hồng Kông làm sàn giao dịch toàn cầu. Tôi cho rằng, Hồng Kông vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với Bắc Kinh", ông nói.
Hồng Kông là lựa chọn hàng đầu cho các phiên ra mắt cổ phiếu của các công ty Trung Quốc. Theo dữ liệu năm 2018 của PWC, mặc dù vị trí trung tâm tài chính của Hồng Kông đang bị thách thức bởi Thượng Hải và Thâm Quyến nhưng hơn 200 công ty Trung Quốc vẫn chọn Hồng Kông làm nơi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Được biết, hãng thương mại điện tử số một Trung Quốc Alibaba đã nộp đơn đăng ký niêm yết cổ phiếu tại sàn chứng khoán Hồng Kông và dự kiến sẽ huy động được gần 20 tỷ USD trong quý 3 năm 2019.
Tianlei Huang, một nhà nghiên cứu tại Viện kinh tế quốc tế Peterson phân tích rằng các công ty Trung Quốc đã chọn Hồng Kông vì Hồng Kông có nhiều lợi thế.
"Thứ nhất, hệ thống đăng ký thủ tục niêm yết lần đầu giúp cổ phiếu ra thị trường tương đối nhanh hơn và dễ dàng hơn ở đại lục. Thứ hai, không có kiểm soát vốn và môi trường tiếp xúc quốc tế lớn hơn giúp Hồng Kông trở thành nơi mở rộng thị trường toàn cầu của các công ty đại lục. Thứ ba, cơ sở hạ tầng tài chính lành mạnh giúp giảm chi phí vận hành. Thứ tư, Hồng Kông có khung pháp lý hoàn thiện và hiệu quả, chú trọng vào tính minh bạch và ác tiêu chuẩn tối thiểu tỉ mỉ. Thượng Hải và Thâm Quyến không thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Hồng Kông. Ít nhất là trong ngắn hạn. "
Thâm Quyến được cho sẽ khó thay thế vị trí của Hồng Kông đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: ABS-CBN News
Luật sư Dapiran nói rằng ngoài những yếu tố này, Hồng Kông cũng rất quan trọng đối với giới thượng lưu Trung Quốc. Giới thượng lưu Trung Quốc thường đầu tư vào bất động sản hoặc thực hiện các khoản đầu tư khác ở Hồng Kông để lấy hộ chiếu Hồng Kông nhằm giúp gia đình thuận tiện đi du lịch khắp thế giới. Do đó, ông tin rằng Trung Quốc sẽ không để Hồng Kông sụp đổ.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, tỷ lệ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong lĩnh vực phi tài chính (ODI) chảy vào Hồng Kông đã vượt quá 20% (khoảng 70 tỷ USD) trong năm 2018. Vào cuối năm 2018, ODI của Trung Quốc tại Hồng Kông đã đạt mức 622 tỷ USD.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Trung Quốc không lưu lại Hồng Kông. Các khoản tiền này hoặc được gửi trở lại đại lục dưới dạng lợi nhuận và tiền vốn, hoặc được chuyển đến các nơi khác trên thế giới. Tianlei Huang cho biết: "Các công ty đại lục đầu tư vào Hồng Kông nhằm tận dụng môi trường pháp lý tốt và các dịch vụ chuyên nghiệp có sẵn của Hồng Kông."
Theo dữ liệu chính thức niên độ 2017-2018 của Trung Quốc, trong số 125 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đại lục, 99 tỷ dòng vốn chảy qua Hồng Kông, chiếm 80% tổng FDI.
Tianlei Huang cho rằng, vì lợi ích tốt nhất, Bắc Kinh duy trì một hệ thống tư bản khác biệt giữa Hồng Kông với các khu vực khác, đồng thời Bắc Kinh cũng cần phải duy trì một thị trường tự do và cơ chế luật pháp như hiện nay ở Hồng Kông.
Trong chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, Trung Quốc phải "tận dụng" Hồng Kông
Ông Phương Chí Hằng, Phó Giáo sư Học viện nghiên cứu Hồng Kông, Đại học Giáo dục Hồng Kông cho rằng, Trung Quốc có lợi ích lớn ở Hồng Kông bởi đặc khu này luôn là nguồn thu ngoại tệ của Trung Quốc.
Vào tháng 4/2018, sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ZTE và Huawei, Bắc Kinh hy vọng sẽ sử dụng vị thế của Hồng Kông để nhập khẩu công nghệ phương Tây.
Vào tháng 5, Trung Quốc tuyên bố hỗ trợ Hồng Kông với tư cách là một trung tâm sáng tạo quốc tế và đưa Hồng Kông vào "Đề cương quy hoạch phát triển khu vực Vịnh lớn Quảng Đông- Hồng Kông-Macau". Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, ông Phương cho rằng, điều này cho thấy Bắc Kinh muốn tận dụng toàn diện vị thế của Hồng Kông.
Theo Chủ tịch sàn chứng khoán Hồng Kông, đặc khu này luôn đóng vai đặc biệt đối với Trung Quốc trong quá khức và tương lai. Ảnh: SCMP
Với vị thế là khu vực thuế quan độc lập so với đại lục, Hồng Kông không bị đưa vào các khu vực tăng thuế của Mỹ, cho phép nhiều hàng hóa Trung Quốc được tái xuất từ đây. Nhiều sản phẩm công nghệ cao bị nước ngoài cấm vận cũng được nhập khẩu từ đây sang Trung Quốc đại lục.
Ý nghĩa kiểu mẫu của Hồng Kông về "Một quốc gia, hai chế độ" với Đài Loan
Ông Joseph Bosco, cựu Giám đốc các vấn đề Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng, ngoài tầm quan trọng của nền kinh tế, Hồng Kông còn có ý nghĩa biểu tượng chính trị quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh coi Hồng Kông là khu thí điểm chính sách 'một quốc gia, hai chế độ" bởi chế độ này ban đầu được thiết kế cho Đài Loan", cựu quan chức Mỹ nhận xét.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng, sau khi thống nhất, Đài Loan sẽ được áp dụng theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" hiện đang thực hiện ở Hồng Kông. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông dường như đã ảnh hưởng tới quan điểm của người dân đảo Đài Loan đối với mô hình này.
Theo VOA, Đài Loan sẽ tổ chức cuộc bầu cử địa phương vào tháng 1 năm sau và Bắc Kinh không muốn thấy bà Thái Anh Văn - người phản đối Đồng thuận chung 1992 tiếp tục liên nhiệm nhưng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông dường như có lợi cho cuộc tranh cử của bà.
Tầm quan trọng của Hồng Kông đối với quá khứ Trung Quốc
Giám đốc Sở giao dịch Hồng Kông Lý Tiểu Gia từng giải thích tầm quan trọng của Hồng Kông đối với Trung Quốc trong 30 năm qua tại diễn đàn kinh tế vào năm 2016.
"30 năm qua là 30 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, đây cũng là 30 năm phát triển kinh tế nhanh nhất ở đại lục. Trong 30 năm qua, Hồng Kông đã thực hiện ba việc lớn cho cải cách và mở cửa của Trung Quốc: Thứ nhất, trung chuyển thương mại; thứ hai, đầu tư trực tiếp (FDI); thứ ba, thị trường vốn phát triển. Trung chuyển thương mại đã mang lại cho Trung Quốc thùng vàng đầu tiên. Đầu tư trực tiếp FDI đã đưa Trung Quốc thành công xưởng thế giới và sự phát triển lớn của thị trường vốn Hồng Kông tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc một nguồn vốn quý giá để phát triển nền kinh tế", ông Lý nói.
Theo ông này, kể từ khi cổ phiếu H - cổ phiếu của các công ty được thành lập tại Trung Quốc đại lục và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông - ra đời vào năm 1993, lần lượt các công ty Trung Quốc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Hồng Kông và huy động vốn từ khắp nơi trên thế giới, phát triển thành công ty viễn thông, công ty năng lượng, ngân hàng và bảo hiểm lớn nhất thế giới.
Ông Lý nhận định, nhờ vào những lợi thế độc đáo Hồng Kông đã có đóng góp to lớn cho Trung Quốc và nay mang vai trò tiên phong không thể thay thế, đồng thời, theo ông, trong quá trình này, Hồng Kông cũng đã đạt được sự thịnh vượng phồn vinh và trở thành một trung tâm tài chính quốc tế được công nhận trên toàn cầu.
Ông này khẳng định, sự thịnh vượng của Hồng Kông không thể rời khỏi sự phát triển của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc muốn phát triển cần tận dụng những lợi thế độc đáo của Hồng Kông. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ và tương lai cũng sẽ vậy.