Theo ông Nikolay Petrov, chuyên gia thỉnh giảng tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể thất bại trong những năm tới.
Sự thất bại này gây hậu quả nghiêm trọng với Nga, dẫn đến sự thay đổi chính quyền tồi tệ nhất và sự phát triển của các thể chế và quốc gia mới trên toàn liên bang Nga.
Petrov, cựu Chủ tịch Trung tâm Chương trình Xã hội và Khu vực Carnegie, Mátxcơva, tin rằng, việc Nga phiêu lưu quân sự, hoàn toàn đứng ngoài lề các phong trào chính trị đối lập, sự sụp đổ nền kinh tế Nga, sự tập trung hóa quyền lực toàn diện cho ông Putin, chỉ có thể dẫn đến 3 kết cục như sau.
1. Putin hàn gắn được quan hệ với phương Tây và cải thiện nền kinh tế
Trong kịch bản tốt nhất, Putin có thể hàn gắn được mối quan hệ với phương Tây về vai trò trong cuộc xung đột ở Syria và Ukraina. Ngoài ra, Putin có thể bổ nhiệm một chính trị gia tự do lên vị trí cấp cao để cho phương Tây thấy rằng ông nghiêm túc thực hiện cải cách.
Theo ông Petrov, động thái này sẽ đánh tín hiệu tích cực với phương Tây, khôi phục được sự cân bằng giữa những người tự do và giới siloviki (chính khách xuất thân từ cơ quan an ninh quốc gia hay quân đội) trong chính phủ.
Sau đó, Putin có thể "hạ tông" giọng điệu chống phương Tây và tuyên bố đã thắng trong cuộc đấu tranh giành quyền lực với phương Tây, phục hồi sự vĩ đại của Nga trên trường quốc tế, và tái tham gia hợp tác với vị trí hùng mạnh.
Nếu điều này xảy ra, nó cũng chỉ giúp trì hoãn những vấn đề hiện tại của Nga. Theo ông Petrov, điều đó cũng không giải quyết được sự thất bại tiềm ẩn của Nga trong cải cách kinh tế và chính trị trong quá khứ.
2. Putin bị thay thế
Trong kịch bản thứ hai, Putin được thay thế bằng một người trẻ hơn. Điều này sẽ khắc phục sự mất cân bằng chính trị lớn ở Nga, bằng cách giảm bớt quyền lực của tổng thống, trong khi nâng cao sức mạnh của các thể chế hiện có.
Nhưng ông Petrov lưu ý rằng, việc thay thế Putin sẽ gặp vô vàn khó khăn, vì "nền tảng của hệ thống cần phải xây dựng lại".
Một nhà lãnh đạo mới vẫn sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề tương tự mà Putin đang phải đối mặt: một tầng lớp tinh hoa chính trị bè phái, sẵn sàng quay lưng vào nhau vì lợi ích, sự thiếu vắng các thể chế nhà nước minh bạch và hiệu quả và sự tiếp tục tồn tại của nền chính trị ủng hộ cá nhân.
3. Nga đối mặt với sự thay đổi chế độ
Theo cách nói của Petrov, thì sự bất mãn với chính phủ và sự sụp đổ của chính quyền trung ương có thể khiến Nga trở thành "liên minh của các tập đoàn".
Trong trường hợp này, những trung tâm quyền lực khác nhau của Nga, như các công ty của giới tài phiệt, các cơ quan chính phủ... có thể trở thành trung tâm quyền lực riêng của họ.
Trong trường hợp đó, liên bang Nga có thể trở thành một quốc gia bao gồm những quyền lực cạnh tranh, với các căn cứ địa phương kiểm soát cạnh tranh cho chính quyền trung ương.
Trong khi đó, các quan chức Nga từ nhiều tháng nay cho biết, phương Tây đang có cuộc chiến thông tin nhằm vào Nga.
Hồi tháng Giêng, Phó Hiệu trưởng Học viện Tổng tham mưu Nga, Thiếu tướng Sergei Chavarkov từng cáo buộc: "Cuộc chiến thông tin mở đang được tiến hành nhằm vào Nga.
Việc gây ảnh hưởng lên người dân, đặc biệt là giới trẻ, bằng những thông tin có quan điểm phá hoại các truyền thống lịch sử, tinh thần và lòng yêu nước trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc là những mối đe dọa quân sự chính."
Trước đó vào tháng 12,2015, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận rằng cuộc chiến tranh thông tin toàn cầu "đã diễn ra từ lâu".