Chuyên gia Anh: Tiền Trung Quốc đổ vào châu Phi chưa chắc là tiền "khôn"

Minh Khôi |

Theo ông Richard Harris, Trung Quốc đang cam kết hàng tỷ USD cho châu Phi để tiếp cận với tài nguyên rẻ và mở rộng ảnh hưởng. Nhưng chưa chắc Bắc Kinh đã thực sự hưởng lợi.

Bài viết đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) thể hiện quan điểm của ông Richard Harris - Giám đốc điều hành của Port Shelter Investment Management và có 40 năm kinh nghiệm trong các hoạt động đầu tư và thị trường vốn.

---

10 năm trước, tôi đã có một chuyến đi về trường cũ của tôi ở Zimbabwe. Chúng tôi thuê một chiếc xe, một người tài xế. Tại biên giới, tôi hỏi người tài xế về những bộ quần áo gần như mới mà chúng tôi được yêu cầu mang đến cho người nghèo ở Zimbabwe. Tất cả đều là đồ đã qua sử dụng. Nhưng còn tốt hơn "mớ rác" của Trung Quốc; rách ngay trong lần giặt đầu tiên, anh nói.

Mỹ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi nhưng Trung Quốc đang ở ngay phía sau. Theo thống kê, Trung Quốc hiện đang là chủ nợ chính của châu Phi, đã cho vay 136 tỷ USD kể từ năm 2000.

Các doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng thu mua vật liệu thô, đất nông nghiệp. Nguồn tài nguyên được bán với giá thấp hơn thị trường nhờ quan hệ thân thiết với các lãnh đạo địa phương.

Các lãnh đạo châu Phi hứng thú với các khoản đầu tư vào đường bộ, đường sắt và hồ chứa. Đầu tư nước ngoài giúp phát triển tăng tốc và tạo ra việc làm.

Tuy nhiên, công ty Trung Quốc đã tạo ra một sai lầm: Họ mang lao động Trung Quốc đến, gây ra sự tức giận và phẫn nộ đối với người châu Phi. Ảnh hưởng của Bắc Kinh còn bị cản trở bởi các lo ngại tham nhũng, lãng phí và hủy hoại môi trường.

Tệ hơn là lời cáo buộc về chủ nghĩa thuộc địa, mặc dù điều này luôn bị các lãnh đạo châu Phi bác bỏ.

Bên cạnh đó, mô hình cho vay có thể tạo ra mức nợ không thể trả được. Chỉ riêng Angola đã có mức nợ khoảng 42,2 tỷ USD, gần bằng một nửa GDP hàng năm của toàn bộ đất nước.

Để đảm bảo việc tiếp cận nguồn tài nguyên giá rẻ và ảnh hưởng của mình, Trung Quốc đã cam kết đầu tư cho châu Phi 60 tỷ USD trong tuần này, nhưng khoản tiền này vẫn chưa là gì. Chi phí của Sáng kiến Vành đai - Con đường ở khu vực đã tăng từ 4.000 tỷ lên 8.000 tỷ USD.

Châu Phi không còn "dễ dãi" như trước nữa. Họ biết giá trị và cái giá phải trả của mọi thứ. Tạo ảnh hưởng ở châu Phi sẽ khó khăn hơn nhiều so với thế kỷ 19. Cuối cùng, phải có lợi ích tài chính quay lại với châu Phi. Những nguồn tài nguyên có thể sẽ được bán ở giá cao hơn.

Tiền chỉ mua được sự trung thành chừng nào tiền còn chảy. Các hợp đồng cho vay có thể đảm bảo cho các thỏa thuận nhưng không thể duy trì được mãi. Việc Malaysia hoãn dự án của Trung Quốc trị giá 20 tỷ USD cho thấy đây là dấu hiệu cho thấy, không có sự đảm bảo vĩnh viễn nào cho các khoản đầu tư.

Các khoản đầu tư phải tạo ra giá trị nào đó ngoài sự ảnh hưởng, nó cần có lợi ích đổi lại cho tất cả các bên liên quan mới có thể bền vững.

Các lãnh đạo châu Phi đã đến Bắc Kinh tuần này để vay thêm tiền. Trong tương lai, các ngân hàng Trung Quốc tái cấu trúc nợ có thể trở thành khách du lịch thường xuyên đến châu Phi để đòi lại tiền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại