Xung quanh việc Thiếu tướng Phạm Xuân Bình - Phó GĐ Công an TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội đô, VietNamNet đã có trao đổi với đại diện cơ quan đường sắt và Bộ GTVT.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, đường sắt trên toàn thế giới đều thể hiện 2 ưu điểm: An toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân.
Trách nhiệm của quản lý nhà nước phải đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân tốt nhất có thể chứ không phải tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong quản lý.
Còn nếu đường sắt ở Hà Nội hiện nay gây ách tắc giao thông thì có thể nghiên cứu phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao chứ không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm, trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn.
Theo ông Minh, nếu đường sắt không ở trung tâm thì phương tiện từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành sẽ tăng lên đáng kể.
“Một đoàn tàu 700-1.000 khách, thay vì vận chuyển như hiện nay thì vài trăm phương tiện khác đi vào sẽ vẫn gây áp lực lên giao thông nội đô. Do vậy, phải xem xét kỹ việc di chuyển đường sắt ra ngoại thành”, ông Minh nói.
Ông Minh cho biết, hiện TP Hà Nội đã làm quy hoạch về đường sắt giao thông đô thị kết nối với đường sắt quốc gia, trong đó ga Hà Nội vẫn được giữ nguyên.
Ga Hà Nội vẫn nằm trong quy hoạch đường sắt quốc gia |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin thêm, theo quy hoạch đường sắt được Thủ tướng phê duyệt thì đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là ga Hà Nội hiện nay và chưa có gì thay đổi.
Hơn nữa, quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) đều có kết nối với đường sắt quốc gia tại ga Hà Nội chứ chưa có quy hoạch khác.
Thứ trưởng cho rằng, quy hoạch như vậy là phù hợp với xu thế chung của các đô thị lớn trên thế giới như: Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Tokyo (Nhật Bản)… .
Tại các đô thị này đường sắt quốc gia đều được bố trí ở trung tâm đô thị và được kết nối với đường sắt nội đô.