1. Chuyên gia Lê Thụy Hải đưa ra mức giá gấp 5 lần so với con số 25.000 euro mà "người Thái" định giá cho Công Phượng, mà đấy chỉ là con số "mượn 1 năm". Bầu Đức, tất nhiên là nổi cáu với con số "rẻ mạt" được định giá cho "đứa con cưng" của mình, vậy con số khiêm tốn được báo chí Thái đưa ra dựa trên cô sở nào, và đấy có phải là sự coi thường, hay chiêu trò khích bác trước SEA Games?
Chẳng phải! Thực ra đấy chỉ là con số "vô thưởng vô phạt" mà bài viết trên FourFourTwo phiên bản Thái Lan dùng để tham khảo cho cái thông tin chính: Bên cạnh Hoàng Vũ Samson, Công Phượng là cái tên duy nhất đủ khả năng thi đấu ở Thai-League. Nếu minh mẫn, người ta dễ dàng nhận ra đấy là một sự khen ngợi dành cho chân sút xứ Nghệ của HAGL và U22 Việt Nam.
Bởi nếu xếp Công Phượng cạnh Hoàng Vũ Samson trên khía cạnh chuyên môn đơn thuần, rõ ràng Phượng "chưa đủ tuổi". Bên cạnh đó, không thiếu những chân sút ở V-League đủ sức ăn đứt Công Phượng, như Đỗ Merlo chẳng hạn. Phải chăng vì người Thái là đối thủ lớn nhất của chúng ta ở đấu trường SEA Games, nên được mặc định sẽ "chọc ngoáy", thay vì khen ngợi, tâng bốc?
Giá của Công Phượng trên Transfermarkt.
Mấu chốt chính nằm ở con số "bèo bọt" 25.000 euro. Thực ra đây không phải là con số báo chí hay giới chuyên môn Thái định giá cho Công Phượng, mà được "tham khảo" từ nguồn Transfermarkt, một website độc lập chuyên về chuyển nhượng. Thông tin về giá trị của Phượng được cập nhật lần cuối là ngày 25/3/2017.
Tương tự Công Phượng, trong số ít ỏi các cầu thủ Việt Nam được định giá, theo Transfermarkt, Trương Đình Luật cũng có giá 25.000 euro, Lương Xuân Trường được định giá 50.000 euro, Âu Văn Hoàn và Nguyễn Trọng Hoàng có giá 100.000 euro.
2. Trong những mức giá "loạn xị" được đưa ra cho Công Phượng, có lẽ cái giá 3 tỷ/năm của chuyên gia Lê Thụy Hải là hợp lý nhất. Nhưng đáng lưu ý, đấy là mức giá đã bao gồm cả việc khai thác hình ảnh, marketing, chứ không chỉ đơn thuần là chuyên môn. Ai cũng biết giá trị hình ảnh, thương mại của Phượng mạnh thế nào từ sau thành công của U19 Việt Nam 3 năm về trước.
Hơn một năm rưỡi trước, Công Phượng từ HAGL sang thi đấu cho Mito Hollyhock với mức giá 85.000 euro trong vòng một năm, và suốt một năm trời ấy, nhiệm vụ chính của Phượng không phải là thi đấu trên sân, mà chủ yếu là mặc vest đi... làm đại sứ và thực hiện các chương trình quảng bá cho CLB.
Trong khi Công Phượng mải mốt trong vai trò đại sứ...
Chẳng phải mình Công Phượng, mà cả Tuấn Anh, rồi Xuân Trường sang Nhật Bản, sang Hàn Quốc cũng mang theo trên mình nhiệm vụ quảng bá hình ảnh là chính, bên cạnh đó là được tập luyện cùng các đội bóng mà họ đầu quân, và đóng góp của bộ ba này trên đất khách chỉ dừng lại ở mức... cực kỳ khiêm tốn.
Mới đây nhất, tiền đạo 23 tuổi người Thái Chanathip Songkrasin ra mắt ở sân chơi J-League với 4 trận liên tiếp đứng trong đội hình chính của CLB Sapporo. Khác với bộ ba HAGL, những đóng góp của "Messi Thái" cho đội bóng đang thi đấu ở hạng đấu cao nhất của Nhật Bản là rất đáng kể. Trước mắt, cái giá 600.000 euro của Chanathip Songkrasin là "đáng đồng tiền bát gạo".
...thì Chanathip Songkrasin chứng tỏ mình đáng giá đến từng xu mà CLB Nhật bỏ ra để mua anh.
Từ mức giá sát với thực tế của tiền đạo người Thái, có thể thấy con số tiền triệu mà bầu Đức đưa ra cho học trò của mình là cực kỳ hư cấu. Ngay cả Thai-League hiện tại cũng không có cầu thủ này trị giá đến con số triệu euro, kể cả ngoại binh.
3. Còn sang châu Âu thì sao? Ngay ở thời điểm này, có thể nói luôn đấy là giấc mơ quá xa vời với những cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh và cả những cầu thủ HAGL khác. Kiếm được tiền từ giấc mơ "chinh Tây" thì lại càng hoang đường.
Thể hình và thể lực là hai điểm yếu của những cầu thủ xuất thân từ lứa U19 HAGL đình đám vài năm qua, và cũng là nòng cốt của U22 Việt Nam dự SEA Games lần này. Và đấy cũng là tiêu chí tiên quyết để có thể ra mắt và trụ lại ở các CLB châu Âu.
Thực ra thì để Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Toàn, Văn Thanh sang châu Âu cũng không khó, miễn là... đừng nghĩ đến chuyện kiếm tiền. Cánh cửa các CLB châu Âu luôn rộng mở với các cầu thủ trẻ Đông Nam Á sang để học tập một cách đúng nghĩa. Cách đây vài năm, Liên đoàn bóng đá Singapore đã từng bỏ ra 200.000 USD để tài năng trẻ Adam Swandi "du học" tại Pháp.
Nói như chuyên gia chuyển nhượng gốc Việt sống tại Đức - Nguyễn Đắc Văn, "cửa" sáng nhất để đưa Công Phượng sang châu Âu là theo dạng "đi học". Thiệt thòi trước mắt, nhưng sẽ đem lại lợi ích lâu dài. Như một viên ngọc quý, tuy có thể bán ngay nhưng giá trị của nó sẽ tăng gấp nhiều lần nếu được mài cắt, gọt giũa kỹ càng.
Ở tuổi của Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh, bây giờ mới "du học" là hơi muộn, nhưng không phải là quá muộn. Tuy nhiên, liệu bầu Đức cũng như HAGL có chịu để những tên tuổi đang hot về mặt hình ảnh, những "con gà đẻ trứng vàng" đi học mà không thu về được đồng nào, thậm chí còn mất tiền có lẽ là điều bất khả.
Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh cùng những cầu thủ của lứa U19 HAGL đang là nòng cốt của U22 Việt Nam, và đích đến cao nhất đang là chức vô địch SEA Games. Và đấy cũng là mục tiêu có vẻ vừa tầm nhất với họ, dù cho vẫn còn sừng sững đó một Thái Lan được đánh giá cao hơn hẳn.
"Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp", nhưng nếu cái "sàng xó bếp" ấy vừa vặn hơn, và đi kèm theo nó là rất nhiều lợi ích trước mắt khác, thì có lẽ cũng không nên nhón chân mà cố với. "Miếng giữa làng", có lẽ nên nhường lại cho lứa U20 - với những cầu thủ trẻ mang vóc dáng, thể lực tốt hơn, được đào tạo bài bản và từng va chạm ở các đấu trường đỉnh cao hơn.