Phát hiện khảo cổ của Việt Nam gây chấn động thế giới và chuyện đặc biệt phía sau

Thanh Tú |

Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải, kết quả khảo cổ tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai chưa từng ghi nhận trong khu vực Đông Nam Á.

Tại Đại hội lần thứ 21 của Hội tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA) diễn ra tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế) hôm 23/9, một phát hiện khảo cổ của nước ta gây chấn động thế giới được công bố, đó là kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Theo thuật lại của báo Thanh niên, PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam thông tin, Viện Khảo cổ học đã thực hiện một chương trình nghiên cứu về thời đại đồ đá ở khu vực thượng du Sông Ba (tỉnh Gia Lai) vào năm 2014.

Kết quả đã phát hiện gần 30 di chỉ có niên đại từ Đá cũ đến Đá mới và đặc biệt nhất là một nhóm di tích được xác định có niên đại đồ Đá cũ sơ kỳ.

Sau đó, từ 2015 đến 2018, Viện phối hợp với Viện Khảo cổ - dân tộc học Novosibirsk (Nga) khai quật tại các địa điểm Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Kết quả trong 3 năm 2016, 2017, 2018 cho thấy tầng văn hóa ổn định ở những di tích trên.

Báo Sài Gòn giải phóng mô tả, tại các điểm khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều công cụ, như: công cụ chặt, công cụ mũi nhọn tam diện, công cụ ghè một mặt, ghè đẽo hai mặt, rìu tay, nhiều mảnh thiên thạch... Kết quả phân tích các mảnh thiên thạch có niên đại khoảng 800.000 năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải, kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

"Kết quả khai quật khảo cổ học này có tầm vóc quốc tế, chưa từng ghi nhận trong khu vực Đông Nam Á đã gây chấn động, làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà khoa học trên thế giới", ông nói với nguồn trên.

Ông Giang Hải cho biết, việc tìm thấy các di tích sơ kỳ Đá cũ đã nâng tầm khảo cổ học nước ta lên một vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và đây cũng là phát hiện được cả thế giới trông mong.

Phát hiện khảo cổ của Việt Nam gây chấn động thế giới và chuyện đặc biệt phía sau - Ảnh 1.

Các chuyên gia Nga và Việt Nam cùng tham gia khai quật ở An Khê. Ảnh: N.T.K.V/Báo Gia Lai

"Hơn 50 năm trước, có một phát hiện tương tự ở vùng Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc), đem lại niềm tự hào rất lớn cho các nhà khảo cổ học Trung Quốc. Ngoài ra, không một quốc gia nào ở châu Á phát hiện ra di tích thời đại này cho đến khi Việt Nam tìm thấy dấu vết ở An Khê", báo Dân trí dẫn lời PGS.TS Nguyễn Giang Hải.

Một câu chuyện đặc biệt được PGS.TS Nguyễn Giang Hải chia sẻ với Sài Gòn giải phóng, đó là khi phát hiện được các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê, Viện sĩ Annatoly Derevianko (hơn 80 tuổi, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) đã nói: "Đến đây, tôi đã có thể dừng sự nghiệp của mình được rồi".

Theo ông Hải, Viện sĩ Annatoly Derevianko dành gần như cả cuộc đời để hoàn thiện các bản đồ về sự tiến hóa của lịch sử loài người. Vị này cũng là một trong những nhà khảo cổ học thời đại Đá cũ hàng đầu trên thế giới.

Hồi năm 2016, theo ghi nhận của báo Công an Đà Nẵng, Viện sĩ Annatoly Derevianko đánh giá những di tích Đá cũ ở An Khê là minh chứng cho sự tiến bộ về nghề ghè đá của người sinh sống ở Đông và Đông Nam Á sớm hơn châu Âu từ 300.000-400.000 năm, đồng thời bổ sung tư liệu mới vào bản đồ sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại