LTS: Nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Ngoại giao), Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn đã có một chuyến công tác đặc biệt tới Triều Tiên vào năm 2013. Bài viết dưới đây là những cảm nhận của ông sau chuyến đi.
Nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Ngoại giao) Hoàng Anh Tuấn.
Triều Tiên là quốc gia rất đáng đến thăm và ít có chuyến đi nước ngoài nào lại gây ấn tượng mạnh với tôi như trong chuyến thăm Triều Tiên cuối năm 2013.
Khi đánh giá về Triều Tiên, chưa cần đi sâu nhưng có thể phát hiện ra ngay là cách nhìn về nước này trên các phương tiện truyền thông (cả truyền thông truyền thống lẫn mạng xã hội) trên thế giới khá thiên lệch và tiêu cực, chịu ảnh hưởng khá nhiều từ cách phân tích và đánh giá của Phương Tây và một số quốc gia xung quanh Triều Tiên.
Chỉ cần đặt câu hỏi ngược lại thì sẽ thấy rằng thế giới có khá nhiều quốc gia được coi là thất bại, nhưng tại sao họ lại không bị "soi" kỹ như Triều Tiên? Cũng cần thấy rằng, trên thế giới có một số quốc gia xây dựng hình ảnh, làm PR tốt hơn các quốc gia khác.
Trong một thế giới mà truyền thông phương Tây "làm chủ" trận địa, việc một quốc gia mặc định được đánh giá cao hơn các quốc gia khác (nhiều khi chỉ dựa vào"thiên kiến") là một thực tế. Và Triều Tiên là một trong số ít các quốc gia đang bị đánh giá thấp (underrated) cũng là một thực tế.
Theo lịch trình, sau khi đến Triều Tiên được 2 hôm, đã đi thăm thú một số nơi, anh em trong đoàn mới gặp và trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên lúc đó là Lê Quảng Ba.
Nghe xong về các hoạt động, các cuộc tiếp xúc, thăm viếng "ngẫu hứng" không theo lịch trình chung của anh em trong đoàn, mà nước bạn vẫn "chiều" (không hạn chế hay cản trở), Đại sứ không giấu nổi vẻ ngạc nhiên.
Anh cho biết rằng trong hơn 10 năm làm về Triều Tiên và công tác tại nước này, lần đầu tiên Đại sứ mới thấy có một đoàn Việt Nam được bạn "biệt đãi" như thế, và những gì đoàn đã được "hưởng" không chỉ là ngoại lệ, mà phải gọi là "biệt lệ"!
Thật ra, đúng là có một "biệt lệ" ngoài mong muốn mà đoàn thiết tha yêu cầu bạn từ bỏ, đó là chỉ phục vụ 2 người 1 suất đồ ăn, vì mỗi suất quá nhiều. Cả đoàn ai cũng ngại, bỏ thì tiếc mà cố "chiều" bạn "xơi" cho hết thì khi về Việt Nam sẽ rất có khả năng mang bệnh vì cơ thể không thể tiêu thụ hết chất đạm!
Còn những điều làm nên sự "biệt lệ" khác thực tế chỉ là việc được thoải mái đi lại, tiếp xúc với người địa phương, đi chợ "cóc", chụp ảnh với người địa phương... tại bất cứ đâu và bất cứ khi nào mình muốn.
Ông Hoàng Anh Tuấn chụp ảnh cùng người dân địa phương tại một khu chợ ở Triều Tiên.
Ở Triều Tiên, người nước ngoài được làm như vậy là cả một câu chuyện lớn. Và tôi cho rằng khó có thể áp đặt hoặc suy luận từ tư duy của mình để giải thích câu chuyện của người Triều Tiên được.
Triều Tiên (và cả Hàn Quốc nữa) trên danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến Triều Tiên kết thúc mà không có Hòa ước (Peace Treaty), chỉ có Hiệp định đình chiến (Armistice Agreement).
Theo cách tư duy đó, an ninh quốc gia của Triều Tiên được đặt cao hơn nhiều so với tư duy phát triển và người Triều Tiên được rèn luyện để luôn cẩn trọng, nghi ngờ các hoạt động phá hoại từ bên ngoài.
Phải hình dung tư duy chiến tranh của ta trước 1975 thì mới hiểu tư duy của bạn hiện nay. Trong tình trạng chiến tranh như vậy, Triểu Tiên rất ngại để người nước ngoài đi "lung tung", tiếp xúc 1 cách "vô tổ chức" với dân địa phương vì điều này dù vô tình hay hữu ý đều có thể bị các cơ quan tình báo đối phương khai thác.
Còn nhớ, trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1 năm 1991, Mỹ đã khai thác được rất nhiều thông tin về các công trình lưỡng dụng tại Iraq từ các kỹ sư Thụy Điển và các thông tin này đã được quân đội Mỹ sử dụng triệt để.
Ngay khi đặt chân xuống Bình Nhưỡng, tôi đã nói ngay với bạn rằng chúng ta là những người bạn và bản thân tôi là nhà nghiên cứu nên đoàn sẽ không đi theo hết chương trình của bạn, mà có những chương trình "ngẫu hứng", sẽ dừng xe, tiếp xúc, chụp ảnh tại những nơi mình muốn.
Một cuộc tiếp xúc của đoàn Việt Nam năm 2013. Ảnh: Hoàng Anh Tuấn
Bạn lúc đầu khá ngần ngại, nhưng sau nửa ngày xin ý kiến, bạn cho biết ngay các yêu cầu của đoàn đều được đáp ứng. Chúng tôi cũng biết rằng các bước đi của đoàn đều có người của bạn theo sát phía sau, tất nhiên không ngoài lý do nào khác là đảm bảo an ninh và an toàn cho đoàn.
Vậy là tự bổ sung được 1/3 chương trình, được tự do đi lại, tiếp xúc, chụp ảnh... lại có người bảo vệ tại một trong những quốc gia có hệ thống an ninh cẩn mật nhất thế giới thì còn niềm vui nào bằng.
Sau khi được phía Triều Tiên cho phép đi lại thăm thú, gặp gỡ, tiếp xúc người dân một cách thoải mái, tự do – một "biệt lệ" đối với các đoàn nước ngoài, chương trình "khám phá" Bình Nhưỡng đã được đoàn chúng tôi tận dụng tối đa.
Có lẽ thông tin cũng như thời gian chưa đủ dài để rút ra các nhận xét xác đáng và cùng một sự vật nhưng mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, tôi có một số cảm nhận sơ bộ thế này:
Thứ nhất, tuy còn nghèo khó, nhưng người Triều Tiên là dân tộc có tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm, và làm được nhiều điều lớn.
Nhìn chung, tôi thấy họ có đầu óc tổ chức một xã hội quy củ, có tố chất và cốt cách của một dân tộc lớn - điều rất ít cảm nhận được ở ngay cả những nước khác, dân tộc khác lớn hơn họ nhiều lần.
Thứ hai, Bình Nhưỡng có dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn nhất. Xe cộ chạy trên đường khá nhiều và mới, chủ yếu là xe BMW, Mercedes và Volvo. Những gương mặt của người dân đã bớt lo âu, ít vẻ âu sầu, u ám.
Thứ ba, bề ngoài, quần áo người dân mặc đa dạng, khá đẹp. Với phụ nữ trẻ thì tôi thấy không khác mấy các cô gái Hồng Kong hay Thượng Hải, thậm chí đi qua còn phảng phất mùi nước hoa đắt tiền và thấy có trang điểm.
Người dân ở Triều Tiên khi ra đường thì ăn mặc thậm chí nghiêm túc, quy củ, tuyệt nhiên không có chuyện "quần đùi, may-ô" ra đường. Đã bước chân ra phố, dù chỉ một bước, là phải ăn mặc nghiêm túc.
Thứ tư, hệ thống 2 giá vẫn hoạt động song hành. Theo tỷ giá chợ đen thì lương một giáo sư chừng 1 USD (trên 7.000 Won – tỷ giá 2013). Nhưng các mặt hàng thiết yếu được bán theo"tích-kê" và có định lượng, đáp ứng được cuộc sống tối thiểu và giá như "cho".
Chẳng hạn, một người đàn ông trưởng thành tại Bình Nhưỡng có "tích-kê" mua khoảng 12 lít bia mỗi tháng (làm theo công nghệ và nhà máy nhập nguyên của Đức).
Người giàu, có tiền, mua hàng hóa bằng ngoại tệ thì không thiếu thứ gì và giá cả cũng tương đương như ở cửa hàng miễn thuế của Việt Nam.
Trên đường phố đã xuất hiện nhiều ô tô. Ảnh: Christian Petersen-Clausen
Thứ năm, tầng lớp tiểu thương bắt đầu xuất hiện và cùng với nó là cuộc sống đẳng cấp, chênh lệch giàu nghèo và một số tệ nạn của kinh tế thị trường cũng đã bắt đầu nảy nở.
Chẳng hạn, tại Bình Nhưỡng đã xuất hiện "taxi dù". Đây là ô tô chứ không phải miếng thịt mà có thể giấu dễ dàng: Ai là chủ xe, mua ở đâu, xăng chạy thế nào, khách hàng của anh là ai... Nó chứng tỏ quy mô khá lớn của nền kinh tế và thị trường chợ đen.
Ngoài ra, muốn có chỗ ở tốt trong chung cư trung tâm, người có nhu cầu phải trả khoản phí chênh lệch lên tính bằng đô-la rất lớn.
Chợ đen tại Bình Nhưỡng được hoạt động bán công khai, theo đó nông dân, tiểu thương và người dân có tiền có thể ra đó trao đổi, mua bán hàng hóa. Tại đây có đủ thứ thượng vàng, hạ cám cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày từ thịt cá, mắm muối, xoong chảo, giày dép...
Điều khá hay là tại chợ, các tiểu thương ngồi san sát nhau, mỗi người ngồi sau bàn xi măng dài, "chia ô" khoảng 50-60 cm chiều ngang cho 1 quầy.
Bạn đừng nghĩ tiểu thương Triều Tiên buôn to như ở ta, trên quầy bàn của từng người chỉ có chừng 3-5 kg thịt heo hoặc 10-20 chai nước mắm, hoặc 20-30 đôi giày dép. Chừng đó cũng đủ để họ và gia đình đắp đổi được qua ngày.
Về mức độ công bằng và kỷ cương trong xã hội, lúc đó Triểu Tiên vẫn duy trì khá tốt và khá giống tình hình nước ta trong thời kỳ đỉnh cao của bao cấp.
Chẳng hạn, khu chung cư cao cấp ở trung tâm Bình Nhưỡng được phân miễn phí cho các giáo sư Đại học Kim Nhật Thành, các vận động viên đạt thành tích cao, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, người lao động đạt thành tích xuất sắc...
Tiếp theo, tôi nhận thấy xã hội Triều Tiên nhìn chung là xã hội học tập và thăng tiến chủ yếu dựa trên tài năng và mức độ cống hiến.
Chẳng hạn, một trong những nơi đoàn đến thăm bất chợt là một trường chuyên phổ thông đặt trong một tòa nhà 9 tầng.
Ảnh: Hoàng Anh Tuấn
Trường có đầy đủ tiện nghi của một trường tiên tiến với các giảng đường hiện đại và khu thể thao phức hợp dành cho học sinh xuất sắc tuyển chọn khắp nơi trong nước.
Những học sinh này sau đó hầu hết đỗ vào các trường đại học hàng đầu của Triều Tiên, trở thành nhà khoa học hay các kỹ sư.
Tại thư viện Kim Nhật Thành trong tòa nhà 11 tầng (thư viện lớn nhất châu Á) mà đoàn đến thăm, mỗi ngày trong tuần có khoảng 5000 tới 7000 sinh viên, cán bộ đến học tập, nghiên cứu.
Chẳng hạn trong khu nghiên cứu nhạc, mỗi người có một máy nghe riêng để không ảnh hưởng người bên cạnh. Cô thủ thư vào tìm khoảng 5' liền chuyển cho đoàn một tập sách và đĩa nhạc Cung đình Huế.
Tại lớp học kinh tế, thầy giáo dùng PowerPoint còn ở dưới gần như mỗi học sinh có một máy tính riêng để theo dõi bài giảng của thầy.
Chúng tôi cũng để ý thấy, điện thoại ở Triều Tiên rất đắt, gấp khoảng 3-4 lần ở Việt Nam. Nếu một máy "cục gạch" ở ta có giá khoảng 600-700 ngàn đồng (khoảng 30 USD) thì ở Triều Tiên có giá chừng 150-200 USD.
Mạng điện thoại của Triều Tiên là nhà mạng liên doanh của Triều Tiên với một công ty Ai Cập!
Năm 2013 có khoảng 10% dân số Triều Tiên sử dụng điện thoại di động. Ảnh: Christian Petersen-Clausen
Điều ngạc nhiên là tại các nhà ga, bến tàu, xe thì người dân dùng điện thoại di động không phải là hiếm và không khác Việt Nam.
Khi tôi hỏi thêm thì được biết khi đó đã có khoảng 10% dân số Triều Tiên (tức khoảng 2,5 triệu người) dùng điện thoại di động.
Ngạc nhiên hơn là 2 cán bộ bạn đi tháp tùng đoàn đều dùng Smartphone và máy tính bảng do Triều Tiên sản xuất toàn bộ cả phần cứng lẫn phần mềm!
Đó là câu chuyện của cuối năm 2013 – khi tôi đặt chân tới Triểu Tiên, và đến nay thì tình hình có thể đã khác đi rất nhiều!