Quân đoàn 2 đứng trước khó khăn như núi: Kỳ tích "thần tốc" ở cánh quân Duyên Hải

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Sau chiến dịch Huế - Đà Nẵng, căn cứ vào đề nghị của QĐ 2 và QK 5, Bộ Tổng Tư lệnh đồng ý cho toàn bộ QĐ hình thành cánh quân Duyên Hải vừa đi vừa đánh để vào Giải phóng Sài Gòn.

Đó là một quyết định sáng suốt phù hợp với yêu cầu của chiến trường, đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ... song cũng đặt ra trước Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 một bài toán vô cùng "hóc búa" về công tác bảo đảm.

Những khó khăn chồng chất như núi

Theo mệnh lệnh của trên, Quân đoàn 2 sẽ để lại Sư đoàn BB 324 để bảo vệ Huế- Đà Nẵng, đồng thời được bổ sung Sư đoàn 3 Sao Vàng của Quân khu 5 (từ Phan Rang) hình thành cánh quân Duyên Hải cơ động dọc theo Quốc lộ 1.

Quân đoàn 2 đứng trước khó khăn như núi: Kỳ tích thần tốc ở cánh quân Duyên Hải - Ảnh 1.

Phương châm thực hiện là "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" để chậm nhất ngày 25.4.1975 phải có mặt tại khu vực tập kết chiến dịch ở Rừng Lá (cách Xuân Lộc 20 km) chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng.

Lúc này, lực lượng của quân đoàn tập trung tại khu vực Đà Nẵng quân số lên tới hơn 3 vạn người. Bên cạnh số quân đông đảo đó là hàng trăm loại phương tiện chiến đấu cơ giới như xe tăng, xe thiết giáp, pháo mặt đất, pháo cao xạ... và rất nhiều loại trang bị vũ khí khác.

Ngoài ra, còn một tiểu đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo phòng không còn đang bị kẹt trên các cung đường quân sự làm gấp 14, 73, 74. Số pháo cao xạ và pháo mặt đất đưa vào chi viện cho Thượng Đức cũng đang phải kéo ngược ra đường 12. Các loại lương thực, thực phẩm đạn dược tập kết ở đường 73, 74 cũng phải lên đến hàng trăm tấn.

Để chở hết số quân này và quân trang quân dụng phải cần tới hàng nghìn chiếc ô tô. Mặc dù Bộ đã tăng cường cho quân đoàn Sư vận tải 571 song cũng chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu. Ngoài ra còn phải bảo đảm một khối lượng rất lớn lương thực, thực phẩm, đạn dược, xăng dầu... cho đoàn quân này cơ động và chiến đấu nữa.

Quân đoàn 2 đứng trước khó khăn như núi: Kỳ tích thần tốc ở cánh quân Duyên Hải - Ảnh 2.

Quân ủy trung ương theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975.

Trong khi đó, chặng đường cơ động của quân đoàn dài trên dưới 1.000 km, trong đó có nhiều cây cầu đã bị quân địch phá hoại trước khi rút lui.

Chỉ tính riêng đoạn từ Đà Nẵng vào đến Quy Nhơn đã có 8 cây cầu bị phá, trong đó có những cầu lớn như Câu Lâu (bắc qua sông Thu Bồn), Kế Xuyên, Bà Rén, Mộ Đức v.v.. mà lực lượng công binh của quân đoàn thì năng lực rất hạn chế.

Ngoài ra, phía Việt Nam cộng hòa (VNCH) đã thiết lập tuyến phòng thủ mới ở Phan Rang nhằm cố thủ phần đất còn lại. Muốn vượt qua đó để vào Nam Bộ chỉ có một cách là "đánh địch mà đi".

Tình hình đó đặt ra trước Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 một bài toán vô cùng "hóc búa": Làm thế nào để bảo đảm cho quân đoàn vừa cơ động, vừa đánh địch và có mặt tại Rừng Lá trước ngày 25.4.1975!

Bài toán nào dù khó đến đâu cũng sẽ có lời giải

Đó không chỉ là một nguyên lý trong Toán học mà còn là một nguyên lý trong cuộc sống. Đối với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 lúc đó cũng vậy.

Quân đoàn 2 đứng trước khó khăn như núi: Kỳ tích thần tốc ở cánh quân Duyên Hải - Ảnh 3.

Nhân dân Phú Hữu dùng thuyền chở Quân đoàn 2 vượt sông tiến về Sài Gòn.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 với sự tham mưu đắc lực của các cơ quan đã giải rất chính xác và hoàn hảo bài toán này.

Trước hết, căn cứ vào tình hình mọi mặt, cân đối giữa nhu cầu và khả năng bảo đảm một bản kế hoạch hành quân tối ưu đã được xây dựng lên. Theo kế hoạch này, toàn bộ lực lượng của quân đoàn được chia làm 5 khối.

Trong đó khối 1 gồm Sư đoàn BB 325 được tăng cường Trung đoàn cao xạ 284 và 2 Tiểu đoàn TTG 4, 5 trang bị xe tăng thiết giáp bơi nước. Với lợi thế xe bơi nước, khi gặp cầu hỏng có thể bơi qua nên khối này sẽ xuất phát sớm nhất và có nhiệm vụ "đánh địch mở đường" cho quân đoàn.

Về lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng một mặt quân đoàn gấp rút tập hợp, thu gom và khẩn trương điều động từ các kho dự trữ của quân đoàn tại Quảng Trị cũng như từ các kho "chân hàng" chiến dịch dọc theo đường 73, 74, 14 về Đà Nẵng.

Một mặt, căn cứ vào bản đồ và tài liệu phía Việt Nam cộng hòa (VNCH) để lại, Cục Hậu cần quân đoàn tổ chức thu gom được hàng nghìn tấn lương thực, đạn dược... Số hàng này đủ cho quân đoàn sử dụng trong vòng 1 tháng mà không cần sự chi viện của cấp trên.

Về nhiên liệu, ngoài số thu được tại Đà Nẵng sẽ dùng để cấp đủ cho mỗi đầu xe 2 cơ số trước khi cơ động, Quân đoàn còn cử người đi trước vào Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Cam Ranh... tìm nguồn xăng dầu, tổ chức xét nghiệm để đảm bảo cung cấp kịp thời tại chỗ.

Về phương tiện vận tải, ngoài số xe của Sư đoàn vận tải 571 tăng cường, Quân đoàn đã thu gom đưa vào sử dụng 487 xe chiến lợi phẩm.

Để giải quyết vấn đề người lái và kỹ thuật, Quân đoàn đã vận động và tuyên truyền giáo dục được hàng trăm hàng binh là lái xe và thợ sửa chữa tự nguyện tham gia. Ngoài ra, đã vận động nhân dân cho mượn hơn 100 xe tải cùng người lái.

Về bảo đảm công binh, ngoài lực lượng công binh có trong tay quân đoàn đã đề nghị Bộ và Quân khu 5 tạo điều kiện giúp đỡ - chủ yếu là các phương tiện vượt sông tại các cầu lớn bị phá sập.

Để đảm bảo cung cấp kịp thời nhiên liệu cho xe tăng, xe thiết giáp cơ động, quân đoàn đã huy động 14 xe "téc" (xe bồn) đi theo các đơn vị của Lữ đoàn XT 203, cứ khoảng 2 cung lại tiếp nhiên liệu 1 lần nên suốt dọc đường hành quân không có trường hợp nào phải nằm lại do thiếu nhiên liệu.

Quân đoàn 2 đứng trước khó khăn như núi: Kỳ tích thần tốc ở cánh quân Duyên Hải - Ảnh 4.

Các chiến sĩ xe tăng 843 trưa 30/4/1975.

Về mặt trang bị vũ khí quân đoàn cũng đã tận dụng rất nhiều phương tiện chiến lợi phẩm thu được đưa vào trang bị của đơn vị mình. Ở lữ đoàn xe tăng 203 đã có hàng chục xe M113 được bổ sung vào biên chế thay thế cho số đã bị tổn thất trong chiến đấu hoặc hư hỏng.

Tại các đơn vị pháo binh cũng có đến trên 1/3 biên chế là pháo 105, 155 chiến lợi phẩm. Các xe xích kéo pháo cũng được thay thế bằng xe GMC chiến lợi phẩm, vừa đạt tốc độ cơ động nhanh vừa tiết kiệm nhiên liệu.

Đặc biệt, các phương tiện thông tin liên lạc hầu hết các đơn vị bộ binh đã thay thế đài vô tuyến điện P114 cồng kềnh, độ tin cậy kém bằng máy vô tuyến điện PRC125 rất nhẹ nhàng, tiện dụng.

Với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo kể trên - ngày 07.4.1975 khối đầu tiên của quân đoàn đã xuất phát lên đường để ngày 16.4.1975 phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang mở đường cho đại quân cơ động.

Và ngày 25.4.1975, toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 2 đã có mặt tại khu vực tập kết chiến dịch theo quy định của Bộ Tổng Tư lệnh, đồng thời làm nên một kỳ tích về cơ động lực lượng trong chiến tranh hiện đại.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong Hồi ký "Chiến trường mới" của Thượng tướng Nguyễn Hữu An - NXBQĐND - 1995)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại