Chương trình truyền hình Iran làm lộ căn cứ tên lửa bí mật trên sa mạc

Hà Linh |

Các chuyên gia vũ khí sau khi theo dõi một chương trình truyền hình của Iran đã nhận xét rằng có khả năng Tehran đang phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa tại một cơ sở nghiên cứu bí mật trên sa mạc.

Tờ Daily Mail (Anh) cho biết các chuyên gia tại California đã đưa ra nhận định trên sau khi theo dõi một chương trình truyền hình về ông Hassan Tehrani Moghaddam – chỉ huy chương trình phát triển tên lửa của Iran - người đã qua đời trong một vụ nổ năm 2011 tại chính căn cứ quân sự do ông xây dựng.

Tờ New York Times (Mỹ) đưa tin các chuyên gia nhận định rằng trên thực tế, trước khi qua đời, ông Hassan Tehrani Moghaddam đã xây dựng một căn cứu quân sự khác nằm sâu trong sa mạc.

Các nhân viên tại Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey (Mỹ) đã phân tích chương trình trên truyền hình Iran về ông Hassan Tehrani Moghaddam. Trước đó, vào năm 2017 một nhà báo Iran cũng đăng bức ảnh ông Moghaddam ngồi cạnh chiếc hộp có dòng chữ 'Shahrud'. 

Cơ sở Shahrud từng là nơi phóng thử tên lửa tầm trung trong năm 2013 và nằm cách thị trấn cùng tên 40km về phía Nam. Có thông tin rằng từ cuộc thử nghiệm đó đến nay cơ sở Shahrud đã không còn được sử dụng.

Tuy nhiên, đội ngũ tại Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury đã sử dụng radar tổng hợp giao thoa có thể phân tích chi tiết hình ảnh vệ tinh.

Họ nhận ra rằng có nhiều công trình bắt đầu mọc trong khu vực lân cận cơ sở Shahrud, một số được sơn màu xanh nước biển – màu sắc ông Moghaddam từng ưu ái áp dụng với cơ sở đầu tiên. Ngoài ra, họ còn phát hiện dấu vết cháy sém cho thấy nhiều khả năng động cơ tên lửa được thử nghiệm trong khoảng thời gian gần đây, ước tính vào năm 2017.

Các chuyên gia cho rằng cơ sở này được sử dụng cho nghiên cứu động cơ rocket tiên tiến và sử dụng nhiên liệu rắn, vốn khó sáng chế hơn loại nhiên liệu lỏng. Từ đó, họ đánh giá Iran có thể đang tập trung vào phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa. 

Những tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng phải được tiếp liệu trước khi phóng vì vậy mất khá nhiều thời gian, đây là điểm yếu "tạo điều kiện" cho kẻ thù phát hiện và tấn công. Trong khi đó, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn lại có thể cất giấu ở khu vực xa xôi và nhanh chóng triển khai tác chiến khi nhận được lệnh.

https://baotintuc.vn/the-gioi/chuong-trinh-truyen-hinh-iran-lam-lo-can-cu-ten-lua-bi-mat-tren-sa-mac-20180524151612118.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại