Như phần đông chúng ta đều đã biết, trong đêm chung kết The Face mới đây, Sơn Tùng MTP đã phát âm sai từ tattoo thành "Tha thu" và lập tức phát âm ngô nghê này trở thành từ khóa bị troll nhiều bậc nhất trong thời gian qua.
Bây giờ, hãy thử hình dung một cuộc hội thoại thế này khi bạn nhắc tới khái niệm "tha thu" tới một người chưa biết nó là gì và cũng chưa biết ai đã "phát minh" ra từ đó.
- Tha thu là cái gì vậy?
- À thì nó là tattoo. Ông Sơn Tùng MTP phát âm sai trong đêm chung kết The Face.
- Sơn Tùng MTP là ai vậy?
- Thì là một ca sỹ dính vào vô số nghi án đạo nhạc, đạo phong cách…
Và kết quả như thế nào các bạn có biết không? Người chưa từng biết về Sơn Tùng sẽ đi tìm kiếm xem Sơn Tùng là ai, tại sao anh chàng này lại cố phát âm từ tattoo thật điệu đà dẫn tới lỗi sai ngô nghê như vậy.
Rồi anh ta sẽ tiếp tục kể về Sơn Tùng tới một người bạn nữa và quy trình ấy lặp lại. Vô tình, từ khóa "Sơn Tùng MTP" sẽ được tìm kiếm liên tục trên google mà anh ca sỹ này chẳng cần làm gì cả. Chỉ cần phát âm sai một từ tiếng Anh mà thôi.
"Chỉ cần một con bươm bướm đập cánh ở Brazil cũng có thể tạo ra trận lốc xoáy ở Texas". Như chúng ta đều biết khái niệm này gọi là hiệu ứng cánh bướm.
Và những anti fan của Sơn Tùng, những người ngày đêm giễu cợt cái sự đạo nhái của Sơn Tùng cũng đang tạo ra một hiệu ứng cánh bướm tương tự trong cộng đồng.
Các bạn liệu sẽ có xu hướng kể về một ca sỹ hát nhạc opera cực đỉnh hay một trò lố bịch gì đó của Sơn Tùng trong câu chuyện với các bạn của mình. Dĩ nhiên là Sơn Tùng rồi. Theo cách đó, Sơn Tùng nổi tiếng, hoặc ít nhất là được rất nhiều người biết tới.
Trở lại một chút với đêm chung kết The Face: Trong đêm diễn hôm đó, Tùng hát một bài hát gì đó mà nếu không có phần giới thiệu tên thì không hiểu em đang hát cái gì. Anh đọc một đoạn rap gì đó lại giống với một đoạn rap có từ trước.
Và điều tồi tệ hơn là giữa cái oi ả của tháng 9, anh mặc áo lông giống hệt áo của một chàng ca sỹ nổi tiếng bên Hàn Quốc.
Anh có một cái "tha thu" giống y xì một siêu mẫu người Mỹ. Anh biểu diễn trong một chương trình đang được truyền hinh trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia.
Thử tư duy một cách logic xem: Tùng có biết We don’t talk anymore nổi tiếng không? Biết quá đi chứ.
Tùng có biết cái áo lông G Dragon mặc rất là đặc trưng, nhiều người nhận ra không? Tùng có biết chung kết The Face được phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình, hàng triệu người xem không. Biết hết.
Vậy tại sao Sơn Tùng lại chọn mặc một cái áo rất nhiều người nhận ra, hát một bài hát rất giống với ca khúc đã quá nổi tiếng, biểu diễn trong một chương trình được phát sóng trực tiếp? Chẳng lẽ Tùng không sợ bị cả Việt Nam chửi vì đạo nhái hay sao?
Xin cam đoan với các bạn thế này: Sơn Tùng chỉ sợ các bạn KHÔNG CHỬI mà thôi. Ai sẽ là người đưa hình ảnh của Tùng, những bài hát đạo nhái của Tùng, những bộ trang phục của Tùng tới đông đảo người xem nhất?
Xin cam đoan là không phải đám fan lít nhít, còn đeo khăn quàng đỏ của Tùng đâu. Mà chính là các bạn – những người đang anti Tùng đấy.
Bởi các bạn ghét Sơn Tùng, nên nhất cử nhất động của Tùng các bạn sẽ share nhiệt tình trên Facebook để kiếm đồng minh cùng… chửi.
Các bạn không hề ý thức rằng, càng làm vậy, sức lan tỏa của Sơn Tùng càng rộng rãi hơn.
Sơn Tùng phát triển theo một mô típ khá quen thuộc: Đứng giữa làn đạn, sống bất chấp thị phi. Mỹ Linh chỉ cần hát dở một ca khúc thôi lập tức bị chê tơi tả, thậm chí bị tẩy chay.
Nhưng bất kể Sơn Tùng làm gì sai, nói gì ngô nghê cũng có thể trở thành trào lưu. Vì cái tên ấy vốn đã gắn với scandal rồi.
Tôi phục cậu thật, Sơn Tùng MTP ạ!