Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không mua Patriot?
Trong nhiều năm, hệ thống phòng không Patriot của Mỹ đã chứng minh được bản lĩnh trong việc chống lại các mối đe dọa từ kẻ thù. Với việc đã được nhiều lần thể hiện sức mạnh trong thực tế, Patriot từ lâu đã trở thành vũ khí được ưa thích và có thị trường lớn trên toàn thế giới.
Các nước NATO đều sử dụng Patriot vì đặc tính hệ thống dễ nâng cấp, cộng với việc có thể tương tác dễ dàng trong mạng lưới phòng không của nhau, qua đó cung cấp phạm vi phòng thủ lớn hơn.
Không chỉ có mặt trong lớp phòng thủ của NATO, hệ thống của Mỹ còn xuất hiện ở nhiều quốc gia đồng minh ở các khu vực khác nhau. Trong đó có Saudi Arabia - một trong những quốc gia đã chi hàng chục tỷ USD để mua Patriot.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO – lại chưa hề sở hữu cho mình hệ thống Patriot riêng. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có các hệ thống Patriot trong lãnh thổ của họ, nhưng những hệ thống đó không thuộc về Ankara.
Do các mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng đến từ cuộc khủng hoảng Syria, các thành viên NATO - bao gồm Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Mỹ - đã thiết lập các hệ thống Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại các mối đe dọa này.
Nhưng Đức và Mỹ gần đây đã loại bỏ các hệ thống Patriot ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ thay vì gia hạn thỏa thuận - gây ra nhiều vấn đề về phòng thủ cho Ankara.
Trước việc không sở hữu một hệ thống phòng không thực thụ nào để bảo đảm chống lại mối đe dọa từ bên ngoài, cùng với việc không được bật đèn xanh để mua Patriot, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm các lựa chọn khác.
Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra từ trước vụ đảo chính thất bại năm 2016 và nổi bật trong đó là lựa chọn mua các hệ thống phòng thủ tên lửa từ Trung Quốc, phớt lờ sự phản đối của các đối tác NATO.
Việc NATO loại bỏ các hệ thống Patriot hiện tại cũng như Ankara không hào hứng gì với hệ thống này được cho là một phần đến từ thái độ chống người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã không đàm phán với Mỹ kể khi ông cáo buộc đồng minh thân thiết của mình đứng sau nỗ lực đảo chính năm 2016.
Giữa những tranh cãi như vậy, cùng với việc Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần hỏi mua Patriot không thành công, nước này đã từ bỏ mong muốn mua vũ khí từ đồng minh.
Chỉ đến sau này, khi Thổ Nhĩ Kỳ đã trôi dạt quá xa khỏi NATO, Mỹ cuối cùng mới đề nghị bán các hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn khi Thổ Nhĩ Kỳ đã có kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và không còn mấy hứng thú với mặt hàng năm xưa.
Dù trở thành đề tài so sánh giữa Mỹ và Nga , nhưng Patriot và S-400 là hai loại hệ thống phòng không khác nhau. Do đó, giới quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chọn cả hai để phòng bị trước những mối đe dọa khác nhau.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ có còn dừng lại ở Patriot hay không, khi rõ ràng S-400 luôn được đánh giá là một sự lựa chọn hợp lý hơn?
Bên cạnh đó, với việc Patriot bị đánh giá là có hiệu suất quá kém khi thất bại trong cuộc tấn công bởi máy bay không người lái và tên lửa dẫn đường nhằm vào các cơ cở dầu của Saudi Arabia hồi cuối tuần trước, Ankara có còn hào hứng gì với hệ thống phòng không danh tiếng của đồng minh?
Thổ Nhĩ Kỳ cần S-400 hơn?
Quá trình giao hàng S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra và gần như không thể đảo ngược.
Bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của Mỹ vì điều này sẽ giảm thiểu tỷ lệ Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới việc mua sắm các hệ thống của Nga.
Washington lo ngại rằng quyết định mua S-400 cuối cùng có thể dẫn đến việc Ankara ủng hộ các chính sách và quyết định chiến lược của Moscow, không chỉ ở Syria, Ukraine hay ở nơi khác.
Nhưng, như đã nói ở trên, với việc Patriot và S-400 là hai hệ thống phòng không có đặc tính hoàn toàn khác nhau, Mỹ cần phải nhận ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ không coi Patriot là một sự lựa chọn thay thế cho S-400.
Vì vậy, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ có chấp nhận mua Patriot, sẽ không có gì đảm bảo rằng họ sẽ không tiếp tục mua S-400 hoặc các hệ thống phòng không khác của Nga, cây bút Debalina Ghoshal từ Defence IQ nhận định.
Tương tự như vậy, nhiều lời kêu gọi ở Mỹ đã đề nghị dừng hẳn sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35. Nhưng không rõ lập trường như vậy có đủ sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng mua S-400 hay không, vì thay vào đó Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách mua sắm các máy bay chiến đấu mới nhất từ Nga để thay thế.
Bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các mục tiêu và lợi ích chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ cần được Mỹ và các đồng minh hiểu rõ chi tiết trước khi có thể mong đợi một thỏa thuận được thực hiện.
"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có buộc phải chọn Patriot, thì phần lớn sẽ được dẫn dắt bởi nhu cầu địa chính trị của Ankara chứ không vì nhu cầu muốn mua hệ thống này", cây bút Ghoshal nêu quan điểm.