Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với Bộ Tài chính

Lê Tuyết |

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Bộ Tài chính thời gian qua đã nắm vững “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia.

Sáng 26/2, tại Hà Nội, về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; việc triển khai thực hiện các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách mới được Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với Bộ Tài chính - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với Bộ Tài chính

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Bộ Tài chính thời gian qua đã nắm vững “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia; tham mưu đề xuất chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý thu chi ngân sách; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là lần đầu tiên thực hiện kế hoạch mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính, ngân sách đạt được kết quả ban đầu; hệ thống thể chế, cơ chế Quốc gia tiếp tục được cải thiện; cơ cấu thu, chi ngân sách được cải thiện theo hướng tích cực. Năm 2017 bội chi ngân sách được kiểm soát; kỷ cương, kỷ luật tài chính được đảm bảo; ngành tài chính đã bám sát dự toán và siết chặt chính sách tài chính; nợ công, nợ chính phủ giảm; giảm tỉ trọng vay của các ngân hàng thương mại; đa dạng hóa các nhà đầu tư…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách mới được Quốc hội thông qua được Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành để quy định chi tiết các văn bản mà Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn.

Các Nghị định quy định về Luật quản lý nợ công cơ bản đã hoàn thành, hiện nay chỉ còn 2 nghị định. Những tồn tại trong việc quy định chi tiết về Luật Ngân sách đã được ban hành đầy đủ, nhưng việc thực hiện các chính sách tài chính đặc thù theo Luật chuyên ngành hoặc các nghị định lại chưa được quy định trong Luật Ngân sách nên còn nhiều khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát nội dung này.

Bên cạnh đó, ngành tài chính còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc thực hiện nhiệm vụ như: tổng thu cả giai đoạn sẽ không đạt mục tiêu đề ra; thu thuế, phí thấp hơn 1% so với mục tiêu; dự nợ thuế còn cao; công tác quản lý thu có những hạn chế nhất định; tiến độ đầu tư phân bổ giải ngân chậm; có nhiều nguy cơ rủi ro trong vốn đầu tư công trung hạn; hệ số thanh toán trả nợ nằm trong giới hạn cho phép nhưng còn khá cao, đang có xu hướng tăng lên...

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành tài chính cần triển khai ngay các nhiệm vụ từ đầu năm vì 2018 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch 5 năm.

Trong đó tập trung quản lý nợ công; làm rõ mô hình, vai trò của Bộ Tài chính trong mối quan hệ với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Tiến độ việc chuyển giao SCIC về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để vừa không bị xáo trộn, vừa không tạo khoảng trống trong các hoạt động của SCIC và doanh nghiệp đang được giao quản lý; tránh việc hành chính hóa gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động chung của SCIC.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về chính sách pháp luật có liên quan đến tài chính, ngân sách thời gian đã đạt được và có nhiều biện pháp thực hiện lộ trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu.

Tuy nhiên việc cải cách đồng bộ với hệ thống thuế với xu hướng hội nhập cần được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính.

Trước những bất cập, lãng phí, thậm chí bất cập về chính sách tài chính liên quan đến lĩnh vực đất đai như thu tiền sử dụng đất một lần, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngành tài chính nghiên cứu để áp dụng mức thuế suất nhằm thu hút đầu tư theo từng trường hợp cụ thể; giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và tạo nguồn thu bền vững hơn cho nhà nước.

Ghi nhận những kiến nghị của Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc sửa Luật hay ban hành luật mới phải được thực hiện đúng theo trình tự, hồ sơ, thủ tục pháp lý.

Những đề xuất về hỗ trợ nguồn lực cho cơ quan thuế và hải quan, Bộ Tài chính cần đề xuất bằng văn bản cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào chương trình.

Trước đề nghị sửa đổi về những khoản chi trong Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, ngành tài chính xem xét cụ thể vướng mắc ở Luật hay trong công tác thực hiện Luật. Thống nhất nguyên tắc, không để vỡ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Quốc hội sẽ kiểm soát những khoản vốn này theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Những kiến nghị khác, Chủ tịch Quốc hội giao cho các Ủy ban của Quốc hội phối hợp nghiên cứu báo cáo Ủy ban Thường vụ của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đồng tình với những nhiệm vụ mà Bộ Tài chính sẽ thực hiện trong thời gian tới đây như tiếp tục kiểm soát chặt nợ công, vấn đề bội chi ngân sách; sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hình thức không cấp tiền hay trả nợ thay các doanh nghiệp và không xử lý lỗ bằng hình thức giảm vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại