Ngay sau chiếc bàn làm việc của ông Trần Thanh Hải tại trụ sở chính của NutiFood là chiếc máy tập chạy bộ cùng đôi quả tạ. Doanh nhân này cho biết, bất cứ khi nào có thời gian rảnh, ông lại tranh thủ tập thể thao; tinh thần thể thao và kiến thức về dinh dưỡng đúng chuẩn là những điều kiện tiên quyết khi làm việc tại đây. "Chúng tôi muốn mỗi nhân viên của NutiFood phải là một chuyên gia dinh dưỡng" – ông Hải nói.
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Hải nói khá nhiều về tầm quan trọng của kiến thức dinh dưỡng. Ông cho biết những nhân viên làm việc tại khối văn phòng của NutiFood đều được đào tạo về "kiến thức dinh dưỡng đúng chuẩn" để giúp cho cuộc sống của chính mình và người xung quanh lành mạnh hơn.
Thế nhưng, doanh nhân này vốn không phải là một chuyên gia về thực phẩm hay dinh dưỡng. Vài năm trước, ông Hải kinh doanh bất động sản. Khi NutiFood do bà Trần Thị Lệ làm Chủ tịch HĐQT gặp khó khăn, ông Hải bỏ địa ốc tạm thời về làm sữa giúp vợ. Ban đầu, doanh nhân này chỉ định giúp vợ vài năm rồi sau đó quay lại bất động sản nhưng bị sữa "bỏ bùa" và chưa biết khi nào sẽ quay lại nghề cũ.
Năm 2007, khi đang là một ngôi sao trên thị trường sữa Việt Nam, NutiFood nuôi một tham vọng lớn hơn. Hãng này nổi lên nhờ hiệu quả từ sản phẩm sữa đặc trị và việc quảng cáo truyền miệng của các mẹ bỉm sữa. Tuy nhiên, họ muốn đi nhanh hơn nên quyết định bắt tay với một đối tác dày dạn thương trường và xây dựng đội ngũ điều hành chuyên nghiệp.
Thế nhưng, việc mở rộng đầu tư rơi vào đúng thời điểm giá nguyên liệu đầu vào của ngành sữa tăng vọt. Cộng với đó là sự thất bại của việc giới thiệu các sản phẩm mới vào đúng lúc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng đã đẩy NutiFood rơi vào cảnh thua lỗ. Chưa hết, chiến lược hoạt động của ban điều hành mới lại xa rời giá trị cốt lõi của NutiFood từ thuở thành lập là tập trung vào sản phẩm dinh dưỡng đặc trị.
Chỉ sau 1 năm, theo yêu cầu của HĐQT, bà Trần Thị Lệ quay trở lại với vai trò Tổng giám đốc điều hành và NutiFood bắt đầu có lãi năm 2009, nhưng vẫn chưa bù đắp được khoản lỗ luỹ kế trong nhiều năm sau. Đến năm 2011, các cổ đông lớn dần dần thoái vốn, ông Trần Thanh Hải (chồng bà Lệ - lúc đó vẫn là Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Đất Thắng) mua lại phần vốn góp, trở thành Chủ tịch HĐQT Nutifood. Chia sẻ với báo giới, ông Hải nói vui: "Ở nhà tôi không biết làm gì nên vợ kêu lên làm Chủ tịch HĐQT". Trên thực tế, ông Hải đã bán hết các tài sản của mình ở lĩnh vực bất động sản cũng như các nơi khác để lấy tiền mua lại cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất.
Chia sẻ với báo Trí thức trẻ, ông Hải nói: "Tôi cũng tính về giúp Lệ vài năm rồi quay lại bất động sản và vẫn có thể làm song song, nhưng để có tiền mua lại số cổ phần của các cổ đông lớn thì phải thoái hết vốn ở nơi khác mới đủ nên không còn chỗ mà làm nữa (cười). Nhưng thực ra, khi đi sâu vào ngành sữa thấy nó có ý nghĩa và hay nên cứ làm tới đến tận giờ".
Trở thành chủ tịch tại một công ty sữa, ông Hải tự coi mình như một người học việc đúng nghĩa. "Mỗi cuộc họp đối với tôi là một bài học và mình phải học từng thứ một về ngành sữa để còn chia sẻ các quyết định với ban điều hành", doanh nhân này tâm sự. Trong khi đó, ông Lê Nguyên Hòa – Phó Chủ tịch HĐQT NutiFood cười và nói với chúng tôi: "Chủ tịch Hải thông minh nên ‘học việc’ rất nhanh, vài tháng là đã hiểu và nắm được tình hình rồi".
Ông Hải không phải là một chuyên gia về marketing nhưng khi trở thành Chủ tịch NutiFood, dấu ấn quan trọng của người đàn ông này chính là quyết định trở thành nhà tài trợ dinh dưỡng toàn diện cho Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG và đội tuyển U19 Việt Nam (2013-2014).
Khi đó, NutiFood thực sự gây "sốc" bởi lần đầu tiên có một hãng sữa Việt Nam (vốn được người Việt Nam mặc định là sản phẩm cho trẻ em) sử dụng hình ảnh các cầu thủ bóng đá để quảng cáo. Trước đó, NutiFood vốn nổi tiếng nhất nhờ sự truyền miệng của các mẹ bỉm sữa thì với thương vụ tài trợ lớn cho bóng đá, đối tượng quan tâm chủ yếu là đàn ông.
Cuối năm 2014, NutiFood trở thành nhà tài trợ cho CLB Hoàng Anh Gia Lai mùa giải 2015 với tổng tài trợ khoảng 15 tỷ đồng – đây là mức tài trợ lớn nhất trước giờ khai cuộc với một CLB chuyên nghiệp. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai tiết lộ, với khoản tài trợ của Nutifood, năm 2015 cũng là năm đầu tiên CLB này có lãi sau 12 năm gắn bó với bóng đá đỉnh cao ở Việt Nam.
Giải thích về quyết định có vẻ ngược đời, ông Hải nói: "Bóng đá là hình ảnh rõ nét nhất cho câu chuyện về dinh dưỡng bởi môn thể thao đỉnh cao này đòi hỏi thể lực và sức vóc rất lớn. Thông qua bóng đá mà nói về chuyện dinh dưỡng cộng đồng, đó là cách truyền tải trực quan và hiệu quả nhất".
Sử dụng bóng đá để quảng cáo sữa, ông Hải muốn nói đến một câu chuyện lớn hơn: Tầm vóc của người Việt Nam xuất phát từ vấn đề dinh dưỡng. Chia sẻ thêm về câu chuyện tài trợ cho bóng đá, ông Hải tiết lộ, ông đã từng nghe nhiều về việc mì gói là thức ăn chủ lực của vận động viên khi thi đấu ở nước ngoài – nhất là ở những nước có thức ăn không hợp khẩu vị người Việt.
"Thi đấu đỉnh cao mà ăn mì gói thì làm sao có thể duy trì thể lực sung mãn để cạnh tranh với đối thủ được?", doanh nhân này nhận xét. Và với tư cách là nhà tài trợ cho đội tuyển, ông Hải đề xuất và tài trợ việc mang theo đầu bếp và bác sĩ dinh dưỡng riêng cho cầu thủ. "Chế độ dinh dưỡng của các cầu thủ phải có chuyên gia làm việc", Chủ tịch NutiFood khẳng định.
Thực tế ở nhiều giải đấu quốc tế, cầu thủ Việt Nam thường bị yếu thế về thể lực: đầu giải có thể rất "sung" nhưng càng về sau càng đuối. Theo ông Hải, một nguyên nhân là bữa ăn của các cầu thủ rất tự phát.
Năm 2014, lần đầu tiên trong lịch sử, U19 Việt Nam đi thi đấu quốc tế với hệ thống đầu bếp và bác sĩ riêng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Và cũng năm đó, đội tuyển Việt Nam với màn trình diễn tuyệt vời của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… đã tạo ra một cơn sốt khủng khiếp, điều chưa bao giờ xuất hiện tại Việt Nam. Và với hình ảnh thương hiệu tràn ngập sân cỏ đi kèm với những thông tin tích cực về đóng góp hậu trường cho U19 Việt Nam, chiến dịch marketing của NutiFood cũng thành công rực rỡ.
Đầu năm nay, khi chứng kiến đội tuyển U23 Việt Nam có một giải đấu hơn cả trong mơ tại giải vô địch châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc, ông Hải vô cùng xúc động. Vị chủ tịch của NutiFood chia sẻ niềm tự hào vì đóng góp nhỏ của mình trong chế độ dinh dưỡng của cầu thủ từ những năm trước đã có kết quả rõ rệt. Hình ảnh những tuyển thủ Việt Nam thi đấu 120 phút trong 3 trận liên tục mà không có dấu hiệu xuống sức ngay cả ở hiệp phụ, đặc biệt là tại trận chung kết giữa màn tuyết phủ trắng xoá là một ký ức không thể nào quên.
Kể lại câu chuyện tài trợ dinh dưỡng cho HAGL Arsenal JMG và đội tuyển U19 trước đây, ông Hải thừa nhận, NutiFood từng có thời gian phát triển chưa hiệu quả về marketing và phải trả giá nhiều mới có ngày hôm nay. Ông Lê Nguyên Hoà, Phó Chủ tịch HĐQT chia sẻ: "Quá trình đó không đơn giản ngày 1 ngày 2".
Ông Hải ví von, giống như U23 Việt Nam đã trưởng thành từ U19, các cầu thủ phải tích lũy rèn luyện về kỹ thuật cũng như thể lực, đến đúng thời điểm và gặp đúng người là huấn luyện viên Park Hang Seo, thành công ngoài mong đợi sẽ đến.
Ra đời từ năm 2000, NutiFood và các sản phẩm của họ gắn liền với cách định vị là sản phẩm dinh dưỡng đặc trị. Từ ngày nữ bác sỹ - người sáng lập NutiFood "phát kiến" ra cách dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn thức ăn cung cấp cho bệnh nhân qua ống truyền thực quản, đến nay, công ty đã có một vị thế rất khác. Theo báo cáo của Nielsen, NutiFood đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành sữa bột đặc trị trẻ em với 34,9% thị phần về sản lượng tại Việt Nam.
Chưa hết, ngày 18/01/2018, sau 18 năm thành lập, NutiFood trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu được sản phẩm sữa bột pha sẵn Pedia Plus sang thị trường Mỹ (nơi kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt nhất thế giới) với đơn vị phân phối là Delori. Theo kế hoạch, doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên của NutiFood vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD. Từ thị trường đầu tiên là bang California, NutiFood và Delori có kế hoạch đưa sữa bột đặc trị này vào hệ thống siêu thị Walmart và 99 Cent trên toàn nước Mỹ và Nam Mỹ.
Nếu nhìn sang các nước Đông Nam Á và một số nước châu Á, không một sản phẩm sữa đặc trị nào của công ty nội địa có thể vượt qua sản phẩm của một vài công ty đa quốc gia, ngoại trừ Nhật Bản. Vậy tại sao sữa đặc trị của NutiFood là sản phẩm của một công ty thuần Việt lại có thể vượt lên các công ty đa quốc gia sừng sỏ, giành thị phần cao nhất tại Việt Nam, rồi thậm chí xuất khẩu sang Mỹ?
Ông Hải cầm một hộp sữa hút một hơi thật sâu, nói một cách thản nhiên: "Vì ngon chứ sao, sữa của NutiFood rất ngon". Vị chủ tịch này giải thích, trẻ biếng ăn thường ăn uống khó khăn. Khi uống sữa NutiFood thấy ngon và hợp vị, chịu uống, dinh dưỡng được cải thiện, tăng cân là điều tất nhiên.
Các dòng sữa đặc trị của NutiFood gồm cả sản phẩm cho trẻ biếng ăn, béo phì, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng thấp còi … đều phát triển sản phẩm dựa trên nguyên tắc: "ngon nhất ". Ông Hải nhấn mạnh, sữa dinh dưỡng không chỉ dùng cho trẻ em mà dùng cho tất cả các đối tượng. Trong cuộc thi "Bước nhảy ngàn cân", chính các bác sĩ của Trung Tâm Dinh dưỡng – đơn vị cố vấn của Game Show đã dùng sữa Nuti Fit (dành cho trẻ béo phì) cho các thí sinh sử dụng để đảm bảo dinh dưỡng khi thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.
Không chia sẻ bí quyết tạo ra sản phẩm ngon nhưng ông Lê Nguyên Hoà cho biết, khi thử mù đơn và cả mù đôi với nhiều loại sữa khác trong và ngoài nước, sản phẩm của NutiFood luôn được đánh giá cao nhất về độ ngon miệng.
Sau gần 10 năm kể từ khi vợ chồng ông Hải, bà Lệ điều hành NutiFood, kết quả kinh doanh của "hãng sữa bác sĩ" có những thay đổi lớn. Kể từ khi bị lỗ gần hết vốn điều lệ công ty 10 năm trước, năm 2017, NutiFood đã đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu 200 triệu USD xuất khẩu sang thị trường Mỹ (sau 5 năm kể từ 2018).
Dù NutiFood đã trở thành một doanh nghiệp gia đình với ông Hải là Chủ tịch, vợ là Tổng giám đốc nhưng tại đây, ông Hải không phải là "người nổi tiếng"; việc vận hành công ty cũng không giống các công ty gia đình điển hình. Phó Chủ tịch HĐQT Lê Nguyên Hoà kể lại, trong lần đi cùng thang máy với một quản lý cấp cao, anh này hỏi Chủ tịch NutiFood: "Anh làm ở bộ phận nào vậy?", ông Hải cười, trả lời: "Tôi làm toàn quốc!".
Vị lãnh đạo kỳ cựu của NutiFood từ những ngày đầu tiên chia sẻ thêm, ông kể câu chuyện đó để thấy công ty này đã phát triển và vận hành một cách chuyên nghiệp chứ không mang bóng dáng kiểu công ty gia đình thông thường. "Bây giờ Lệ hay Hải nghỉ đi chơi một thời gian thì NutiFood cũng không sao, vẫn vận hành tốt trừ khi phải ra các quyết định quan trọng mang tính chiến lược", ông Hoà nói.
Còn với bản thân ông Hải, dù là người đứng đầu công ty, doanh nhân này luôn cố gắng giữ cho mình kín đáo nhất có thể, trừ những dịp phải đại diện đi ký kết với đối tác. Trong buổi trả lời phỏng vấn với chúng tôi, Chủ tịch NutiFood từ chối việc chụp hình bởi "không thích". Ông Hải nói vui: "Các ‘thầy’ bảo mình không hợp chụp hình hay xuất hiện kiểu như vậy, phải kín đáo một tí mới có lộc".
Trong công việc, ông Hải và vợ cũng thoả thuận với nhau một nguyên tắc quan trọng trong điều hành: nếu người này đã quyết định thì người kia sẽ không làm khác. Chưa hết, ông Hải cũng tự đặt ra nguyên tắc là "không can thiệp vào chuyên môn của các bác sĩ làm sữa".