Chủ tịch Điện lực số Huawei tiết lộ giải pháp giúp giá điện mặt trời thấp hơn nhiệt điện và trở thành nguồn năng lượng chính

Q.L |

Chủ tịch Zhou Taoyuan khẳng định, chính sách và nhu cầu nền kinh tế chính là hai yếu tố quyết định cơ hội biến điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng chính, thay vì chỉ là nguồn năng lượng bổ sung như hiện tại.

Ngày 30/10, tại hội nghị Huawei Better World Summit 2020, Chủ tịch Điện lực số Huawei, ông Zhou Taoyuan đã chỉ ra những điều kiện cần thiết cơ bản để áp dụng công nghệ số trong phát triển hệ thống điện mặt trời tại các quốc gia.

Thị trường cạnh tranh sẽ giúp đầu tư điện mặt trời thành đầu tư thương mại

Trao đổi với Trí Thức Trẻ về việc làm thế nào Việt Nam có thể kết hợp công nghệ AI và điện mặt trời, nâng cao quy mô của điện mặt trời, đưa điện mặt trời từ ngang giá điện truyền thống dần tiến tới năng lượng chủ lực, ông Zhou Taoyuan nhấn mạnh rằng có 2 yếu tố quyết định đến điều này.

Chủ tịch Điện lực số Huawei cho biết, hiện nay điện mặt trời tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ. Song, nếu muốn tiếp tục đẩy nhanh quá trình này, Việt Nam cần tập trung vào hai yếu tố quan trọng: các chính sách của Chính phủ và nhu cầu của nền kinh tế.

Chủ tịch Điện lực số Huawei tiết lộ giải pháp giúp giá điện mặt trời thấp hơn nhiệt điện và trở thành nguồn năng lượng chính - Ảnh 1.

"Hiện nay, chi phí phát điện mặt trời tại Trung Quốc đã thấp hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện. Chúng tôi đã bước sang giai đoạn điện mặt trời đang cạnh tranh rất tốt với giá điện truyền thống. Khi thị trường cạnh tranh thì sẽ không cần trợ giá của Chính phủ, bởi lúc đó, đầu tư vào điện mặt trời sẽ là một loại hình đầu tư thương mại. Từ đó sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của một quốc gia", ông Zhou Taoyuan khẳng định.

Theo ông, để đảm bảo sự phát triển bền vững, cần kết hợp công nghệ số với công nghệ điện lực, từ đó có thể hạ thấp chi phí, về lâu dài sẽ không cần các khoản tài trợ. Trước đó, năm 2014, Huawei đã biến giải pháp máy biến tần chuỗi trở thành giải pháp chủ đạo, số hóa toàn bộ nhà máy điện, máy biến tần trở thành bộ cảm biến của mảng pin quang điện, việc thu thập dữ liệu chính xác đến từng chuỗi, cơ bản đã đạt đến công nghệ tri giác.

Cần có hệ thống lưu trữ điện mặt trời

Nhờ giải pháp năm 2014, công suất phát điện của Huawei hiện nay đã cao hơn 35% công suất ban đầu, hạ thấp chi phí điện mặt trời. Đến năm 2018, Huawei cũng đưa ra giải pháp sáng tạo mới, làm tăng hiệu suất từ 3-5% trong cùng một diện tích pin mặt trời so với các giải pháp của nhiều doanh nghiệp khác trong ngành.

Chủ tịch Điện lực số Zhou Taoyuan nhận định, việc liên tục đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo sẽ giúp làm giảm chi phí phát điện mặt trời, từ đó đảm bảo điện mặt trời sẽ dần trở thành nguồn năng lượng chính thay vì là nguồn năng lượng bổ sung như hiện nay.

Bên cạnh chi phí, ông cũng cho biết cần phải quan tâm đến các công nghệ quan trọng khác như công nghệ lưu trữ năng lượng. Lý giải về điều này, ông chỉ ra việc phát điện mặt trời phụ thuộc vào số giờ nắng trong ngày, bản chất của điện mặt trời không phải là một nguồn điện ổn định. Bởi vậy, cần có hệ thống lưu trữ để điện mặt trời thừa ra sẽ được lưu vào lưới điện, từ đó có thể bán cho những doanh nghiệp, cá nhân đang có nhu cầu, hoặc có thể nối vào lưới điện quốc gia.

Cuối cùng, Chủ tịch Điện lực số Zhou Taoyuan kết luận, nếu giải quyết được những vấn đề về chi phí cũng như lưu trữ điện năng như trên, trong tương lai, chúng ta có thể biến điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng chủ lực thay vì chỉ là nguồn năng lượng bổ sung như hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại