Chống ngập cho Nam Bộ: "Nếu chúng ta đi chậm như hiện nay thì đã quá muộn"

PHAN ANH - HÀ PHƯƠNG - THANH CHÂN |

Liên quan đến đề xuất chống ngập đa năng cho hai quận thuộc TPHCM của Hà Lan, giới chuyên gia cho biết Việt Nam nằm trong nhóm những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu (đặc biệt là nước biển dâng) nhưng lại đi chậm trong việc chống ngập.

Mới đây, Climate Central - tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Mỹ công bố trên Nature Communications về việc khoảng 300 triệu người hiện sống ở những vùng đất sẽ ngập nước ít nhất một lần một năm vào năm 2050.

Chống ngập cho Nam Bộ: Nếu chúng ta đi chậm như hiện nay thì đã quá muộn - Ảnh 1.

Đáng chú ý, Climate Central dự báo, phần lớn Nam Bộ, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh có thể ngập dưới đỉnh triều khiến nhiều người lo lắng. Đồ họa: New York Times.

Việt Nam thuộc top chịu ảnh hưởng nặng nhất

Nhận định về nghiên cứu trên, ông Hồ Long Phi – Nguyên giám đốc Trung tâm Quản lí nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, vấn đề nước biển dâng, đất lún sụt làm cho tình trạng ngập do triều ngày càng phổ biến. Vấn đề này không mới, từ trước 2010 đã có sự quan tâm.

Các kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra vấn đề này sẽ xảy ra trong tương lai. Do đó, Bộ Nông nghiệp đề xuất dự án Kiểm soát triều cho TPHCM gồm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 tiến hành ở phía Nam của TPHCM, điển hình là dự án 1.000 tỉ đồng đã triển khai. Giai đoạn 2 ở quận 2, quận 9.

Tóm lại, vấn đề này đã được đề cập khá lâu và cũng đã có những bước triển khai. Tuy nhiên, hiện nay tốc độ dâng lên cùng với những vấn đề về địa hình khác làm cho tình trạng ngập triều trở nên nguy hiểm hơn so với trước đây.

Chống ngập cho Nam Bộ: Nếu chúng ta đi chậm như hiện nay thì đã quá muộn - Ảnh 2.

Ông Hồ Long Phi – Nguyên giám đốc Trung tâm Quản lí nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Hà Phương

Còn theo Giáo sư - Tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Việt Nam đang nằm trong top 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là miền Nam nước ta.

Giáo sư - Tiến sĩ Lê Huy Bá nhận định, con người có thể giảm thiểu quá trình biến đổi khí hậu, thích nghi và chung sống chứ không thể chống lại hoàn toàn trước những tác động tiêu cực này.

Tương đối trễ để chống ngập toàn diện

Giáo sư - Tiến sĩ Lê Huy Bá nhận định, nếu bây giờ mới tính đến phương án chống ngập tổng thể cho Nam Bộ nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng thì tương đối trễ.

TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều hội thảo về vấn đề chống ngập cho thành phố nhưng vấn đề là chúng ta hành xử, quản trị chưa ổn, kinh phí thiếu hụt.

"Nhiều người nói rằng, chúng ta bây giờ đã xóa được ngập rồi, chỉ còn một điểm ngập nữa thôi đó là cả thành phố.

Đây là một câu chuyện hài hước nhưng cũng nói lên rằng là tiến độ chống ngập của chúng ta rất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều dị thường khác mà chúng ta không lường trước được", Giáo Sư Lê Huy Bá nói.

Đồng quan điểm, ông Hồ Long Phi cho rằng, "nếu chúng ta đi chậm giống như hiện nay thì đã quá muộn".

"Hệ thống ngăn triều ở TP.Hồ Chí Minh đã được phê duyệt từ năm 2008 nhưng sau 11 năm vẫn chưa hoàn thành mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ của hệ thống.

Từ đây đặt ra vấn đề, nếu chúng ta can thiệp trong một quy mô rộng thì đến bao giờ có thể hoàn thành. 100 năm hay 200 năm, đến khi đấy, tất cả đã quá muộn.

Nếu chúng ta có đủ lực và có đủ cam kết từ phía nhà nước, chúng ta đủ sức để chủ động thực hiện, từng bước thích nghi vì công nghệ này không mới", ông Phi nhận định.

Nói về đề xuất chống ngập mới được Hà Lan đề xuất, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Huy Bá chia sẻ: "Kinh nghiệm khoa học về nghiên cứu chống ngập của Hà Lan sống ở trong vùng trũng ngập rất đáng quý và trân trọng; nhưng áp dụng công nghệ này tại Việt Nam như thế nào thì cần phải nghiên cứu thêm.

Nếu được tham gia góp ý kiến, chúng tôi cũng sẽ tham gia. Thành phố nên mở ra những hội thảo, hội nghị để những nhà nghiên cứu có thể góp ý".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại