Cho mượn trang phục khi tham quan di tích: Lan tỏa hình ảnh đẹp

Hồng Bắc |

Thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên tại Hà Nội, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực.

Trong đó, đáng chú ý là việc cho du khách mượn trang phục khi vào tham quan, tránh ăn mặc hở hang phản cảm, không phù hợp nơi tâm linh, tín ngưỡng, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp vì Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đền Ngọc Sơn là một trong những di tích đầu tiên của thành phố Hà Nội thí điểm cho du khách mượn trang phục trong trường hợp du khách mặc quần áo không phù hợp như quần đùi, váy áo ngắn, không kín đáo...

Nhà Đền đã cho may 100 trang phục áo dài, hướng dẫn và cho du khách mặc trang phục không phù hợp mượn khi vào tham quan di tích. Việc làm này tạo được thiện cảm, sự đồng tình của du khách trong và ngoài nước.

Chị Nguyễn Thanh Tâm, ở tỉnh Thái Bình cho biết: “Khi vào một nơi trang nghiêm, mặc trang phục như thế này tôi thấy rất phù hợp vì mình tôn trọng quy định của đền, nơi di tích đưa ra.

Tôi cũng rất ủng hộ chương trình này và tôi cũng nghĩ là mọi người khi vào tham quan cũng nên chấp hành quy định”.

Anh Author Bobok, du khách người Canada cũng bày tỏ sự đồng thuận với quy định này: “Tôi tôn trọng văn hóa và tôn giáo của đất nước bạn.

Vì vậy khi đến một đất nước xa lạ và với một tôn giáo khác, tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi cảm thấy thoải mái và ủng hộ với việc mượn trang phục này”.

Ông Nguyễn Đức Vượng, Trưởng phòng Quản lý di tích Đền Ngọc Sơn cho biết: Phần lớn khách mượn trang phục là những du khách tự do, chưa hiểu phong tục, tín ngưỡng của người Việt khi đến những nơi thờ tự, tôn giáo nên họ mặc những trang phục khá thoải mái.

Đối với những khách đi theo tour do được các hướng dẫn viên nêu rõ các quy định nên đã chuẩn bị trang phục phù hợp.

Việc thực hiện cho du khách mượn trang phục mặc dù mới đang trong giai đoạn thí điểm nhưng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần giữ gìn hình ảnh tôn nghiêm nơi cửa đền và từng bước đưa Bộ Quy tắc ứng xử nơi cộng cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đi vào cuộc sống.

Ngoài thí điểm ở đền Ngọc Sơn, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đã may 100 áo khoác để du khách có thể khoác bên ngoài bộ trang phục chưa đủ trang nghiêm khi vào tham quan các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn như Di tích 48 Hàng Ngang, số 5D Hàm Long và 90 Thợ Nhuộm...

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Trung tâm đã may 30 bộ trang phục và trong tuần này sẽ triển khai thí điểm cho khách mượn trang phục khi vào 2 hai khu thờ tự của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là: Khu vực Bái đường và nhà Thái học.

Ông Lê Xuân Kiêu nói: “Ý tưởng của chúng tôi là dựa trên mẫu trang phục của nho sinh ngày xưa nhưng phải hết sức tiện lợi và nhanh để cho du khách có thể sử dụng được và tham quan khu vực đó trong thời gian rất ngắn.

Khi thiết kế mẫu quần áo này, chúng tôi đã lấy ý kiến của du khách nước ngoài và họ đã có những cái góp ý và trên cơ sở đó chúng tôi đã có thiết kế mẫu trang phục.

Và khi đi vào triển khai mới mang tính chất thí điểm có những gì mà chưa phù hợp chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh để công việc này sẽ tốt hơn”.

Hiện nay, người dân, du khách đến tham quan tại các di tích lịch sử, văn hóa chủ yếu là ăn mặc trang phục lịch sự, văn minh, tuy nhiên cũng vẫn còn tình trạng một số người dân, du khách còn ăn mặc trang phục thoải mái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục khi đến nơi tâm linh, tín ngưỡng.

Vì vậy, việc các di tích trên địa bàn Hà Nội tổ chức may trang phục cho du khách mượn khi trang phục không phù hợp là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và du khách ở nơi công cộng.

Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp Sở Du lịch và một số đơn vị lữ hành tuyên truyền nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử, từ đó khuyến cáo du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham quan tại các điểm vui chơi, giải trí và các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thủ đô./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại