Chờ kinh doanh hiệu quả mới bán Đạm Ninh Bình, liệu có thành công?

Đ.T |

Trong 13 dự án thua lỗ của ngành Công thương, Tập đoàn Hòa chất Việt Nam (Vinachem) “giành” hẳn 5 đơn vị. Trong số đó, có những đơn vị vốn được xem là “cánh chim đầu đàn, là niềm kỳ vọng” của cả ngành hóa chất.

Điển hình là Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình khi được phê duyệt tổng mức đầu tư lên tới gần 12 ngàn tỉ đồng, tới nay đang chìm ngập trong khó khăn, thua lỗ.

Dự án này được các chuyên gia đánh giá rất khó có khả năng thoát khỏi khó khăn, nếu không muốn nói là không có cơ hội vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.

Đó là ngoài các yếu tố thị trường thì việc lựa chọn sai địa điểm dẫn tới chi phí vận chuyển đắt đỏ, việc sử dụng công nghệ cũ đã lạc hậu cũng làm tăng đáng kể chi phí sản xuất mà hiệu quả lại không được như mong muốn, trong khi đó, để duy trì và bảo dưỡng công nghệ này cũng tốn kém khá nhiều.

Thế nhưng, theo kế hoạch, Vinachem sẽ chỉ thoái hết vốn sau khi doanh nghiệp này hết lỗ và sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Đánh giá về khả năng này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhận định: “Không ai dại gì bỏ tiền mua một nhà máy mà biết chắc nó không có hiệu quả”.

Ông Nam đặt vấn đề cần phải làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức “tới nơi tới chốn” trong việc sử dụng và triển khai dự án không hiệu quả, dẫn tới thu lỗ và hiện vẫn đang tiếp tục là gánh nặng cho toàn ngành chứ không phải loay hoay mãi với việc “cứu sống” một thực thể trên bờ suy vong. Giải pháp tốt nhất theo ông Nam là cho phép nhà máy này phá sản.

Nhiều đơn vị thuộc Vinachem cũng đang trong tình trạng “bỏ thì thương vương thì tội” theo kiểu Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình như Phân đạm Hóa chất Hà Bắc; Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem. Đây cũng đều là những đơn vị được đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng với kỳ vọng rất lớn của Vinachem.

Năm 2017, khi Chính phủ quyết liệt chỉ đạo cần phải giải quyết dứt điểm 12 dự án thu lỗ (khi đó chưa tính dự án Muối mỏ Kali – một dự án đầu tư tại Lào của Vinachem cũng đang thua lỗ) của ngành Công thương thì các đơn vị như Đạm Ninh Bình mới bắt đầu cầm chừng sản xuất trong muôn vàn khó khăn, từ yếu tố nguồn vốn, đầu ra sản phẩm, nhân lực, nhân sự quản lý…

Được biết, báo cáo nghiên cứu khả thi đánh giá lỗ kế hoạch được đặt ra đối với Đạm Ninh Bình cho phép lỗ khoảng gần 48 triệu USD trong 3 năm đầu tiên đi vào sản xuất và sẽ có lãi từ năm thứ 4.

Thế nhưng, thực tế, đơn vị này “lỗ vượt kế hoạch lỗ” gần 70%. Sau 4 năm đi vào hoạt động, càng sản xuất càng thêm lỗ nên nhà máy phải tạm dừng sản xuất, người lao động cũng không có công việc thường xuyên.

Hiện đơn vị này đang kiến nghị cho phép kéo dài trả nợ, điều chỉnh lãi vay, giãn mức trích khấu hao tài sản… nhằm giảm lỗ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại