Không chỉ nợ Trung Quốc, Đạm Ninh Bình là "con nợ" nghìn tỷ của các ngân hàng

Nam Anh |

Vinachem vừa "cầu cứu" Chính phủ trả nợ 125 triệu USD vốn vay Trung Quốc đầu tư dự án thua lỗ Đạm Ninh Bình. Với số nợ hơn 10.000 tỷ đồng, ngoài ngân hàng Trung Quốc, Đạm Ninh Bình còn nợ VDB, Vietinbank, Vietcombank Ninh Bình, BIDV Tây Hồ...

Con nợ của nhiều ngân hàng

Trong báo cáo mới cập nhật phản hồi các ý kiến xung quanh việc "xin" Chính phủ hỗ trợ trả nợ 125 triệu USD (khoảng 2.790 tỷ đồng theo tỷ giá 22.318 VND/USD) vốn vay ngân hàng Eximbank Trung Quốc, Bộ Tài chính chỉ ra khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình hạn chế, lỗ lũy kế lớn, kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ 1.132 tỷ đồng và vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ.

Còn theo báo cáo tài chính của Đạm Ninh Bình tính đến thời điểm ngày 28/7/2016 tổng số tiền nợ của Đạm Ninh Bình là 10.257 tỷ đồng.

Thời điểm ngày 1/9/2016 số tiền nợ tăng lên mức hơn 10.384 tỷ đồng, nợ quá hạn tăng gấp gần 3 lần, lên mức hơn 610,2 tỷ đồng. Khi đó, nợ dài hạn là 8.375 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đã tăng lên gấp 3 thời điểm 28/7/2016, ở mức 610 tỷ đồng. Tất cả 610 tỷ đồng nợ quá hạn đều là nợ ngắn hạn.

Các chủ nợ chính của Đạm Ninh Bình gồm ngân hàng Eximbank Trung Quốc, ngân hàng đứng ra cho vay lại nguồn vốn Chính phủ là BIDV, ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB, Vietinbank, Vietcombank Ninh Bình...

Chủ nợ Eximbank Trung Quốc cho Vinachem vay 250 triệu USD (khoảng 5.580 tỷ đồng, theo tỷ giá 22.318 VND/USD), toàn bộ đầu tư vào Đạm Ninh Bình. Bộ Tài chính cập nhật, đến 31/3/2017, dự nợ khoản vay là 162,5 triệu USD (tương ứng 3.627 tỷ đồng) sau khi đã trả nợ được 7 kỳ.

Đây chính là khoản nợ đang được Vinachem và Bộ Công Thương đề xuất việc giãn khoản vay, "nếu phía Eximbank Trung Quốc không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho Eximbank Trung Quốc, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính".

Bên cạnh đó, về các khoản vay dài hạn tại VDB và Vietinbank, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Vinachem còn phải trả nợ cho Đạm Ninh Bình tại VDB dư nợ gốc đến 31/12/2016 là 2.698 tỷ đồng, Vietinbank dư nợ gốc là 631 tỷ đồng.

Trước đó, theo báo cáo gửi Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong 4 năm từ 2012 - 2016, Vinachem cho biết đã trả nợ thay Đạm Ninh Bình 1.814 tỷ đồng tại các ngân hàng VDB, Vietinbank, Vietcombank Ninh Bình, BIDV Tây Hồ...

Về phía Đạm Ninh Bình vẫn không thể cân đối được dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn. Nợ quá hạn các khoản vay ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ tính đến ngày 28/7/2016 là 227,3 tỷ đồng và 1/9/2016 là 610,2 tỷ đồng.

"Ì ạch" trả nợ, ngân hàng ngừng giải ngân

Với việc không thực hiện được các nghĩa vụ nợ tới hạn với ngân hàng, lần lượt các ngân hàng Vietcombank Ninh Bình và BIDV Tây Hồ đã chuyển nhóm nợ của Đạm Ninh Bình sang nhóm II và nhóm III, đồng thời dừng giải ngân vốn cho công ty. Do đó, Đạm Ninh Bình đang gặp khó về vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Với phương án sản xuất/tiêu thụ tối thiểu 290.000 tấn ure trong năm 2017, khi làm việc với các chi nhánh BIDV Tây Hồ và Vietcombank Ninh Bình và được các chi nhánh đồng ý báo cáo hội sở xem xét tiếp tục giải ngân khi nhà máy sản xuất trở lại.

Tuy nhiên, theo đại diện Đạm Ninh Bình: "Công ty đã gửi văn bản làm việc trực tiếp với ngân hàng tuy nhiên ngân hàng yêu cầu phải có sự cam kết của Vinachem về khả năng trả nợ mới tiếp tục giải ngân cấp vốn”.

Trong khi đó, Bộ Tài chính lại cho rằng Vinachem - chủ đầu tư - đơn vị phải có nghĩa vụ trả nợ thay Đạm Ninh Bình, cần tập trung toàn bộ nguồn lực trả nợ ngân hàng Trung Quốc trước các nghĩa vụ đối với ngân hàng trong nước.

Quan điểm này được Bộ Tài chính đưa ra khi trả lời kiến nghị của Vinachem và Bộ Công Thương về việc giãn nợ hoặc Chính phủ cân đối trả nợ thay Đạm Ninh Bình 125 triệu USD.

Bộ Tài chính phản đối kiến nghị trả nợ thay, bởi theo phương án đề xuất này, từ năm 2017 - 2022, Ngân sách Nhà nước phải ứng ra 125 triệu USD trả nợ cho Trung Quốc thay Vinachem, không phù hợp với Quỹ tích trả nợ và tình hình nợ công đang cao, nguồn thu ngân sách gặp khó khăn như hiện tại.

Ngoài ra, việc xin giãn nợ đối với ngân hàng Eximbank Trung Quốc còn làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.

Đặc biệt Bộ phản đối vì cho rằng Vinachem chưa lên kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp để tăng hiệu quả hoạt động và vẫn còn nguồn trả trả nợ từ thoái vốn, nguồn lợi nhuận từ các công ty cổ phần.

Dù còn nhiều hạn chế nhưng Bộ Tài chính chỉ ra tiềm năng trả nợ của chính Đạm Ninh Bình khi dự kiến từ năm 2017 - 2021, dòng tiền của công ty này có khả năng trả nợ cho Tập đoàn Vinachem mỗi năm ước tính khoảng 100 - 200 tỷ đồng.

Như vậy với nghĩa vụ trả nợ gốc cho Eximbank Trung Quốc hàng năm 25 triệu USD (tương ứng 558 tỷ đồng), nguồn thu trực tiếp từ dự án chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nghĩa vụ trả nợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại