Tâm tư của đồng minh Mỹ ở châu Á
Trong một bài luận bình luận trên tờ Foreign Policy gần đây, cây bút James Crabtree viết rằng ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden dường như sẽ không nhận được nhiều sự chào đón ở châu Á trong cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra vào ngày 3/11 tới đây.
"Các quan chức ở Tokyo, New Delhi, Singapore và những nơi khác tương đối hài lòng với Tổng thống Donald Trump và cách tiếp cận cứng rắn của ông đối với Trung Quốc hiện tại", Crabtree viết. Cây bút này chỉ ra rằng ông Biden được coi là đại diện cho một cách tiếp cận nhẹ nhàng và hòa giải hơn đối với Trung Quốc – điều mà có thể các đồng minh Mỹ sẽ không ưa thích.
Quan điểm trên dường như có phần khá đúng trên thực tế. Bởi cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc và các biện pháp kinh tế của ông – từ trừng phạt, thuế quan thương mại và các lệnh cấm ứng dụng - đã giúp ông có sự hưởng ứng từ Ấn Độ đến Nhật Bản.
Động thái gần đây của ông Trump nhằm cấm ứng dụng mạng xã hội Tiktok đình đám của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ cũng là điều mà Ấn Độ từng áp dụng trước đây. Tương tự, lập trường cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng đối với cách thức Trung Quốc xử lý dịch bệnh Covid-19 cũng nhận được sự đồng tình trên khắp châu Á.
Tuy nhiên, dẫu cho ông Trump đang thực hiện các biện pháp kinh tế chống lại Trung Quốc một cách khá quyết liệt, các đồng minh của Mỹ ở châu Á lại cần nhiều hơn thế.
Theo đánh giá của cây bút bình luận Mohamed Zeeshan của tờ The Diplomat, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang ngày càng trở nên lấn át các nước láng giềng, những nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm thách thức Trung Quốc về mặt kinh tế đã không có tác dụng răn đe.
Lệnh cấm quy mô lớn của Ấn Độ đối với các ứng dụng của Trung Quốc không giúp xoa dịu xung đột biên giới ở dãy Himalaya. Ấn Độ luôn cảnh giác trước nguy cơ có thể phải xung đột với nước láng giềng để bảo vệ quan điểm lãnh thổ.
Trong khi Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. hồi tháng trước đã nói về nguy cơ Trung Quốc có thể va chạm các tàu hải quân của nước này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên biển.
Các nước láng giềng của Trung Quốc và là đồng minh của Mỹ dường như đang có nhu cầu hỗ trợ quân sự từ Washington, nhưng Tổng thống Trump không có vẻ gì cho thấy ông để tâm đến các cam kết an ninh, ngay cả đối với các nước mà Mỹ có hiệp ước quốc phòng chung, cây bút Zeeshan nhấn mạnh.
Ví dụ, ở Đông Á, ông Trump thường phàn nàn về cái gọi là "sự hưởng lợi" của Nhật Bản và Hàn Quốc đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ tại hai quốc gia đồng minh.
Tổng thống Mỹ đã nhiều lần nói với Nhật Bản rằng nước này nên trả nhiều tiền hơn để hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng Mỹ đóng quân - thậm chí có thể gấp 4 lần so với mức gần 2 tỷ USD mà nước này đang trả mỗi năm.
Trong một động thái được đánh giá là khiến quan hệ với đồng minh châu Á càng trở nên u ám hơn, ông Trump có xu hướng chuyển từ thái độ đối đầu truyền thống sang quan hệ thân thiện hơn với đối thủ.
Như trong chuyến thăm Nhật Bản năm ngoái, ông Trump đã đề nghị nước chủ nhà nên giảm bớt lo ngại về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Sau đó, ông Trump tuyên bố có "mối quan hệ cá nhân rất tốt" với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đây được coi là hành động làm sứt mẻ quan hệ với Tokyo, khi đồng minh Đông Á muốn Washington cần cứng rắn hơn nữa trong việc trấn áp các hành động của Triều Tiên.
Tất cả những điều kể trên đã thuyết phục cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe suy nghĩ lại về các chính sách quốc phòng theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản hiện nay nhằm giảm sự phụ thuộc của đất nước ông vào Washington.
Để lại khoảng trống cho Trung Quốc
Đồng minh châu Á mong chờ có những cam kết an ninh thiết thực hơn từ Mỹ.
Việc Tổng thống Trump thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ ở cấp độ đa phương thậm chí còn gây hại hơn trong mắt các đồng minh khi hướng tới mục tiêu đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương - những quốc gia coi khối thương mại này là một cách để cân bằng chống lại sự thống trị kinh tế của Trung Quốc – cảm thấy thất vọng.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục theo đuổi lập trường gây khó khăn về thương mại và nhập cư với các đồng minh trong khu vực cũng khiến họ càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về thương mại.
Ngoài ra, tại Liên Hợp Quốc (LHQ), việc Tổng thống Trump đưa nước Mỹ rút khỏi vị trí lãnh đạo cũng đã nhường lại không gian cho Bắc Kinh. Mỹ hiện vẫn là nguồn đóng góp tài chính lớn nhất cho LHQ nhưng ông Trump đang từng bước xóa dần các khoản đóng góp.
Trong thời gian qua, ông Trump đã cắt giảm đóng góp của Mỹ đối với nhiều cơ quan khác nhau. Vào năm 2017, chính quyền Trump đã đình chỉ tất cả các khoản tài trợ cho Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc; vào năm 2018, Chương trình của Liên hợp quốc về HIV/AIDS và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lần lượt mất 30% và 20% tài trợ.
Năm nay, ông Trump bắt đầu quá trình rút khỏi WHO mà không cần lo ngại đến sự thay thế hiện hữu của Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc hiện là nước đóng góp lớn thứ hai cho ngân sách của Liên Hợp Quốc, chiếm 12% ngân sách của tổ chức này so với chỉ 1% cách đây hai thập kỷ.
Hiện Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất trong lịch sử Liên Hợp Quốc nằm trong số các nhà tài trợ hàng đầu và những nước đóng góp nhiều quân nhất cho hoạt động gìn giữ hòa bình.
"Sự thiếu tin cậy của ông Trump với tư cách là một đồng minh bắt nguồn từ việc ông từ bỏ các chính sách đối ngoại truyền thống lâu đời của Mỹ và ôm đồm nhiều vấn đề, thay vì hướng tới một cách tiếp cận mang tính giao dịch hơn", Rui Zhong, chuyên gia tại trung tâm Wilson nêu quan điểm với SCMP.
Cách tiếp cận này được đánh giá là gây tổn hại cho các đồng minh của Mỹ ở châu Á, những người coi mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc là thực tế, dồn dập và sát sườn hơn so với Washington.
Lợi ích cốt lõi
Theo cây bút Zeeshan, các đồng minh châu Á đang mong chờ nhà lãnh đạo Mỹ sẽ khôi phục các cam kết liên minh, đồng thời coi trọng chính sách ngoại giao đa phương và vai trò của Mỹ trong các tổ chức quốc tế, thay vì theo đuổi các phản ứng mang tính ngắn hạn dễ tạo khoảng trống cho ảnh hưởng lớn hơn của Trung Quốc lấp đầy.
Đối với trường hợp của Joe Biden, giới phân tích nhận định, ông có thể sẽ mang đến cách tiếp cận khiến đồng minh châu Á vừa lòng hơn, nhiều khả năng ông sẽ làm tất cả những điều trên đối nghịch với ông Trump.
Ví dụ, ông đã cam kết đảo ngược quyết định rút khỏi WHO và thỏa thuận khí hậu Paris của ông Trump. Những hành động đó được cho là gián tiếp có giá trị đối với các đồng minh của Mỹ hơn là những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc.
Nhưng sau cùng, dù là Donald Trump hay Joe Biden, bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào cũng sẽ xem xét lợi ích cho nước Mỹ là ưu tiên hàng đầu.