Chính trị gia PNG hiến kế độc nhằm tránh "bẫy thuộc địa" của Trung Quốc

Thi Anh |

Juffa và những chính trị gia đối lập khác đã phê phán Thủ tướng Peter O'Neill vì sự thân thiết của ông với Trung Quốc.

Gary Juffa, thống đốc tỉnh Oro, đồng thời là lãnh đạo đảng đối lập trong quốc hội Papua New Guinea (PNG), cảnh báo rằng PNG có nguy cơ trở thành thuộc địa của Trung Quốc và cho là người dân địa phương không được lợi từ các dự án hạ tầng xây dựng trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.

Mối lo biến thành thuộc địa

Trung Quốc và Australia là những nhà viện trợ cơ bản cho Papua New Guinea khi họ cạnh tranh để giành tầm ảnh hưởng bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng mà nước này rất cần.

Chia sẻ với SCMP, ông Juffa khẳng định: Sự cẩn trọng và minh bạch là rất cần thiết trước các khoản viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc cũng như các nước khác.

Juffa còn nói: "Chúng tôi phải nỗ lực duy trì chủ quyền. Nếu không làm như vậy chúng tôi sẽ trở thành thuộc địa của Trung Quốc".

"Hiện giờ tôi không nghĩ rằng chúng tôi đang sở hữu nền kinh tế [của mình]. Nếu bạn muốn độc lập thật sự, bạn phải sở hữu nền kinh tế".

Juffa và những chính trị gia đối lập khác đã phê phán Thủ tướng Peter O'Neill vì sự thân thiết của ông với Trung Quốc.

Trong chuyến công du tới Bắc Kinh hồi tháng 6, ông O'Neill đã quyết định tham gia vào sáng kiến trị giá 900 tỉ USD của Trung Quốc, siêu dự án nhằm xây dựng hạ tầng để cải thiện kết nối thương mại và đầu tư quanh khu vực, cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, sáng kiến này đã trở thành đề tài gây tranh cãi ở rất nhiều trong số các nước tham gia.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, những quốc gia nghèo hơn có nguy cơ chồng chất thêm nhiều khoản nợ không thể chống đỡ nổi để chi trả cho các dự án hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng. Sri Lanka đã buộc phải chuyển giao quyền sử dụng cảng biển với 1 hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm.

"Tấm gương" Mahathir

Ông Juffa cho rằng Papua New Guinea phải học hỏi từ Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khi nói tới chuyện đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ông Mahathir đã hủy bỏ các dự án thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường trị giá 22 tỉ USD hồi tháng 8, ngay sau khi ông trở lại nắm quyền, vì lo ngại về tính kinh tế.

"Chúng tôi cần nhìn vào những gì ông Mahathir đang làm. Ông ấy rất lo ngại cho tương lai và chủ quyền của Malaysia, ông ấy không muốn đất nước trở thành thuộc địa của Trung Quốc. Đó là điều chúng tôi cần ở đây", Juffa nói.

Chính trị gia PNG hiến kế độc nhằm tránh bẫy thuộc địa của Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi có thể đón nhận tầm ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng chúng tôi cần họ dựa trên những điều khoản của chúng tôi, chúng tôi cần thông báo cho họ về luật pháp của mình, thực tế rằng họ đang ở trên đất nước chúng tôi và phải có yếu tố tôn trọng".

PNG nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế quốc tế khi các lãnh đạo của 21 quốc gia thành viên APEC quy tụ tại đây để tham dự hội nghị ở thủ đô Port Moresby.

Các nhà tài trợ đã giúp PNG giải quyết chi phí tổ chức APEC nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, lối chi tiêu hoang phí - bao gồm cả quyết định mua 40 chiếc Maserati để đưa đón các đại biểu tới địa điểm diễn ra hội nghị - không mang lại bất cứ lợi ích nào cho người dân địa phương.

Ông Juffa khẳng định phần lớn người dân không biết APEC là cái gì hoặc "ai đã cho chính phủ tiền để làm tất cả những chuyện này, hoặc họ đã phải từ bỏ cái gì".

Juffa cũng nhận định, chất lượng các dự án hạ tầng mà Trung Quốc rót tiền thì tệ hơn của Australia. Điều này củng cố quan điểm cho rằng PNG không nên về phe với một nước.

"Chúng tôi có thể chấp nhận viện trợ Trung Quốc nhưng các dự án phải được áp tiêu chuẩn của Australia. Như vậy chúng tôi mới biết rằng các con đường được xây sẽ có chất lượng cao", Juffa nói.

Australia - nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Papua New Guinea - đã cam kết tăng cường viện trợ để cung cấp một khoản hỗ trợ phát triển chính thức ước tính khoảng 572 triệu AUD trong giai đoạn 2018-2019, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.

Đầu tư của Trung Quốc tại Papua New Guinea - phần lớn ở dạng các dự án hạ tầng như xây dựng đường xá và cảng biển - tăng lên 2, 46 tỉ USD trong năm ngoái, so với 860 triệu năm 2016 - theo dữ liệu của trung tâm Theo dõi Đầu tư Toàn cầu Trung Quốc.

"Trung Quốc có quyền lực và giàu có. Chúng tôi muốn duy trì chủ quyền của mình. Chúng tôi có thể phát triển, mở rộng và hiện đại hóa ở tốc độ của chúng tôi bằng cách duy trì lập trường của một quốc gia độc lập", ông Juffa nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại