Chính sách đồng USD yếu dưới thời Tổng thống Trump: Một con dao hai lưỡi

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Lời lý giải cho chính sách của TT Trump chỉ có thể là Washington coi cái lợi trước mắt là cần thiết và cấp thiết còn xử lý hậu quả về sau là chuyện khác và là vấn đề của thời sau.

Chính sách đồng USD yếu

Bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos năm nay, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tăng gia tốc cho sự trượt giá của đồng USD với phát biểu cho rằng đồng USD yếu tốt cho nước Mỹ nhờ tác động "chi phối thương mại và mở ra cơ hội".

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó không cải chính phát biểu này của cộng sự mà chỉ cho biết "về lâu dài, đồng USD của Mỹ sẽ mạnh". Cả sự thay đổi nhân sự ở cương vị người đứng đầu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tức là ngân hàng trung ương Mỹ, từ bà Janet Yellen sang ông Jerome Powell cũng không cho thấy biểu hiện gì về chủ đích của Fed và của chính phủ Mỹ ngăn chặn sự mất giá của đồng bản tệ này.

Bên ngoài qua đó không thể không đi đến nhận thức rằng chính quyền của ông Trump chủ trương thực thi "chính sách đồng USD yếu". Điều đó có nghĩa là trong khi chính sách lãi suất và khối lượng tiền tệ của Mỹ không thay đổi trong thời gian dài đã qua và cả trong thời gian tới nữa thì chính sách của chính phủ Mỹ đối với giá trị của đồng USD đã có bước ngoặt rất quyết định từ duy trì đồng tiền mạnh sang đồng tiền yếu.

Xưa nay, một trong những hằng số của chính sách của Mỹ là đồng USD mạnh như một luật bất thành văn. Quan điểm chung là đồng USD mạnh tốt cho nước Mỹ. Năm 1995, Bộ trưởng tài chính Mỹ khi ấy là Robert Rubin đã tuyệt đối hoá "Strong Dollar Policy" thành điều cấm kỵ trong chính sách của Mỹ.

Chính sách đồng USD yếu dưới thời Tổng thống Trump: Một con dao hai lưỡi - Ảnh 1.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng, đồng USD yếu tốt cho nước Mỹ. Ảnh: Bloomberg news

Cả 7 Bộ trưởng tài chính Mỹ tiền nhiệm của ông Mnuchin đều đã tuân thủ điều cấm kỵ này và cùng đưa ra ba lý do để biện luận.

Thứ nhất, đồng USD quyết định những điều kiện cho trao đổi thương mại. Đồng bản tệ yếu thúc đẩy xuất khẩu vì giá xuất khẩu rẻ hơn, nhưng làm giá nhập khẩu đắt hơn và người dân "nghèo hơn" bởi phải bỏ ra nhiều tiền hơn khi mua hàng nhập khẩu.

Thứ hai, đồng tiền yếu sẽ đưa đến lãi suất tăng mà lãi suất tăng thì hoạt dộng đầu tư sẽ giảm và dễ gây ra mất ổn định về tài chính.

Thứ ba, thực thi chính sách đồng USD yếu sẽ khuấy động nguy cơ bùng phát chiến tranh tiền tệ bởi các đối tác cũng sẽ phá giá đồng tiền của họ để đối phó. Chẳng phải một trong những mắc mớ cơ bản nhất trong quan hệ trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến tiền tệ hay sao?.

Mỹ thường cáo buộc Trung Quốc thực thi chính sách đồng tiền yếu để thúc đẩy xuất khẩu. Mỹ coi đó là một dạng thao túng tiền tệ và nguyên nhân khiến Mỹ bị thâm hụt nặng và suốt thời gian dài trong cán cân thương mại với Trung Quốc.

Vậy mà giờ đây ông Trump và cộng sự lại chủ trương "Chính sách đồng Dollar yếu". Điều này càng đáng được chú ý hơn khi kinh tế Mỹ hiện trong thời kỳ tăng trưởng khả quan và khá ổn định.

Hậu quả sẽ rất tai hại

Từ khi ông Trump lên cầm quyền ở Mỹ đến nay, đồng Dollar của Mỹ đã bị mất giá 18% so với đồng Euro và trung bình khoảng 10% so với các đồng tiền mạnh khác trên thế giới. Xem ra, ông Trum và cộng sự thực hiện bước ngoặt này nhằm những mục đích sau.

Thứ nhất là nhằm giảm mức độ thâm hụt trong cán cân thương mại với các đối tác. Đồng Dollar yếu thúc đẩy xuất khẩu và kìm hãm nhập khẩu, tức là gây khó cho các đối tác khi xuất khẩu vào Mỹ và buộc các nhà nhập khẩu ở Mỹ phải cân nhắc nhiều hơn khi quyết định nhập khẩu.

Thứ hai là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Đồng tiền yếu đồng nghĩa với việc chỉ phải trả giá rẻ hơn để có được nhiều USD hơn. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất rất thấp nên trái phiếu nhà nước khó được mua làm tăng khó khăn cho ngân sách nhà nước thì biện pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài này càng thêm quan trọng đối với Mỹ.

Chính sách đồng USD yếu dưới thời Tổng thống Trump: Một con dao hai lưỡi - Ảnh 2.

Cả hai điều nói trên đều là những cam kết tranh cử trọng tâm của ông Trump. Giảm thâm hụt trong cán cân thương mại với các đối tác và thực thi chương trình tài chính quy mô lớn cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng có tác dụng cả thực tế lẫn dân tuý vô cùng to lớn đối với ông Trump.

Mặt trái của chính sách này là lãi suất rồi sẽ phải tăng, mức độ vay nợ công cũng vậy, thâm hụt ngân sách nhà nước còn tăng - nhất là dưới tác động của cuộc cải cách thuế vừa rồi của ông Trump - và các biện pháp trả đũa của đối tác về tiền tệ. Trước mắt, nó có thể có lợi cho ông Trump nhưng về lâu dài thì hậu quả sẽ rất tai hại đối với nước Mỹ.

Chắc chắn không có chuyện ông Trump và cộng sự không ý thức được những điều trên. Dù vậy, chính sách đồng USD yếu vẫn được họ chủ trương thực thi. Lời lý giải chỉ có thể là họ coi cái lợi trước mắt là cần thiết và cấp thiết còn xử lý hậu quả về sau là chuyện khác và là vấn đề của thời sau.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại