Chương trình DACA
Chương trình Hoãn trục xuất những người nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ, gọi tắt là DACA, vốn có từ năm 2012 dưới thời cựu Tổng thống Barrack Obama. Đây được cho là nguyên nhân gây bất đồng giữa chính quyền Tổng thống Trump và phe Dân chủ tại Quốc hội.
Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình DACA vào ngày 5/3 tới nếu như Quốc hội không hành động để gia hạn, các nghị sĩ phe Dân chủ tại Hạ viện và Thương viện đều ra sức phản đối một sửa đổi luật cố định nhằm bảo vệ những người nhập cảnh khi còn nhỏ - hay được gọi dưới cái tên thế hệ Dreamer.
Một tia sáng hi vọng lóe lên hồi tháng 9, khi Tổng thống Trump dường như thỏa thuận ký một khung chương trình với các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ là Nancy Pelosi và Charles Schumer, kế hoạch đổi chương trình DACA để tăng cường an ninh biên giới. Tuy nhiên, dưới sức ép từ những nhà hoạch định chính sách nhập cư cứng đầu, Tổng thống Trump phải lui lại và và thêm vào một loạt yêu cầu cho thỏa thuận DACA, bao gồm dành ngân sách xây tường biên giới và thay đổi đáng kể hệ thống nhập cư hợp pháp.
Thỏa thuận ngân sách dài hạn
Lý do phe Dân chủ dùng yêu cầu về thỏa thuận nhập cảnh làm đòn bẩy đổi lấy số phiếu của họ để chính phủ không phải đóng cửa là vì Quốc hội nhiều lần bỏ lỡ hạn chi tiêu. Một năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1/10, nhưng thay vì thông qua các biểu quyết ngân sách cho cả một năm với mỗi cơ quan, bộ ngành liên bang, thì các nhà lập pháp lại phụ thuộc vào một loạt các dự luật chi tiêu tạm thời, hay còn gọi là các nghị quyết tiếp nối.
Mâu thuẫn lớn nhất trong việc tìm ra một thỏa thuận chi tiêu ngân sách cuả chính phủ Mỹ là bất đồng về chi tiêu quân sự. Phe Dân chủ tại cả hai viện đều muốn ngân sách chi tiêu quốc phòng của chính quyền Tổng thống Trump phải phù hợp với ngân sách chi tiêu nội địa, điều đó là chi tiêu nội địa cũng phải tăng. Quan chức của hai đảng cho biết trong những ngày gần đây, hai bên thực sự đã gần đi đến một thỏa thuận ngân sách, song lãnh đạo Dân chủ lại vẫn chần chừ chờ đợi về một thỏa thuận nhập cư cũng phải đạt được theo.
Chi tiêu quốc phòng
Không chỉ đảng Dân chủ là những người duy nhất cảm thấy không hài lòng về những dự thảo chi tiêu ngắn hạn. Các nghị sĩ ‘diều hâu’ quốc phòng của đảng Cộng hòa tại hai viện cũng lên tiếng phản đối về việc không có dự luật chi tiêu cả năm cho Lầu Năm Góc.
Thậm chí trước đó một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng đã trình lên một dự thảo chi tiêu quốc phòng cả năm, song lại bị ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa bác bỏ. 4 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã từ chối bỏ phiếu cho một nghị quyết tạm thời kéo dài 30 ngày, làm suy yếu nỗ lực của đảng này đổ lỗi tình trạng đóng cửa chính phủ Mỹ cho một mình đảng Dân chủ.
Chương trình CHIP
Giống với thỏa thuận ngân sách, việc tái khởi động Chương trình Bảo hiểm Y tế cho Trẻ em (CHIP) cũng bị quá hạn. Quốc hội cho phép chương trình mất hiệu lực trong mùa thu trước khi các nhà lập pháp nhất trí gia hạn thêm 6 năm trong tháng 12. Để lôi kéo các nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu cho dự thảo chi tiêu tạm thời mà không cần đạt thỏa thuận nhập cư – cũng như để tấn công nếu thấy cần thiết – ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa đề xuất tái khởi động chương trình CHIP kéo dài 6 năm.
Tuy nhiên hầu hết nghị sĩ đảng Dân chủ không bị mắc bẫy. Họ chỉ trích đảng Cộng hòa tìm cách lợi dụng chương trình CHIP như một công cụ chính trị sau nhiều tháng khăng khăng cắt giảm chi tiêu mà phe Dân chủ phản đối.
Bên cạnh đó, đảng Dân chủ cho biết đảng Cộng hòa đang bắt họ lựa chọn giữa chương trình y tế cho trẻ em và thế hệ người Dreamer.
Tổng thống Trump
Một điều mà các nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không thể phủ nhận một phần nguyên nhân khiến hai đảng không thống nhất về thỏa thuận ngân sách là do phong cách đàm phán của Tổng thống Trump.
Có thể nói Tổng thống Trump đổi hướng rất nhanh và mạnh mẽ. Ông từng nói với các nhà lập pháp trong một cuộc họp rằng ông sẽ ký bất kỳ dự thảo DACA nào mà Quốc hội gửi tới, rồi sau đó lại tranh cãi gay gắt về một loạt yêu cầu từ phe Dân chủ.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã nhiều lần khẩn cầu Tổng thống phải nói rõ ông sẽ chấp thuận điều gì trong một bản thỏa thuận và phải kiên định với điều đó. Tuy nhiên Tổng thống Trump vẫn chưa thể hiện rõ ý nghĩ của ông. “Tôi đang mong chờ một thứ gì đó mà Tổng thống ủng hộ, nhưng ông không nói rõ phương án nào ông ấy sẵn sàng ký”, nghị sĩ Mc Connell giải thích, ngầm ám chỉ một dấu hiệu đảng Cộng hòa cũng đang khá “bực mình” với sự thay đổi như chong chóng của ông Trump.
Đảng Cộng hòa như vậy, đảng Dân chủ còn nóng giận hơn. Các nghị sĩ phe Dân chủ cáo buộc Tổng thống năm lần bảy lượt nuốt lời cam kết.
Thượng nghị sĩ Dick Durbin bang Illinois kể lại Tổng thống Trump ban đầu nói ủng hộ thỏa thuận nhập cư, song sau đó vài tiếng ông phản đối. Chuyện lại lặp một lần nữa chỉ vài giờ trước khi chính phủ đóng cửa.
Chính vì vậy, để chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa, Tổng thống Trump phải làm một trong hai điều sau: Tự mình đàm phán với phe Dân chủ và nói ý kiến của mình cho các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, không thì hoàn toàn đừng can thiệp vào và hãy đồng ý với bất kỳ dự thảo nào mà ban lãnh đạo Quốc hội họp bàn đưa ra.
Link gốc bài viết tại đây.