Chính phủ mở cửa trở lại, phe Dân chủ có chịu đàm phán với Tổng thống Trump?

Thùy Dương |

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 đã ký dự luật mở cửa lại chính phủ trong 3 tuần. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là liệu phe Dân chủ có chịu đàm phán với ông về bức tường biên giới?

Ý đồ của phe Dân chủ

Theo tờ New York Post, Tổng thống Trump rõ ràng đã nhượng bộ để đồng ý mở cửa lại chính phủ trong ba tuần mà không có ngân sách cho bức tường biên giới. Đây từng được ông coi là điều kiện không thể đưa ra đàm phán chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa.

Chính phủ mở cửa trở lại, phe Dân chủ có chịu đàm phán với Tổng thống Trump? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Getty

Vấn đề hiện nay là phe Dân chủ có chấp nhận lời kêu gọi hợp tác hai đảng và nghiêm túc đàm phán giải pháp có thể thỏa hiệp về vấn đề an ninh biên giới hay không. Nếu không chấp nhận, liệu phe Dân chủ có tiếp tục thúc ép khiến Tổng thống Trump đầu hàng hoàn toàn?

Thỏa thuận mở cửa lại chính phủ có nghĩa là 800.000 nhân viên liên bang có thể trở lại làm việc và sẽ được truy lĩnh lương. Điều đó cũng có nghĩa là cuộc thảo luận về ngân sách an ninh biên giới có thể diễn ra mà không bị ảnh hưởng bởi những tin tức tiêu cực trên báo chí về hậu quả của đóng cửa chính phủ.

Trong thực tế, Tổng thống Trump đã hành động để mở lại chính phủ chỉ vài giờ sau khi sân bay La Guardia bị tạm đóng cửa khi các nhân viên kiểm soát không lưu cáo ốm để nghỉ làm chứ không chịu làm việc không lương. Họ cáo ốm sau nhiều ngày bị liên đoàn nhân viên kiểm soát không lưu gây sức ép.

Dù bức tường biên giới không còn là điều kiện tiên quyết để chấm dứt đóng cửa chính phủ, nhưng Tổng thống Trump vẫn nói rõ rằng vấn đề này vẫn phải đàm phán.

Ngoài ra, ông còn nói rằng nếu Quốc hội không đạt được thỏa thuận công bằng trong ba tuần tới, ông sẽ đơn phương tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có tiền xây tường.

Mặc dù vậy, Tổng thống Trump cũng cho biết ông linh hoạt về loại tường có thể được xây ở biên giới. Đây có thể là một sự nhượng bộ đối với những người ôn hòa thuộc phe Dân chủ nói rằng họ thích làm rào chắn hơn là tường.

Điều đó trao cho hai bên nhiều cơ hội để tham gia đàm phán trung thực nếu các lãnh đạo Dân chủ sẵn sàng.

Theo New York Post, xét những gì phe Dân chủ đã làm thì điều không may là họ dường như không mặn mà với đàm phán. Họ đã bác bỏ mọi đề xuất mà ông Trump đưa ra, gồm cả đề xuất gắn với cải cách nhập cư toàn diện. Thay vào đó, phe Dân chủ tiếp tục trò chơi chính trị.

Khi họ đang ở thế thắng trò chơi, đã đến lúc cần phải nghiêm túc. Theo New York Post, nếu họ chơi quá tay, họ - phe Dân chủ - chính là người sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả.

Tổng thống Trump: Không phải là nhượng bộ

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã ký dự luật chấm dứt đóng cửa chính phủ. Đây là lần đóng cửa lâu nhất lịch sử Mỹ. Dự luật được ký mà không có phóng viên nào được vào đưa tin.

Trước đó, cả Thượng viện và Hạ viện đã thông qua dự luật mở cửa lại chính phủ tới ngày 15/2.

Trong vài ngày qua, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã liên tục liên lạc với lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer – người đã thảo luận với lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện Mitch McConnell về đường hướng phía trước. Cả hai thường xuyên tham vấn về quá trình thảo luận.

Trong quá trình chính phủ đóng cửa, bà Pelosi nói rõ rằng bước đầu tiên sẽ là mở lại chính phủ và chỉ sau đó mới đàm phán. Đó chính là quan điểm mà Tổng thống Trump cuối cùng cũng chấp nhận.

Chính phủ mở cửa trở lại, phe Dân chủ có chịu đàm phán với Tổng thống Trump? - Ảnh 3.

Ảnh: New York Post

Về phần mình, Tổng thống Trump tuyên bố đây không phải là nhượng bộ. Ông viết trên Twitter: “Tôi mong mọi người sẽ đọc hoặc nghe tôi về tường biên giới. Đây không phải là nhượng bộ. Đó là sự quan tâm tới hàng triệu người đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính phủ đóng cửa. Cần lưu ý rằng trong 21 ngày tới, nếu không có thỏa thuận nào, mọi chuyện chấm dứt”.

Nước Mỹ đã trải qua lần đóng cửa lâu nhất lịch sử. Tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đã bước sang tháng thứ 2. Việc không bên nào chịu "xuống nước" đã đẩy nhiều chương trình chính phủ quan trọng trước các nguy cơ lớn, làm xáo trộn sinh hoạt thường nhật của người dân và gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Mới đây nhất, ngày 22/1, các nhân viên thuộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã phàn nàn tình trạng chính phủ đóng cửa một phần kéo dài đang khiến họ gặp khó khăn trong việc trả tiền cho những người cung cấp thông tin, vào vai người mua ma túy trong các vụ án điều tra và thậm chí cập nhật các thông tin an ninh bí mật. Theo Chủ tịch Hiệp hội Đặc vụ FBI (FBIAA) Tom O'Connor, các nhà điều tra và công tố viên đang phải chịu cảnh thiếu chi phí để đi phỏng vấn nhân chứng hay trả tiền cho các phiên dịch viên.

Ông nhấn mạnh cứ mỗi ngày một phần chính phủ tiếp tục đóng cửa, hoạt động chống khủng bố và phản gián trên toàn cầu của FBI lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quan chức này cũng cho biết trong ngày 25/1 tới, gần 13.000 đặc vụ của FBI và hàng nghìn nhân viên hỗ trợ chuyên nghiệp khác một lần nữa sẽ không được trả lương đúng hạn.

Không chỉ FBI, nhân viên chính phủ thuộc mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng.

Cần lưu ý rằng lần mở cửa chính phủ này mới chỉ là tạm thời trong 21 ngày. Nếu sau đó không đạt được thỏa thuận, khả năng chính phủ lại đóng cửa hoàn toàn có thể xảy ra.

Độc giả đọc bài viết gốc tại đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại