Ma sốt giữa rừng mưa
Mưa dai dẳng cả chục ngày chưa dứt. Lũ từ thượng nguồn phăng phăng đổ về nuốt chửng cái ngầm mà lính chúng tôi đặt tên là "ngầm C3". Vào tâm điểm mùa mưa, người thì đói gạo, súng thì đói đạn. Mọi ngả đường đều bị chặn đứng bởi mưa lũ và địch bu bám.
Trung đội chỉ còn 6 tay súng được phân công ở lại chốt giữ hai đầu ngầm và lán trại dã chiến đồn trú của đại đội. Bờ phía nam ngầm C3 có 3 anh em: thằng Lệnh, thằng Khải và tôi.
Khải mê man sốt đã hai ngày hôm nay. Nó to khỏe như con gấu, là một trong những thằng cuối cùng của C đến bây giờ cũng bị sốt rét hỏi thăm và quật đổ.
Tác giả Bùi Thế Lâm, sinh năm 1960, nguyên trung sỹ, Đại đội 3, Tiểu đoàn 15 công binh, Sư đoàn 2 trong Chiến tranh biên giới Tây Nam.
Lính đã dính sốt rét rồi thì còn đỡ, ai chưa bị bao giờ thì liệu hồn, khi bị quật dễ cơn ác tính. Chỉ vài cơn sốt, sùi bọt mép co giật mấy cái là xong. Cũng có thằng còn "tranh thủ" cắn đứt lưỡi trước khi chết. Sốt ác tính là thế, có giời cứu.
Thằng Lệnh bị một cái nhọt to tướng tím lịm ở bắp chân cũng li bì sốt. Cái hạch ở bẹn nó to như quả táo, nóng bừng. Nó ở truồng, ngả người trên cánh võng, một chân gác lên bờ đất tránh đạn của nhà âm cho đỡ đau. Mọi việc loay hoay chỉ còn mình tôi.
Cái nhà âm nửa chìm nửa nổi thấp lè tè mà ba thằng chúng tôi ở là nhà của C bộ, được coi là khả dĩ nhất, được che đỡ bởi hai cái ụ mối lớn. Mái nhà được che bằng các tấm tăng nilon, phía trên được phủ bằng lá rừng, một loại lá gần giống như lá cây vạn tuế chỉ có tác dụng che nắng. Mưa như thế này không thể chịu nổi.
Mái dột như rá thủng. Nước ngập lòng nhà đã chừng hơn một gang tay, sát với võng của thằng Lệnh và thằng Khải. Hai cái xà ngang dùng để cột võng ướt mèm dẫn nước vào hai đầu võng nhỏ tong tong.
Khổ quá, cả hai thằng đang sốt mà đầu tóc và quần áo cũng ướt như chuột. Loay hoay mãi tôi cũng chỉ làm cho võng của thằng Khải hai cái cọc phụ để bớt ướt, nó sốt quá, sợ bị lên cơn.
Nằm ở cái võng bên cạnh, thằng Lệnh lấy cái thuốn mìn khẽ đập để gọi, tôi giật mình bật dậy, vớ vội khẩu AK ngơ ngác nhìn sang.
Bộ đội luyện quân mùa nước nổi. Ảnh minh họa: Báo QK7
Nó khom người áp tay vào bẹn, chỗ cái hạch to như quả ổi. Nghiêng ngó cái bắp chân sưng vù tím lịm, nó nhăn nhó:
- Thằng Khải, tao sợ nó bị sốt ác Lâm ạ! Nó có uống thuốc quinin y tá cấp không? Giờ làm sao?
Trời vẫn mưa. Mưa rền rĩ. Mưa giống như cơn sốt rét của lính rừng dai dẳng mãi không cắt. Cái đói ập đến, tiếng eo éo của dạ dày đòi được ăn. Cả 3 thằng còn có hai gói gạo sấy, cứ mưa như thế này chắc không chết vì đánh nhau với giặc nhưng đã nhìn thấy chết đói và chết bệnh.
Gần như tôi thức trắng cả đêm. Phần thì lo gác cho anh em bệnh, sợ địch mò vào. Phần thì canh thằng Khải, chỉ sợ nó lên cơn sốt ác mà cắn lưỡi. Đêm qua, nó thều thào gọi nhờ thay cho bộ quần áo, nhỡ nếu chết thì có bộ quần áo lành lặn.
Tôi làu bàu động viên:
- Chết thế… nào được, mày sốt chưa thấm tháp gì so với tao đâu, cắt cơn là khỏe ngay thôi.
Nói vậy cốt để cho nó yên tâm nhưng thực ra, tôi bắt đầu sợ nó chết từ hôm qua, sau khi tay y tá E1 đi qua bảo: "Coi chừng sốt ác".
Gần sáng, mệt quá, tôi thả người vào cái võng xâm xấp nước ở lưng ngủ thiếp đi.
Ngầm C3, lũ đỏ ngầu ngầu vẫn sôi lên ùng ục, dòng lũ tưởng chừng bất tận vẫn bền bỉ trong cơn nóng nảy cuồn cuộn nước từ phía thượng nguồn đổ về. Cái ngầm C3 ngày thường nhỏ bé, đẹp như tranh vẽ, nước trong vắt nhìn rõ từng viên sỏi.
Cánh tài xế cho ô tô vượt ngầm, chỉ cần một lần tăng ga là xe có thể vượt qua một cách dễ dàng, nay bị mưa lũ nuốt chửng. Hai bên taluy lối dẫn xuống ngầm cũng không thấy đâu, nước mênh mông chia cắt.
Bộ đội luyện quân mùa nước nổi. Ảnh minh họa: Báo Long An.
Định bụng đi loanh quanh xem có bắt được con cua, con ốc cho hai thằng ốm thì vọng ba tiếng súng từ phía trên đồi. Một thoáng bối rối qua nhanh, chắc là có sự cố gì với thằng Khải rồi nên thằng Lệnh mới bắn gọi như thế. Tôi xách súng băng rừng chạy về.
Thằng Khải nóng như cục than, mồ hôi túa ra, hai mắt trắng dã lờ đờ. Máu cam từ mũi nó cứ ồng ộng chảy.
Tôi quẳng súng, túm cổ dựng nó dậy, thằng Lệnh vứt cho tôi cái ruột tượng thấm nước để chườm cầm máu cho Khải rồi đẩy nó vào võng. Khải à lên một tiếng dài, răng nghiến kèn kẹt, mắt trợn ngược và lại lên cơn co giật.
Làm sao bây giờ? Tôi cuống lên, lấy vội viên đạn AK cắm vào mồm nó rồi giữ chặt hai tay gào lên gọi: Khải. Khải, nghe tao gọi không, mở mắt ra… Rồi quay ra hét thằng Lệnh:
- Lấy cái gì đưa tao ngáng mồm, nó cắn đứt lưỡi chết ... bây giờ.
Buông thằng Khải, tôi rút vội cái thông nòng của khẩu AK, ngáng vào mồm nó, cắt đoạn dây võng thừa, buộc cột vòng qua gáy định vị cái thông nòng.
Sau hai cú co giật kinh hoàng, Khải có dịu đi chút. Khải nằm thiêm thiếp, tay nó túm chặt cái túi trên ngực áo. Thì ra, nó đang giữ chặt cái lọ Peneciline để trong túi, cái lọ cất giữ mảnh giấy ghi các thông tin cá nhân. Lính rừng chúng tôi chuẩn bị cái chết cho mình như vậy.
Tôi đi chụm lửa để nấu cháo từ ít gạo sấy cho Khải ăn lấy sức. Đã hơn hai ngày nay rồi nó chẳng ăn uống gì. Loay hoay đóng ba cái thuốn dò mìn thành ba ông đầu rau, đặt cái vung nồi 6 lên, chụm lửa trên đó để đun cho khỏi ướt.
Khải vẫn sốt li bì, mê man trên cánh võng. Cố gắng lắm tôi và Lệnh cũng đổ cho nó được một chút gọi là có tí chất hồ vào bụng.
Nghó nghiêng thằng Khải, nó vẫn sốt hầm hập, hơi nóng từ người Khải phả ra cũng đủ làm hơi nước bốc lên từ bộ quần áo ẩm rình nó đang mặc trên người. Tôi bảo Lệnh:
- Tao về C2 xin hỗ trợ. Nếu nó lên cơn co giật, mày phải ngáng ngay cái thông nòng vào mồm, không nó cắn đứt lưỡi.
Vượt lũ cứu bạn
Từ ngầm C3 nơi đại đội tôi đứng chân về đại đội 2 khoảng 22 km, nếu đi nhanh thì cũng mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Dép cao su bốn quai, bận mỗi cái quần đùi rách, đeo cái thắt lưng có 2 băng đạn và 3 trái lựu đạn cùng khẩu AK, tôi biến vào trong cơn mưa rừng tầm tã. Không phải đi mà là chạy.
Trời đã về chiều. Trảng trống khu rừng thưa kia rồi, nước ngập đến ngang bụng, cố gắng lùi lũi băng qua. Mệt quá, ôm súng tựa vào gốc cây ngồi thở. Tôi òa lên khóc.
Tác giả Bùi Thế Lâm trong một lần đi tìm đồng đội hy sinh trên chiến trường K.
Chẳng hiểu vì sao tôi khóc. Lo cho hai đồng đội ở nhà, hay là thương mình? Bằng mọi giá phải cứu lấy thằng Khải, phải kịp đến đại đội 2 và đưa nó đi càng sớm càng tốt.
Bóng đêm đồng lõa với mưa rừng chụp xuống rất nhanh. Chỉ còn dăm cây nữa là đến nơi. Đại đội 2 nằm bên ngầm cách đường bò khoảng 200 mét. Sợ anh em bắn nhầm, tôi không đi nữa, hướng súng bắn 3 phát một về phía đại đội rồi gào lên trong mưa:
- Em… Lâm …C3… đây, cho… gặp… đại… trưởng...
Một lúc sau, tiếng AK vọng lại, tôi cũng trả lời bằng một viên. Ba lần như thế. Tôi thở không ra hơi, khụy xuống, báo cáo anh Di đại trưởng tình hình nguy cấp nhờ giúp đỡ.
Ngay đêm hôm đó, đại đội 2 cử 4 người cùng một y tá ngược về C3. Anh Di đại trưởng giữ tôi lại nhưng tôi không nghe. Sáu anh em chúng tôi lại đội mưa, luồn rừng đi về phía đại đội 3 ngay trong đêm.
Khải thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trên chiến trường K nhờ được kịp thời đưa về viện sư đoàn ngay sau đó. Ngày hôm sau, đại đội 3 từ Lomphát cũng đã quay trở về.