Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ: Học giả TQ mừng ra mặt vì câu nói đỡ của ông Kissinger

Thủy Thu |

Học giả Trung Quốc Đằng Kiến Quần cho rằng cựu Ngoại trưởng Kissinger đã thể hiện mình là người có tầm nhìn chiến lược rộng lớn khi nói về quan hệ Trung-Mỹ.

Theo Đài Phát thanh Nhân dân Trung ương Trung Quốc (CNR), ngày 13/9, Trung tâm Wilson ở Washington đã tổ chức dạ tiệc kỷ niệm 50 năm thành lập trung tâm và 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc.

Đài Trung Quốc cho biết, theo những người tham dự tiệc tối, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã tham dự và chia sẻ về quan hệ Trung-Mỹ.

Kissinger: Trung-Mỹ cần xử lý ổn thỏa mâu thuẫn

Theo CNR, về mối quan hệ Trung-Mỹ hiện nay, ông Kissinger nói: "Nhân loại ngày nay đang ở một giai đoạn điều chỉnh quan trọng của trật tự thế giới, nền hòa bình thế giới có thể được duy trì hay không phần lớn phụ thuộc vào việc Trung-Mỹ có thể chung sống hòa bình hay không.

Vì thế, hai nước Trung-Mỹ cần tiếp tục mở rộng sự đồng thuận, tăng cường hợp tác và cần hơn nữa là xử lý ổn thỏa các bất đồng. Không phải vì một số vấn đề đang tồn tại trong mối quan hệ Trung-Mỹ mà phủ nhận triệt để chính sách của Mỹ đã cam kết với Trung Quốc. Hai bên cần tích cực tìm giải pháp để thích ứng với tình hình mới".

Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ: Học giả TQ mừng ra mặt vì câu nói đỡ của ông Kissinger - Ảnh 1.

Theo CNR, mới đây, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger khẳng định, Mỹ cần coi Trung Quốc là đối tác hợp tác.

Trước phát biểu của ông Kissinger, Giám đốc Viện nghiên cứu nước Mỹ thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Đằng Kiến Quần cho rằng, vốn là một bậc thầy về lý thuyết cân bằng, quan điểm của ông Kissinger mang tầm nhìn chiến lược sâu sắc:

"Ông ấy là một nhà tư tưởng có tầm nhìn chiến lược lớn, hàng loạt các lý thuyết và kiến nghị do ông đề xuất đều có tính mục tiêu và có chiều sâu nhất định đối với cán cân trong quan hệ quốc tế và quyền lực quốc tế.

Ít nhất ông ấy có thể chia sẻ với Tổng thống Donal Trump về quan điểm này - đồng thời theo lịch sử khi có từ hai cường quốc trở lên đối đầu, Mỹ không thể giành chiến thắng.

Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, việc phân công lao động trong chuỗi công nghiệp quốc tế đã rất rõ ràng, và vị trí của mỗi quốc gia càng không thể bị thay thế bởi bất kỳ quốc gia nào khác. Ví dụ, không quốc gia nào có thể thay thế được thị trường, sức lao động, nhân sự kỹ thuật của Trung Quốc".

CNR cho hay, ông Kissinger cũng đặc biệt nhấn mạnh: "Các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ là mục tiêu chính là để duy trì hòa bình và ổn định của quan hệ song phương, mà không nên tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc hay việc thực hiện đường lối dân chủ kiểu Mỹ ở Trung Quốc.

Mỹ không thể giải quyết tất cả những vấn đề trên thế giới, điều quan trọng nhất là Washington cần tự giải quyết tốt các vấn đề của bản thân".

Về vấn đề quan hệ Mỹ-Nga, cựu Ngoại trưởng Mỹ phủ nhận quan điểm bắt tay Nga chống lại Trung Quốc mà trang tin The Daily Beast từng đưa rằng đây là phát biểu của ông.

"Tôi luôn quan niệm, để có thể xây dựng một trật tự thế giới thì Washington nhất thiết phải coi Trung Quốc là đối tác hợp tác.

Trong tình hình hiện nay, dù là Mỹ hay Trung Quốc cũng không nên tìm cách liên kết các đồng minh của mình để đối đầu với nước còn lại, mà nên tìm cách giải quyết gốc rễ vấn đề và mở rộng sự đồng thuận, hợp tác. Chúng ta phải nỗ lực làm mọi thứ có thể để ngăn chặn mọi rủi ro đối đầu hai nước trước khi nó trở thành hiện thực", ông Kissinger nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tông Trạch - Phó Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc khẳng định, phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ là sự phủ nhận rõ ràng nhất trước các phát ngôn thiếu tin cậy về vấn đề "liên Nga chống Trung", cũng như phản ánh rằng Kissinger luôn giữ một lập trường tích cực và mang tính xây dựng về quan hệ Trung-Mỹ.

Thuyết cân bằng mới

Thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại Trung-Mỹ, ông Kissinger nói: "Chìa khóa để giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc là duy trì kênh liên lạc đối thoại nhằm tìm kiếm một sự cân bằng mới có thể chấp nhận được cho cả hai bên về quan hệ kinh tế và thương mại.

Với những khác biệt tương đối lớn về ý tưởng tồn tại trên bàn đàm phán, hai bên hoàn toàn có thể học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau. Trên thực tế, hai nước đang đối mặt với thách thức lớn nhất chính là tác động của tiến bộ khoa học lên cơ cấu xã hội và phương pháp sản xuất, đây mới là thử thách thực sự về khả năng quản trị của hai chính phủ".

Trả lời CNR, ông Đằng Kiến Quần cho rằng, thuyết "cân bằng mới" của Kissinger thực sự đáng để giới chức Nhà Trắng tham chiếu:

"Tổng thống Trump hiện đang dùng mô thức tư duy của một doanh nhân để giải quyết mối quan hệ Trung-Mỹ, để vận hành mối quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ. Tôi cảm thấy điều này vô cùng nguy hiểm và thể hiện một tầm nhìn ngắn.

Đề xuất của Kissinger là tìm một điểm cân bằng tại một thời điểm nhất định. Chỉ cần ông Trump sẵn sàng từ bỏ quan điểm áp đặt bất bình đẳng trong thương mại, tôi tin hai nước Trung-Mỹ sẽ quay trở lại quỹ đạo kinh tế thương mại bình thường.

Nói cho cùng, tính hỗ trợ trong lĩnh vực thương mại kinh tế của hai nước vẫn lớn hơn những bất đồng song phương. Hai bên đã được liên kết chặt chẽ với nhau, và rất khó để nói hai bên có thể đánh bại lẫn nhau. ”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại