Chiến tranh thương mại: Doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lao đao vì 'đòn đau' của Trung Quốc, EU

Ngọc Nguyễn - Hồng Anh |

Cuộc chiến tranh thương mại do chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump, và các đòn trả đũa của nước ngoài đã bắt đầu có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước Mỹ.

Cụ thể, thuế nhập khẩu thép đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nội địa, và các đối tác thương mại của Mỹ trên thế giới đã áp đặt các biện pháp trả đũa đối với các mặt hàng của Mỹ như bơ đậu phộng, rượu Whiskey, và tôm hùm.

Các quyết định áp thuế trả đũa lẫn nhau được tung ra liên tục đã khiến cho các lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại, và khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc. Vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, họ có thể sẽ phải cân nhắc việc thay đổi các dự báo kinh tế nếu các cuộc xung đột thương mại vẫn tiếp diễn.

Hôm thứ Sáu vừa qua, ông Trump đã đổ thêm dầu vào lửa khi đăng tải 1 dòng tweet đe dọa tăng thuế 20% cho các loại ô tô châu Âu nhập khẩu vào Mỹ, nếu như Liên minh châu Âu không loại bỏ mức thuế áp cho xe ô tô Mỹ hiện nay. "Hãy sản xuất ô tô tại Mỹ!" Tổng thống Trump viết.

Ông Trump vốn đã có lập trường cứng rắn trong các vấn đề thương mại ngay từ khi tham gia tranh cử Tổng thống. Vừa qua ông đã tuyên bố rằng việc tăng thuế sẽ giúp cho các hiệp ước thương mại công bằng hơn, và người hưởng lợi cuối cùng là người lao động, nông dân, nhà sản xuất và những đối tượng khác.

Chiến tranh thương mại: Doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lao đao vì đòn đau của Trung Quốc, EU - Ảnh 1.

Ông Trump vốn đã có lập trường cứng rắn trong các vấn đề thương mại ngay từ khi tham gia tranh cử Tổng thống. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, rất có thể tình hình hiện tại sẽ ảnh hưởng tới con đường quan lộ của ông Trump, bởi những chính sách thương mại của ông bắt đầu gây ra những thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa, nhiều khu vực bị ảnh hưởng lại là nơi có rất nhiều cử tri từng bỏ phiếu ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016.

Các chủ doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đang lo sợ những kịch bản tồi tệ nhất sắp xảy ra. Họ đang thắc mắc liệu ông Trump, người luôn tự nhận mình là một cao thủ trong lĩnh vực đàm phán, có thực sự 'trên cơ' trong cuộc chiến thương mại này hay không. Dưới đây là một số mặt hàng của Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng do những quyết định tăng thuế gần đây.

Đinh

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, George Skarich, phó chủ tịch kinh doanh của Tập đoàn Nail Mid Continent ở bang Missouri, đã bầu cho ông Trump và hy vọng ông sẽ vận dụng đầu óc kinh doanh nhạy bén của một vị tỉ phú để cải thiện nền kinh tế Mỹ.

Tuy nền kinh tế Mỹ đang có một số thay đổi tích cực, nhưng ông Skarich nói rằng ông không hề được hưởng lợi đáng kể từ điều này. Thay vào đó, do chính sách thương mại của ông Trump, ông Skarich cho biết công ty sản xuất đinh của ông có thể sắp phải ngừng hoạt động kinh doanh.

Chiến tranh thương mại: Doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lao đao vì đòn đau của Trung Quốc, EU - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: NYT.

Mid Continent, doanh nghiệp sản xuất đinh lớn nhất của Mỹ, chuyên nhập khẩu thép từ Mexico để sản xuất mặt hàng của mình. Do ông Trump quyết định tăng mức thuế 25% cho sản phẩm thép cho 1 loạt quốc gia, trong đó có Mexico, nên Mid Continent cũng đã phải tăng giá gần 20% giá cho mỗi sản phẩm bán ra thị trường.

Bởi vậy trong tháng này, số lượng đơn đặt hàng đã giảm mạnh 50%, trong khi Mid Continent vẫn đang chật vật cạnh tranh với các loại đinh nhập khẩu nước ngoài có giá rẻ hơn. Rõ ràng các nhà sản xuất nước ngoài đang có một lợi thế lớn so với Mid Continent, khi họ không phải nhập nguyên liệu sản xuất đắt đỏ.

Do tình hình kinh doanh khó khăn, nên Mid Continent đã phải cắt giảm 60 người trong 500 nhân sự, và có thể sẽ cắt giảm thêm 200 nhân sự nữa trong thời gian tới.

Mặc dù ông Trump có thể đề ra hướng giải quyết rằng Mid Continent nên mua thép từ các doanh nghiệp trong nước, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Ông Skarich cho biết, giá các mặt hàng kim loại do Mỹ sản xuất cao hơn nhiều so với các công ty Mexico. Do vậy, công ty này vẫn sẽ phải tăng giá đinh kể cả khi sử dụng thép trong nước.

Để tìm kiếm sự giúp đỡ, ông Skarich, một cử tri Đảng Cộng hòa, đã quay sang ủng hộ Thượng nghị sĩ Claire McCaskill của Đảng Dân chủ ở bang Missouri.

"Ông Trump luôn nhắc đến khẩu hiệu 'đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại', và khẳng định lập trường bảo hộ và bảo vệ công ăn việc làm cho người dân Mỹ," ông Skarich nói. "Vậy mà ông ấy lại đưa ra quyết định có thể khiến cho hơn 500 người Mỹ có thể mất việc làm".

Rượu whiskey

Để đáp ứng nhu cầu về rượu whiskey Mỹ tăng cao trên toàn cầu trong những năm gần đây, các nhà máy chưng cất rượu whiskey ngô và whiskey lúa mạch đen để xuất khẩu đã mọc lên trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã áp dụng mức thuế 25% đối với rượu whiskey nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa thuế thép của ông Trump, khiến cho giá rượu whiskey trở nên khá đắt đỏ tại Châu Âu.

Chiến tranh thương mại: Doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lao đao vì đòn đau của Trung Quốc, EU - Ảnh 4.

Ông Scott Harris, nhà sáng lập Cơ sở sản xuất rượu Catoctin Creek ở Purcellville, bang Virginia. Ảnh: NYT.

Đối với các cơ sở chưng cất rượu nhỏ như của ông Scott Harris, nhà sáng lập Cơ sở sản xuất rượu Catoctin Creek ở Purcellville, bang Virginia, quyết định tăng thuế thực sự khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

"Chúng tôi chỉ vừa mới bước chân vào thị trường châu Âu, và quyết định [tăng thuế nhập khẩu whiskey] được đưa ra vào thời điểm vô cùng bất lợi cho chúng tôi ", ông Harris nói. "Chúng tôi nghĩ rằng sắp tới doanh thu từ châu Âu sẽ giảm mạnh".

Lượng rượu xuất khẩu sang châu Âu chiếm khoảng 1/4 doanh thu hàng năm của Catoctin Creek, và việc một chai rượu whiskey 50 euro giờ đây phải tăng giá thêm 25 % nữa thực sự khiến ông Harris lo lắng.

Một số nhà máy chưng cất rượu quy mô lớn hơn đã nhanh chóng xuất khẩu 1 lượng rượu sang Châu Âu trước khi quyết định tăng thuế có hiệu lực, nhưng đối với cơ sở nhỏ như của ông Harris, chi phí vận chuyển và lưu kho thực sự là 1 thách thức lớn.

Là một cử tri Đảng Cộng Hòa ủng hộ thương mại tự do, ông Harris bày tỏ sự thất vọng đối với chính sách thương mại mà đảng này đang theo đuổi.

"Tôi nhớ chỉ hai năm trước, chúng tôi [Mỹ] đã nói về việc đẩy mạnh quan hệ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương để chúng tôi có thể mở ra các thị trường mới ở châu Á, nhưng hiện nay mọi thứ đều đảo lộn hết cả", ông Harris nói.

Tôm hùm

Không chỉ riêng châu Âu, mà trong tháng tới, Bắc Kinh cũng sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với các loại tôm hùm nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả những lời đe dọa áp thuế của ông Trump đối với gần 450 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Bà Annie Tselikis, giám đốc điều hành Hiệp hội các đại lý tôm hùm bang Maine, cho biết chính sách của ông Trump đã gây ra các hiệu ứng ngược không mong muốn, đó là giúp thị trường tôm hùm của Canada mở rộng hơn, do thương nhân nước láng giềng có thể xuất tôm sang Trung Quốc mà không phải chịu mức thuế bổ sung.

Trong khi đó, phía Canada vẫn đang được hưởng lợi từ việc kí kết thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu nhằm cắt giảm thuế quan giữa 2 bên.

Chiến tranh thương mại: Doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lao đao vì đòn đau của Trung Quốc, EU - Ảnh 5.

Tôm hùm là một trong những mặt hàng Mỹ trong danh sách áp thuế nhập khẩu của Trung Quốc. Ảnh: NYT.

Trung Quốc mua khoảng 1/5 lượng tôm hùm xuất khẩu của Mỹ, bà Tselikis cho biết, và giá trị của những mặt hàng xuất khẩu này đã tăng gần gấp 3 lần trong hai năm qua, lên đến 137 triệu USD.

Bà Tselikis nói: "Tôi mong muốn quyết định tăng thuế này sẽ không được triển khai vì lợi ích của ngành xuất khẩu tôm và nền kinh tế của bang Maine. Hơn nữa, với tình hình hiện nay, cần đảm bảo công ăn việc làm cho người dân Mỹ".

Ông Kristan Porter, chủ tịch Hiệp hội những người đánh bắt tôm hùm Maine, cho biết ông ủng hộ những nỗ lực của ông Trump đàm phán lại các hiệp định thương mại vì lợi ích của các ngành công nghiệp và sản xuất trong nước, nhưng đồng thời ông cũng hy vọng ngành đánh bắt tôm sẽ không bị ảnh hưởng trong quá trình này.

"Tôi nghĩ rằng các bên đều đang nỗ lực giành phần lợi về phía mình, và tôi hy vọng bên nào tỉnh táo hơn sẽ giành được ưu thế", ông Porter nói.

Quả nam việt quất

Trong nhiều năm qua, ngành xuất khẩu quả nam việt quất luôn phải vật lộn với tình trạng dư cung. Vấn đề này đã được tháo gỡ một phần nhờ hoạt động xuất khẩu nước trái cây và quả tươi sang châu Âu và các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay những hộ nông dân trồng nam việt quất có nguy cơ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của cuộc chiến thương mại, chủ yếu là bởi bang Wisconsin là một trong những khu vực sản xuất nam việt quất lớn nhất thế giới. Nơi đây cũng là quê hương của Nghị sĩ Paul D. Ryan, phát ngôn viên của đảng Cộng hòa tại Hạ Viện.

Giống như hầu hết các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa, ông Ryan phản đối thuế quan và muốn tránh một cuộc chiến thương mại. Nhưng các quốc gia khác đã nhắm vào bang của ông này, cùng các bang quan trọng khác về mặt chính trị, nhằm gia tăng áp lực lên các nhà lập pháp và ông Trump trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Chiến tranh thương mại: Doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lao đao vì đòn đau của Trung Quốc, EU - Ảnh 7.

Quả nam việt quất là một trong những mặt hàng bị EU tăng thuế nhập khẩu. Ảnh: NYT.

Kết quả là, Liên minh châu Âu đã quyết định quả nam việt quất nằm trong số các mặt hàng chịu thuế mới có hiệu lực trong tuần này, và ngành xuất khẩu loại quả này chuẩn bị phải đối mặt với những khó khăn lớn.

Ông Tom Lochner, giám đốc điều hành Hiệp hội người trồng cây nam việt quất bang Wisconsin, cho biết quyết định tăng thuế sẽ "cản trở khả năng cạnh tranh của chúng tôi trên thị trường quốc tế".

Theo Viện nghiên cứu nam việt quất, sản lượng xuất khẩu nam việt quất từ Mỹ sang châu Âu có tổng giá trị vào khoảng 127 triệu USD trong năm ngoái. Việc tăng thuế khiến cho chi phí kinh doanh tăng lên và và suy giảm doanh số trong tương lai, khiến cho cuộc sống của hàng nghìn người nông dân lâm vào cảnh khó khăn.

Terry Humfeld, giám đốc điều hành của viện nghiên cứu cho biết, hiện vẫn còn quá sớm để ước tính tổng thiệt hại từ quyết định tăng thuế, tuy nhiên có thể thấy rõ lý do EU lựa chọn cây nam việt quất để tăng thuế.

"Nam việt quất được chọn vì đây là một trong những giống cây trồng có ý nghĩa nhất về mặt chính trị", ông Humfeld nói. "Hơn nữa phát ngôn viên của Hạ viện Mỹ cũng là người xuất thân từ bang Wisconsin."

Bơ đậu phộng

Các quyết định tăng thuế của châu Âu đối với mặt hàng bơ đậu phộng sẽ là một 'cú đấm' cực mạnh đối với các nhà sản xuất như Peter Pan và Skippy. Những người nông dân trồng đậu phộng ở các bang thân đảng Cộng hòa như Georgia, Alabama, Florida và Mississippi sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

"Nếu [việc tăng thuế] ảnh hưởng đến thị trường bơ đậu phộng thì nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng tôi," Ông Malcolm Broome, giám đốc điều hành của Hiệp hội người trồng đậu phộng tại bang Mississippi cho hay. "Chúng tôi không cần cuộc chiến thương mại."

Chiến tranh thương mại: Doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lao đao vì đòn đau của Trung Quốc, EU - Ảnh 9.

Ảnh minh họa: EPA.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Mỹ và Trung Quốc là những nước xuất khẩu bơ đậu phộng lớn nhất thế giới. Do đó, mức thuế quan châu Âu định áp dụng đối với Mỹ có thể giúp các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng thị phần.

Ông Broome nói rằng nhiều nông dân trồng đậu phộng ở bang Mississippi vẫn ủng hộ chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Trump, nhưng họ sẽ theo dõi cách ông ứng phó với các cuộc đàm phán thương mại sắp tới.

EU quyết định tăng thuế đối với nhiều mặt hàng của Mỹ để trả đũa ông Trump

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại