Su-30SM của Không quân Nga. Ảnh: RBTH
Trong suốt cuộc xung đột với Ukraine, lực lượng không quân Nga đã triển khai rất nhiều máy bay chiến đấu mới và tinh vi. Chúng được tích hợp cảm biến, có vũ khí và thiết bị phòng thủ tốt hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu chủ lực của không quân Ukraine. Chưa kể, Nga được cho là áp đảo Ukraine về số lượng máy bay chiến đấu.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa giành quyền kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine. Ngay từ đầu cuộc xung đột, các phi công Ukraine với những chiếc máy bay cũ hơn và thô sơ hơn đã tìm mọi cách đối phó với các cuộc tấn công của Nga bằng cách bay thấp hơn và sử dụng chiến thuật ngụy trang, tăng cường tấn công thay vì tập trung vào phòng thủ.
Trong một bài bình luận về cuộc xung đột tại Ukraine, các nhà phân tích Justin Bronk, Nick Reynolds và Jack Watling tại Viện Royal United Services (RUSI) ở London cho rằng: “Nga có khoảng 200 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30SM và Su-35S, không chiếc nào có tuổi đời quá vài năm. Chúng vượt trội hoàn toàn so với máy bay chiến đấu của Ukraine về mặt kỹ thuật”.
Cả Su-30 và Su-35 đều có nguồn gốc từ tiêm kích phản lực Su-27 cổ điển, nhưng có các thiết bị điện tử và vũ khí cải tiến. Su-30 có hai chỗ ngồi còn Su-35 là máy bay một chỗ ngồi.
Trước đó vào năm 2017, không quân Nga đã bắt đầu mua Su-30SM và Su-35S để thay thế hàng trăm chiếc Su-27 cũ có từ thời Liên Xô và kéo dài thời gian để tập đoàn Sukhoi tiếp tục phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 mới.
Ở giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự tại Ukraine, các trung đoàn Su-30, Su-35 và các trung đoàn máy bay ném bom Sukhoi Su-34 đã liên tục điều động chiến đấu cơ, thực hiện khoảng 140 cuộc xuất kích mỗi ngày.
Các nhà phân tích của RUSI giải thích: “Máy bay chiến đấu Su-35S và Su-30SM đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra trên không ở độ cao hơn 9.100 m để hỗ trợ máy bay tấn công tầm trung của Nga hoạt động trong 3 ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự”.
Chúng có ưu thế vượt trội và số lượng lớn hơn so với những máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-30 có tuổi đời khoảng 30 năm của không quân Ukraine. Ngoài dàn máy bay hiện đại, tên lửa không đối không Vympel R-77-1 cũng mang lại lợi thế quan trọng cho không quân Nga. Vympel R-77-1 có hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động. Phi công chỉ cần bật radar, xác định mục tiêu, phóng tên lửa sau đó bay đến vị trí an toàn hơn. Nhờ được dẫn đường bằng radar, tên lửa có thể lao thẳng đến tiêu diệt mục tiêu. R-77-1 có khả năng cơ động rất lớn nên việc né tránh nó trở lên vô cùng khó khăn.
Về phía ukraine, họ sử dụng dòng tên lửa Vympal R-27R/ER là loại bán chủ động, nghĩa là phi công phải liên tục giữ tâm ngắm vào mục tiêu cho đến khi tên lửa tiếp cận thành công. Phi công rất khó để chuyển hướng.
Xét về tầm bắn, nếu như R-77-1 có tầm bắn lên tới 175km thì R-27 có tầm bắn tối đa là 80km. Vì thế các phi công Nga có thể tấn công máy bay của Ukraine ở khoảng cách xa hơn khả năng bắn trả của đối phương. Họ cũng có thể thực hiện các động tác lẩn tránh hỏa lực nhiều hơn so với phía Ukraine. Kết quả là một số trung đoàn của Nga đã nhanh chóng bắn hạ nhiều chiến đấu cơ Su-27 và MiG-29, gây tiêu hao đáng kể kho máy bay chiến đấu của Ukraine. Ước tính trước khi giao tranh xảy ra, Ukraine chỉ có khoảng 30 chiếc Su-27 và hơn 50 MiG-29.
Chiến thuật của Ukraine
Ukraine có thể sẽ phải khắc phục sự tổn thất này bằng cách khôi phục các máy bay chiến đấu cũ và kêu gọi các phi công đã nghỉ hưu quay trở lại chiến đấu. Trong những tuần đầu giao tranh khốc liệt, nhiều người dự đoán, với sức mạnh áp đảo, Nga có thể khiến lực lượng không quân Ukraine bị tê liệt.
Tuy nhiên, Ukraine đã đối phó bằng cách sử dụng các chiến thuật mới. Các nhà phân tích cho rằng: “Do radar và tên lửa trên máy bay chiến đấu của Ukraine kém hiệu quả hơn so với máy bay chiến đấu của Nga, và đôi khi họ bị áp đảo về số lượng với tỷ lệ 15:2, phi công Ukraine buộc phải bay cực thấp cũng như tận dụng sự che chắn của địa hình để di chuyển gần máy bay đối phương trước khi khai hỏa”.
Theo các tác giả Bronk, Reynolds và Watling, sau 3 ngày đầu giao tranh, Nga đã giảm tần suất đáng kể các cuộc tấn công hoặc giảm việc triển khai máy bay chiến đấu chọc sâu vào phòng tuyến của Ukraine. Phía Nga cũng thay đổi chiến thuật. Các phi công của Moscow bay cực thấp giống như phi công Ukraine đã làm. Còn những phi công lái máy bay thực hiện tuần tra trên không bay cao hơn. Tuy vậy, chính điều đó khiến các phi đội tuần tra ở cách mặt đất quá xa và khó đánh chặn máy bay Ukraine.
Đây là lý do Nga tích hợp tên lửa Vympel R-37M cho các máy bay tuần tra chiến đấu MiG-31BM. Tên lửa này có thể tấn công mục tiêu nằm cách hơn 320km. Tầm bắn xa của R-37M, kết hợp với hiệu suất cao và tính cơ động cao của MiG-31BM cho phép nó đe dọa các máy bay Ukraine bay gần chiến tuyến, ở bên ngoài phạm vi phòng thủ của Ukraine.
Một số nguồn tin cho biết, trong số các máy bay cánh cố định mà Nga đã mất trong giao tranh, chỉ có một chiếc MiG-31. Tên lửa R-37M dù không có độ chính xác tuyệt đối nhưng đã gây tổn thất đáng kể cho không quân Ukraine. Theo ước tính, thiệt hại về máy bay chiến đấu ở phía Ukraine vẫn nhiều hơn so với Nga./.