Những điểm đáng chú ý từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung

PV/VOV-Washington |

Cuộc gặp ở Bali, Indonesia hôm 14/11 là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông Biden nhậm chức đầu năm 2021. Sau đây là một số điểm đáng chú ý từ cuộc gặp 3 tiếng rưỡi này.

Vấn đề Đài Loan

Tổng thống Biden nhắc lại rằng chính sách một Trung Quốc của Mỹ trong vấn đề Đài Loan là không thay đổi. Thông tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ phản đối các hành động cưỡng ép và gây hấn gia tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan gây cản trở hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực đồng thời ảnh hưởng tới thịnh vượng toàn cầu.

Những điểm đáng chú ý từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: The Hill.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Đài Loan là lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ nói đi đôi với làm và tuân thủ chính sách một Trung Quốc.

Liên lạc

Bắc Kinh đã ngừng một loạt các kênh đối thoại chính thức với Washington bao gồm trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu và đối thoại quân sự sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Mặc dù không có thông báo nào về việc chính thức nối lại các cơ chế đối thoại trên, lãnh đạo cả hai nước đều có dấu hiệu cho thấy sẽ tăng cường liên lạc cấp quan chức cấp cao giữa hai nước. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đều nhất trí duy trì liên lạc chiến lược và tiến hành tham vấn thường kỳ.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí củng cố các nỗ lực mang tính xây dựng nhằm giải quyết một số vấn đề như biến đổi khí hậu, y tế và an ninh lương thực.

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken

Có rất ít các chuyến thăm cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm qua phần lớn là do các biện pháp phòng tránh Covid-19 của Trung Quốc. Theo thông báo từ phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tới Trung Quốc sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Indonesia. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến thăm có thể sẽ diễn ra vào đầu năm sau.

Không có vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Các đồng minh phương Tây của Ukraine cáo buộc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine mặc dù Nga đã phủ nhận cáo buộc này. Trong khi đó, Trung Quốc kiềm chế chỉ trích Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như kêu gọi Nga rút quân.

Tuy nhiên, theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự phản đối đối với việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Cạnh tranh Mỹ - Trung

Đề cập tới các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa và vũ khí hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại cũng như trao đổi trong khoa học và công nghệ. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng việc bắt đầu một cuộc chiến thương mại hoặc công nghệ, xây dựng tường chắn hoặc hàng rào, đẩy mạnh phân tách, và cắt đứt chuỗi cung ứng đi ngược lại các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cản trở các luật lệ thương mại quốc tế.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Tổng thống Biden cho rằng không cần phải lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vấn đề Triều Tiên

Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Biden cho biết ông đã làm rõ với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trung Quốc có nghĩa vụ đảm bảo Triều Tiên không nối lại thử hạt nhân mặc dù rất khó để xác định liệu Chủ tịch Trung Quốc có tầm ảnh hưởng đó hay không. Tổng thống Biden nói: “Rất khó để xác định liệu Trung Quốc có khả năng đó hay không. Tôi tin rằng Trung Quốc không mong Triều Tiên sẽ tiếp tục các động thái leo thang vì tôi đã nói rõ quan điểm của mình ngay từ ban đầu và cả trong năm ngoái.”

Đồng thời, Tổng thống Biden cũng cảnh báo rằng các hành động leo thang của Triều Tiên sẽ dẫn tới việc Mỹ và các đồng minh tăng cường năng lực quân sự ở Đông Bắc Á./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại