Chiến thắng ở Syria, T-62M được “mời” tập trận Vostok-2018: 2.000 chiếc sẽ trở lại QĐ Nga?

Chỉ Nhàn |

Thể hiện tuyệt vời tại chiến trường Syria, T-62M không chỉ được “mời” tham dự tập trận Vostok-2018 mà còn có cơ hội kéo 2.000 “anh em” trở lại biên chế Quân đội Nga.

Cuộc chiến Syria mặc dù đã khiến nước Nga tổn hại không ít cả về kinh tế và con người, thế nhưng cũng đem lại nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc sử dụng các loại vũ khí trang bị.

Thậm chí, có những thứ vũ khí thuộc hàng "cổ lỗ" phát huy được tác dụng tại Syria khiến giới tướng lĩnh Nga chấp thuận chúng trở lại "trạng thái" sẵn sàng chiến đấu.

Ví dụ rõ nét nhất là trường hợp xe tăng T-62M bất ngờ xuất hiện trong đội hình lực lượng tăng – thiết giáp Nga tham gia cuộc tập trận Vostok-2018.

Đây là thế hệ xe tăng lỗi thời trên thế giới, mặc dù vẫn còn khá nhiều quốc gia sử dụng nhưng tại Nga chúng đã vào kho từ những năm 1990 với số lượng ước tính 2.000 chiếc (gồm cả các phiên bản khác).

Chiến trường Syria "cứu rỗi" T-62M

Đầu năm 2017, giữa lúc cuộc chiến Syria rất căng thẳng, giới quan sát ngỡ ngàng khi Quân đội Nga chuyển giao hàng chục chiếc xe tăng T-62M cho Quân đội Syria.

Hầu hết giới quân sự thế giới đều phải tự hỏi, tại sao không phải là T-72B3 hay T-90A mà lại là "con rùa thép đã đến tuổi ra bãi rác". Hơn nữa, với chiến trường ngập tên lửa chống tăng hiện đại, ngay cả T-90 còn bị đánh hỏng thì huống gì T-62M với lớp giáp "mỏng dính".

Khi đó, có nhiều luồng ý kiến cho rằng có thể Moscow thông qua việc viện trợ T-62M để giải phóng kho bãi lấy chỗ chứa các loại vũ khí hiện đại hơn.

Hoặc cũng có thể chi phí rã làm sắt vụn các xe tăng cũ khá tốn kém nên Quân đội Nga quyết định cung cấp chúng cho Quân đội Syria vốn đang "khát" vũ khí hạng nặng.

Chiến thắng ở Syria, T-62M được “mời” tập trận Vostok-2018: 2.000 chiếc sẽ trở lại QĐ Nga? - Ảnh 1.

Xe tăng T-62M (hai chiếc góc trái) bất ngờ xuất hiện tại cuộc tập trận Vostok-2018.

Thế nhưng, chỉ hơn 1 tháng sau, người ta đã phải thay đổi cái nhìn về T-62M. Trong một đoạn video được lan truyền trên mạng Syria Livemap, chiếc T-62M đã không thành "quả cầu lửa" sau khi bị một quả tên lửa chống tăng "táng" vào hông tháp pháo.

Mà trên hầu hết các loại xe tăng gồm cả loại hiện đại nhất, phần hông luôn là điểm yếu với lớp giáp thường mỏng hơn mặt trước tháp. Trên các xe tăng hiện đại như T-72, T-90 còn có giáp phản ứng nổ (ERA), nhưng trên T-62M thì hoàn toàn là giáp thép thông thường.

Người ta không thể xác định được quân khủng bố sử dụng loại tên lửa chống tăng nào, nhưng việc chiếc T-62M không cháy, kíp lái thoát ra ngoài an toàn quả thực là điều thần kỳ. Bởi đã từng có nhiều đoạn video quay cảnh xe tăng T-72 hiện đại hơn trúng đạn, bốc cháy khủng khiếp.

Ngoài ra, trên chiến trường Syria, tuy không có ghi nhận rõ ràng nhưng các xe tăng T-62M được đánh giá cao khi đóng vai trò mũi nhọn xung kích tấn công khủng bố.

Rõ ràng, T-62M thể hiện hiệu quả tuyệt vời tại Syria đã khiến "những cái đầu" ở Moscow thay đổi ý định về số phận của chúng. Sự xuất hiện của dòng xe tăng này tại địa điểm tập kết lực lượng tập trận lớn nhất lịch sử nước Nga hiện đại Vostok-2018 minh chứng rõ nét điều đó.

Hiện vẫn chưa rõ Quân đội Nga tái trang bị bao nhiêu chiếc T-62M, khó có khả năng là 2.000 chiếc trong kho nhưng chắc hẳn sẽ là số lượng không phải quá nhỏ.

Cổ lỗ nhưng vẫn đánh tốt

Tuy vậy, có một thực tế không thể phủ nhận T-62M đã lạc hậu so với các công nghệ vũ khí hiện đại. Nó vốn là phiên bản cải tiến sâu từ dòng tăng huyền thoại T-55 với một khẩu pháo mới cùng với giáp dày hơn một chút.

Chiến thắng ở Syria, T-62M được “mời” tập trận Vostok-2018: 2.000 chiếc sẽ trở lại QĐ Nga? - Ảnh 2.

T-62M tại chiến trường Syria.

Cụ thể, giáp trước tháp pháo dày khoảng 242mm, hai bên hông là 153mm, trong khi mặt trước thân dày 102mm nghiêng 60 độ, hai bên hông là 79mm. Trên T-62M, mắt trước tháp pháo còn được trang bị thêm hai khối giáp yếm tăng cường BDD.

Trong khi đó, sức xuyên của súng chống tăng RPG-29 của Nga lên tới 600mm sau giáp phản ứng nổ hay tên lửa TOW của Mỹ xuyên tới 900mm thép.

Còn nếu phải đối đầu với các xe tăng hiện đại thì ngay cả T-72 còn phải chật vật thì không có cửa nào để T-62M sống sót.

Dẫu vậy, T-62M không phải là không có ưu điểm, vũ khí của chiếc tăng cổ lỗ này nhìn chung vẫn còn có thể chống được các loại tăng hiện đại trên chiến trường.

T-62M trang bị khẩu pháo U-5TS 115mm kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực Volna, máy tính đường đạn BV-62, hệ thống ổn định Meteor-M1 cho phép nó tác chiến hiệu quả trên chiến trường.

Đặc biệt khẩu pháo 115mm có thể bắn tên lửa chống tăng 9K116-2 Sheksna có tầm bắn hiệu quả từ 100-5.000m, xuyên giáp dày 600-800mm sau giáp phản ứng nổ.

Thông số trên có khả năng vẫn sẽ phá hủy được một số loại xe tăng chủ lực ở châu Âu, kể cả những loại hiện đại nhất miễn là có chiến thuật hợp lý.

Xe tăng T-62M sống sót thần kỳ sau khi trúng tên lửa chống tăng của quân khủng bố

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại