Xe tăng Nga bị phá hủy ở ngoại ô Sumy. Ảnh: Reuters
Trong bài viết mới đây, nhóm phóng viên chiến trường của CNN cho biết, vào mùa thu năm ngoái, khi Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn trong một loạt các cuộc phản công, họ đã tấn công lực lượng Nga bằng pháo và tên lửa do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, để dẫn đường cho các loại pháo đó, quân đội Ukraine đã phát triển một hệ thống nhắm mục tiêu tự chế trên chiến trường.
Một phần mềm do Ukraine sản xuất đã biến máy tính bảng và điện thoại thông minh có sẵn thành công cụ nhắm mục tiêu tinh vi đang được sử dụng rộng rãi trong quân đội Ukraine. Theo các quan chức Mỹ, thiết bị này có hiệu quả cao trong việc hướng hỏa lực của pháo binh Ukraine vào các mục tiêu của Nga.
Ứng dụng nhắm mục tiêu nằm trong số nhiều ví dụ về những đổi mới trên chiến trường mà quân đội Ukraine đã đưa ra trong gần một năm chiến sự Nga- Ukraine để khắc phục các vấn đề trong chiến đấu.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật viên Ukraine đã biến những chiếc xe bán tải thông thường thành bệ phóng tên lửa di động. Đặc biệt, các kỹ sư đã tìm ra cách gắn các tên lửa tinh vi của Mỹ lên các máy bay chiến đấu cũ của Liên Xô như MiG-29, giúp duy trì hoạt động của lực lượng không quân Ukraine sau 9 tháng chiến tranh.
Ngoài ra, Ukraine đã phát triển vũ khí chống hạm của riêng mình khi dựa trên các thiết kế tên lửa của Liên Xô cũ có thể nhắm mục tiêu vào hạm đội Nga từ khoảng cách gần 200 dặm.
Sự linh hoạt của quân đội Ukraine đã gây ấn tượng với các quan chức Mỹ, những người đã ca ngợi khả năng của Kiev trong việc đưa ra các giải pháp khắc phục các khoảng trống chiến thuật quan trọng của vũ khí do phương Tây cung cấp. Điều này đã để lại những bài học lớn cho các nhà phát triển vũ khí hàng đầu thế giới.
Theo ông Seth Jones, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, với quân đội Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine là bài học sử dụng các hệ thống vũ khí do chính quốc gia này cung cấp.
Cụ thể, theo một nghiên cứu gần đây, một số hệ thống cao cấp được cung cấp cho quân đội Ukraine– chẳng hạn như máy bay không người lái Switchblade 300 và tên lửa được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar của kẻ thù – hóa ra lại kém hiệu quả trên chiến trường hơn dự kiến. Trong khi đó, hệ thống HIMARS đã đóng vai trò quan trọng đối với thành công của Ukraine .
Binh lính Ukraine khai hỏa pháo tự hành Caesar của Pháp tại tiền tuyến khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Nguồn Getty Images
Chuyên gia Tai Ming Cheung, Giám đốc Viện Hợp tác và Xung đột Toàn cầu thuộc Đại học California cũng chỉ ra, chiến sự Nga-Ukraine đã cho thấy tình trạng ảm đạm của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đặc biệt là những hạn chế trong lĩnh vực sản xuất vũ khí thông thường. Nhiều loại vũ khí và thiết bị được sản xuất bởi các ngành hàng không vũ trụ, hải quân, vũ khí, điện tử và chiến tranh thông tin đã không mang lại lợi thế quyết định trước một quân đội nhỏ hơn và kém hơn về công nghệ.
Khi kho dự trữ vũ khí tiên tiến của Nga cạn kiệt, các lực lượng của quốc gia này ngày càng phụ thuộc vào các loại vũ khí cũ kỹ từ thời Liên Xô với độ chính xác đã suy giảm. Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí chiến lược của Nga có hiệu quả tàn phá, khi tên lửa hành trình, đạn đạo và siêu thanh tấn công các thành phố, cơ sở hạ tầng dân sự và các mục tiêu quân sự của Ukraine.
Chiến sự Nga- Ukraine không chỉ mang đến cho Mỹ và các đồng minh, mà còn cả với thế giới, một cơ hội hiếm có để nghiên cứu xem các hệ thống vũ khí hiện đại hoạt động như thế nào khi được sử dụng với cường độ cao, cũng như bài học về cách thức để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng trong một thế giới đang dần trở nên khó đoán định hơn.