Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979

Tất Đạt |

Lời kể của bà Holtzman và ông Evans tại cuộc họp báo chung ở Bangkok và tại Việt Nam đã cho thấy tình hình chiến sự rất khốc liệt tại Lạng Sơn và Lào Cai.

Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979 - Ảnh 1.

Theo lời kể của bà Elizabeth Holtzman và ông Billy Lee Evans, hai nghị sĩ Mỹ được cho phép tiếp cận biên giới cuộc chiến Việt - Trung vào tháng 2/1979, tình hình tại khu vực này khi đó "rất căng thẳng" và "nhiều đơn vị bộ đội Việt Nam" đang hành quân lên tiền tuyến.

Nội dung đăng trên báo Daily News (Mỹ) vào tháng 2/1979 cho hay, phía Việt Nam hiếm khi cho phép phóng viên tiếp cận chiến trường một phần vì lo ngại khó đảm bảo an toàn được cho những người này.

"Nếu có điều gì bất trắc xảy ra, chúng tôi sẽ coi các bạn như những liệt sĩ của quân đội Việt Nam," một người nói trước khi đưa đoàn người tiến về vùng chiến sự. 

Cả đoàn gồm 15 người phải di chuyển thận trọng tới nơi giao tranh. Đạn pháo nổ liên tục xung quanh, có thể nghe thấy từ xa và đôi lúc "nghe giống như tiếng máy bay B-52 ném bom".

Nghị sĩ Elizabeth Holtzman - khi ấy là Chủ tịch Tiểu ban Nhập cư, Tị nạn và Luật pháp Quốc tế của Hạ viện Mỹ - cho biết thị xã Lạng Sơn "giống như một vùng đất chết" khi bà tới đây vào ngày 22/2/1979. Bà Holtzman tới khu vực chỉ cách chiến trường 10 km, trong tầm bắn của đạn pháo Trung Quốc.

Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979 - Ảnh 2.

Trước khi rời khu vực để về Hà Nội vào sáng ngày 25/2/1979, bà được cập nhật thông tin rằng thị trấn này vẫn chưa rơi vào tay quân đội Trung Quốc, và chiến tranh vẫn đang nổ ra ở các khu vực lân cận.

Ngày 24/2/1979, nghị sĩ đảng Dân chủ Billy Lee Evans cho biết ông đã chứng kiến "quân đội Trung Quốc bắn dữ dội vào địa điểm đóng quân của Việt Nam" tại xã Cam Đường, tỉnh Lào Cai. Cũng theo ông Evans, dường như Trung Quốc muốn tiến sâu hơn nữa vào lãnh thổ Việt Nam. 

Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979 - Ảnh 3.

Nghị sĩ Elizabeth Holtzman của Hạ viện Mỹ. Ảnh: University of Massachusetts Amherst

Trong một buổi họp báo tại sân bay, ông Evans kể lại khoảnh khắc một quả pháo đánh trúng địa điểm cách nơi ông đứng chỉ hơn 100m. Người hướng dẫn viên Việt Nam đã đưa ông trở lại Hà Nội ngay sau đó.

Lời kể của bà Holtzman và ông Evans tại cuộc họp báo chung ở Bangkok và tại Việt Nam đã chứng tỏ rằng chiến tranh nổ ra quyết liệt nhất tại Lạng Sơn và Lào Cai. 

Hai khu vực này là cửa ngõ tiến vào 2 tuyến đường bộ và đường sắt quan trọng tới thủ đô Hà Nội, nằm cách Lạng Sơn khoảng 160 km về phía tây nam và cách Lào Cai khoảng 240 km về phía đông nam. 

Những ghi chép hiện trường cho thấy Trung Quốc đã tổ chức tấn công bằng pháo quy mô lớn ở khu vực biên giới.

Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979 - Ảnh 4.

Trả lời báo chí quốc tế, nghị sĩ Holtzman nói: "Tôi không nghĩ người dân Việt Nam biết cuộc chiến này sẽ kéo dài trong bao lâu. Nhưng họ [bộ đội Việt Nam] rất tự tin."

Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979 - Ảnh 5.

Bà Holtzman kể lại: "Khi chúng tôi tới Lạng Sơn, người dân đã được sơ tán hết. Cửa nhà đều được khóa chặt. Chính quyền đã đưa cư dân rời khỏi đây 2-3 giờ trước khi chúng tôi tới."

"Tôi nhìn thấy những căn nhà và công trình bị trúng đạn pháo. Hàng nghìn người Việt Nam mau chóng di chuyển trên đường, đem theo gia súc như lợn, bò và ngựa, nhiều người chất đồ lên yên xe đạp hoặc đòn gánh".

Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979 - Ảnh 6.

Bài viết về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đăng trên báo Daily News của Mỹ. Các tiêu đề lần lượt từ trên xuống: "Nơi đạn pháo rơi như mưa"; "Trung Quốc nói sẽ tiếp tục tấn công Việt Nam"; "Bà Holtzman chứng kiến cuộc chiến tại Việt Nam".

Một số trại được dựng lên dọc đường. Nhiều người nấu ăn ngoài trời bên ngoài các lều tạm.

"Tôi nghĩ là riêng trong khu vực này, có hơn 5.000 người dân sơ tán. 

Điều kì lạ là khi chúng tôi đi thêm vài km về phía nam của Lạng Sơn, có rất nhiều người vẫn đang làm ruộng. Tôi còn thấy các chiến sĩ bộ đội bơi ở sông. Nếu ngồi ở Hà Nội, rất khó có thể biết một cuộc chiến tranh đang xảy ra chỉ cách đó vài trăm km."

Trong bản tin ngày 25/2/1979, Đài Phát thanh Hà Nội không đưa con số thương vong của phía Trung Quốc như mọi khi. Radio chỉ cho biết "hàng trăm" lính Trung Quốc đã bị thương hoặc thiệt mạng và 73 phương tiện bị phá hủy vào ngày 24/2.

Ngoài ra, một tiểu đoàn Trung Quốc đã "tổn thất nặng nề" ở phía đông Lạng Sơn trong khi một đội quân khác của Trung Quốc đã bị bộ đội Việt Nam tiêu diệt trên Quốc lộ 4 giữa Đông Khê và Cao Bằng. Đây cũng là vị trí sâu nhất trong lãnh thổ Việt Nam có sự xuất hiện của quân Trung Quốc vào thời điểm đó.

Cũng như 8 ngày chiến tranh đầu tiên, Bắc Kinh không đưa ra con số thương vong. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã có viết về cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình ở Đông Nam Á, trích lời kêu gọi của Đại sứ Mỹ Andrew Young về việc ngừng bắn.

Các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết cuộc tấn công sẽ không kéo dài về thời gian và quy mô. Tuy nhiên, chưa giới hạn nào được đặt ra. Các thông báo chính thức từ Bắc Kinh ngầm gợi ý rằng Việt Nam nên rút quân khỏi Campuchia trước khi quân đội Trung Quốc rút khỏi Việt Nam.

Roy Jenkins, Chủ tịch Ủy ban Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, cho biết lãnh đạo Trung Quốc Hoa Quốc Phong nói rằng Trung Quốc đã tính toán mọi trường hợp, bao gồm cả khả năng Liên Xô can thiệp, trước khi bắt đầu chiến dịch tấn công Việt Nam. 

Ông Jenkins, tại cuộc họp báo ngắn sau khi gặp Hoa Quốc Phong, cho biết Hoa có đề cập tới mức quy mô hạn chế của cuộc chiến nhưng không nói thêm về ý định của Trung Quốc.

Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979 - Ảnh 7.

Đài Hà Nội cho biết cuộc chiến tranh quy mô lớn đã xảy ra ở Lào Cai. Quân đội Trung Quốc đã sử dụng xe tăng và pháo trong cuộc tấn công ngày 23/2/1979. Ông Evans cho biết không nhìn thấy xe tăng nào của Việt Nam, nhưng nghe thấy các loạt đạn pháo kéo dài khoảng 45 giây.

Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979 - Ảnh 8.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Billy Lee Evans. Ảnh: Getty Images

"Điều đó đồng nghĩa với việc có hàng trăm khẩu súng bắn liên tiếp," ông Evans ước tính.

Nghị sĩ Holtzman và Evans cho biết họ đã thấy hai chiếc máy bay vận tải của Liên Xô tại sân bay Hà Nội vào sáng 25/2/1979, nhưng không rõ máy bay chở gì. Các nguồn tin khác tiết lộ máy bay Liên Xô đã nạp nhiên liệu tại Baghdad, Iraq và một sân bay tại Ấn Độ. 

Nhiều máy bay khác của Liên Xô được cho là đang trên đường tới nơi. [Tại New Delhi, quan chức chính phủ phủ nhận mọi thông tin về việc máy bay Liên Xô nạp nhiên liệu tại Ấn Độ]

Các nguồn tin Nhật Bản cho biết tàu tuần dương Admiral Senyavin của Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô, đem theo các thiết bị do thám hiện đại, đã cùng chiến hạm Liên Xô tuần tra khu vực biển Hoa Đông nằm giữa Thượng Hải và đảo Kyushu của Nhật Bản.

Chiến sự khốc liệt qua lời kể của hai nghị sĩ Mỹ có mặt ở Lạng Sơn, Lào Cai tháng 2/1979 - Ảnh 9.

Các chuyên gia tại Bangkok cho biết hai bên đã đem thêm quân tiếp viện tới Lạng Sơn và Lào Cao. Trung Quốc khi đó đã gặp sự phản công dũng mãnh bằng xe tăng và pháo binh của quân đội Việt Nam.

Lần đầu tiên, Việt Nam đem số lượng lớn máy bay chiến đấu - máy bay ném bom từ miền Nam ra miền Bắc. Các loại tên lửa đất đối không cũng được điều động về miền Bắc. Các nhà phân tích khi ấy tin rằng một cuộc chiến trên không sẽ xảy ra. 

Trong bài phỏng vấn, bà Holtzman và ông Evans cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phan Hiền đã khẳng định đây không phải là xung đột biên giới thông thường và Việt Nam đã sẵn sàng kháng chiến trong nhiều năm nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, ngoài việc máy bay Liên Xô hạ cánh tại Hà Nội và có tàu chiến Liên Xô tại Vịnh Bắc Bộ, không có dấu hiệu nào cho thấy Liên Xô có dấu hiệu hỗ trợ Việt Nam phản công ở khu vực biên giới Việt - Trung. Trang thiết bị trên tàu Liên Xô được một chuyên gia phương Tây đánh giá là cực kì hiện đại và có thể kiểm soát toàn bộ chiến trường.

Theo các nguồn tin, quân đội Việt Nam sẽ nghi binh và bất ngờ phản công Trung Quốc. Thứ trưởng Phan Hiền lúc ấy khẳng định nếu Trung Quốc chiến thắng, thế giới sẽ thấy "hiệu ứng domino" khi mục tiêu của Bắc Kinh là giành quyền kiểm soát toàn bộ Đông Nam Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại