Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: "Món quà bất ngờ" cho nước Nga

Ngọc Nguyễn |

Chiến lược quốc phòng mới công bố của Mỹ đã chính thức đặt Lầu Năm Góc vào thế đối đầu với Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhân vật trong giới chức Moskva lại "có cảm tình" với chiến lược này, bởi nó nhắc nhở họ về thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi mọi thứ trở nên khá rõ ràng và các bên đều biết đối thủ sẽ phản ứng ra sao.

Chiến lược do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trình bày hôm 19/1 đã phản ánh chính xác viễn cảnh mới theo quan điểm của Tổng thống Donald Trump. Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh khi Mỹ bất ngờ trở thành bá chủ thế giới đã kết thúc. 

Chiến lược quốc phòng mới chỉ ra, "Trong nhiều thập kỷ, nước Mỹ đã đạt được sự vượt trội bất ngờ hoặc thống trị trong mọi lĩnh vực. Nước Mỹ thường chủ động triển khai các lực lượng quân đội theo thời gian, địa điểm và cách thức của chúng ta. Tuy vậy, mọi thứ đã thay đổi cả trên không, trên bộ, trên biển, trong vũ trụ và không gian mạng".

Những thách thức mà Mỹ phải đối mặt ngày nay chủ yếu đến từ sự cạnh tranh với các cường quốc, thay vì chỉ là từ các cuộc tấn công khủng bố và các yếu tố có quy mô toàn cầu như biến đổi khí hậu và nhân khẩu học. 

"Chiến lược cạnh tranh giữa các nước, chứ không phải khủng bố, bây giờ là mối quan tâm hàng đầu trong an ninh quốc gia của Mỹ" - trích chiến lược quốc phòng mới, "quân đội Mỹ không còn quyền ưu tiên trên chiến trường nữa". Điều này đồng nghĩa với việc quay lại mô hình cổ điển của các mối quan hệ quốc tế.

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: Món quà bất ngờ cho nước Nga - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis công bố Chiến lược quốc phòng của chính quyền Trump, chú trọng "cạnh tranh giữa các cường quốc", tại Đại học Johns Hopkins, Washington, ngày 19/1/2018 (Ảnh: DOD)

Nga-Trung sẽ thế nào trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ?

Cây viết Fyodor Lukyanov của tạp chí Russia in Global Affairs (Nga) nhận định trên tờ Washington Post rằng Moskva chưa bao giờ coi trọng cuộc chơi đề cao sự phụ thuộc lẫn nhau thay vì cạnh tranh, lợi ích kinh tế cao hơn an ninh quốc gia. 

Ý tưởng "cân bằng quyền lực", khái niệm cơ bản xuất hiện nhiều lần trong Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ trên thực tế vẫn luôn là một phần của tư duy chính trị tại Moskva. Giờ Nga và Mỹ lại một lần nữa "nói chung" một ngôn ngữ.

Thứ hai, việc Mỹ xác định rõ ràng Nga là một đối thủ cạnh tranh dễ được dư luận tại Moskva tiếp nhận hơn, bởi thực tế quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc luôn là như vậy, ngoại trừ thời gian rất ngắn vào cuối những năm 1980 và đầu thập niên 1990. 

Đến nay thì những tuyên bố từ phía Mỹ đã đi đúng với thực tế diễn ra.

Thứ ba, Chiến lược quốc phòng Mỹ cho rằng việc hợp tác chỉ xuất phát "từ vị thế nước mạnh và dựa trên lợi ích quốc gia của nước đó". Quan điểm này dường như khá phù hợp với góc nhìn của Nga. 

Theo ông Lukyanov, việc Mỹ tập trung đầu tư vào công nghệ sẽ là lý do hoàn hảo để các tướng lĩnh Nga xin chính phủ phân bổ thêm những khoản đầu tư lớn cho quân đội. Về mặt này, quan điểm của tổng thống Mỹ Trump là nhất quán, khi ông nói về sự cần thiết phải xây dựng sức mạnh quân sự từ cách đây 3 thập niên và nhắc lại vào 3 năm trước.

Các phát biểu thiện chí của ông Trump về đồng cấp Nga Vladimir Putin, cùng những cáo buộc trên báo chí Mỹ về nghi vấn chiến dịch tranh cử của ông thông đồng với Nga hồi năm ngoái, có thể khiến một số người nghĩ rằng ông chủ Nhà Trắng hướng đến cải thiện quan hệ giữa hai nước. 

Nhưng sau 1 năm cầm quyền của ông Trump, quan hệ Mỹ-Nga vẫn tồi tệ. Tổng thống Mỹ có thể hy vọng đạt một số thỏa thuận chiến thuật với Moskva tại Trung Đông, nhưng điều này không bao giờ xảy ra. Có một vài lý do nhưng nguyên nhân hiển nhiên nhất chính là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính trường Mỹ, xoay quanh vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Để ứng phó tình hình trong nước, ông Trump dễ dàng từ bỏ dự định, đơn giản bởi Nga không thực sự là một nhân tố rất quan trọng đối với ông.

Mục tiêu chính của Trump luôn là thay đổi quan hệ kinh tế giữa nước Mỹ với phần còn lại của thế giới, chủ yếu là Trung Quốc, cùng "các con hổ" ở châu Á và châu Âu. 

Nga đóng vai trò không lớn trong nền kinh tế toàn cầu, và tổng thống Trump không hề muốn làm điều gì liên quan tới Nga ảnh hưởng kế hoạch của mình. Khi có những quyết định liên quan tới Nga, ông luôn kỳ vọng đạt những lợi ích một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất. Ông sẽ ngay lập tức từ bỏ kế hoạch này nếu các tổn thất về chính trị cao hơn dự kiến.

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: Món quà bất ngờ cho nước Nga - Ảnh 2.

Lính Mỹ trên xe bọc thép M113, tham gia cuộc tập trận ngày 19/9/2017 tại Pocheon, Hàn Quốc (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Nga-Mỹ: Vừa giống vừa khác xa Chiến tranh Lạnh

Thứ nhất, do tính chất đa chiều và phức tạp của các mối quan hệ quốc tế ngày nay, nên sự đối đầu Moskva-Washington không còn đóng vai trò trung tâm. Quan hệ giữa hai cường quốc này cũng không còn là thước đo cho sự ổn định toàn cầu như điều đã từng diễn ra cách đây 4 thập niên. Cục diện thế giới đã thay đổi lớn, và có quá nhiều quốc gia không ở phe Nga hay phe Mỹ nữa.

Thứ hai, thế giới đang trở nên ngày càng phụ thuộc vào nhau và không quốc gia nào có thể chi phối những ảnh hưởng bên ngoài lên các bên khác. Nga từng cáo buộc Mỹ can thiệp vào nội bộ nước này khi cho rằng Mỹ ủng hộ công khai các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan truyền thông có quan điểm chống lại chính phủ, và chỉ trích các quyết định của Moskva, kể cả các vấn đề pháp lý. 

Hiện nay, tới lượt Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống và đưa các thông tin tiêu cực về nước mình. Không có cách nào hai nước này có thể nhất trí với nhau về vấn đề "can thiệp nội bộ", bởi mỗi bên có cách lý giải khác nhau về quyền lực mềm và các hình thức chống chính phủ.

Nhiều quan chức Nga tin rằng tổng thống Donald Trump đang điều chỉnh vị thế của Mỹ trên thế giới. Đã đến lúc Mỹ chuyển từ vị thế lãnh đạo và điều phối trật tự toàn cầu sang chính sách đối ngoại hướng nhiều tới lợi ích quốc gia hơn. 

Yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi này là đề cao quyền lực như một công cụ đảm bảo, không chỉ vị trí siêu cường và lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ, mà còn phát huy lợi ích cho nước Mỹ theo cách hiệu quả nhất. 

Quyền lực ở đây trên hết là sức mạnh quân sự. Đây là điều được xác nhận trong bản Chiến lược an ninh quốc gia được ông Trump công bố tháng 12/2017, cũng như trong Chiến lược quốc phòng mới đây.

Như vậy, nước Mỹ phải xác định rõ "địch thủ" của mình, và Nga trở thành mục tiêu hoàn hảo do những dư âm từ tâm lý Chiến tranh Lạnh cùng những động thái tăng cường sức mạnh quân sự từ Moskva trong thời gian gần đây.

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: Món quà bất ngờ cho nước Nga - Ảnh 3.

Lực lượng Nga tác chiến tại Syria (Ảnh: Russia Now)

Tuy vậy, giới chức Mỹ khá bất ngờ trước diễn biến của bối cảnh thế giới khi phương Tây không phải là đối tượng duy nhất muốn gây ảnh hưởng đến các nước khác. Nga chỉ là một số trong các nước Mỹ cần phải chú tâm vì thế giới hiện nay đang hiện hữu nhiều thách thức hơn cơ hội. Thú vị là nước Nga cũng chia sẻ nhận định rằng những mối đe dọa đang hiện hữu ở khắp mọi nơi.

Vậy Moskva sẽ làm gì? 

Ông Lukyanov đánh giá, nước này sẽ giảm thiểu rủi ro, tăng cường năng lực và tận dụng tối đa thực tế rằng cộng đồng quốc tế đang coi Mỹ dưới thời tổng thống Trump là ngọn nguồn gây ra bất ổn. 

Ông ví von hài hước rằng Nga đang có lợi thế lớn, khi tổng thống Vladimir Putin là một bậc thầy judo - môn võ giúp người tập biết tận dụng sức mạnh của đối thủ để chống lại chính họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại