Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam: 'Quả bóng' trách nhiệm ở đâu?

Phúc Hưng |

1 ngày sau khi Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030” kết thúc, dư âm của nó vẫn còn rất “nóng”.

“Nóng” ở đây không chỉ là những phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ rõ những hạn chế và nhược điểm tồn tại của bóng đá Việt Nam gây bức xúc cho người hâm mộ nhiều năm qua nhưng dường như bị “bỏ quên” trong báo cáo, mà còn cả từ việc trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào khiến bóng đá Việt Nam chưa hoàn thành các mục tiêu ở giai đoạn đầu của chiến lược vẫn chưa được xác định cụ thể.

Không ai chịu trách nhiệm!

Trong báo cáo sơ kết của Bộ VH-TT&DL, VFF là địa chỉ duy nhất được xác định cụ thể trong phần xác định hạn chế, yếu kém và nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam chưa hiệu quả. Đa phần còn lại, tất cả đều được nhắc đến với những cụm từ khá chung chung và khó có thể xác định như “nhiều địa phương, ngành”, hay “ban, ngành, đoàn thể tổ chức” hoặc là “bộ máy quản lý nhà nước về bóng đá từ trung ương đến địa phương”. Điều này khiến cho việc xác định chủ thể dẫn đến việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam trong giai đoạn đầu thiếu hiệu quả là hết sức khó khăn, cũng như việc xác định ách tắc ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào là gần như không thể.

Cũng trong bản báo cáo này, không có một nội dung cụ thể nào đề cập tới đánh giá kết quả thực hiện 9 dự án trọng điểm trong giai đoạn 2012-2016, trong đó có dự án không thực hiện (Chương trình mục tiêu hướng tới ASIAD năm 2019 - do ASIAD 2019 không tổ chức tại Việt Nam) và dự án đã thực hiện được (Thí điểm đặt cược bóng đá) hoặc một số dự án đang thực hiện song không biết kết quả ra sao và ai là người thực hiện (Xây dựng Học viên bóng đá tại Hà Nội, TPHCM; Xây dựng Trung tâm khoa học công nghệ - y học phục vụ huấn luyện bóng đá; Cơ sở dữ liệu bóng đá quốc gia; Thành lập Quỹ phát triển bóng đá Việt Nam; Phát triển bóng đá chuyên nghiệp giai đoạn 2012-2020…). Tất cả những lý do này, khiến cho không ai có thể hình dung được, bức tranh toàn cảnh của bóng đá Việt Nam mang những gam màu như thế nào giữa rất nhiều nỗi hoài nghi của người hâm mộ về thực trạng của cả nền bóng đá mà trái bóng trách nhiệm chẳng rõ nằm trong chân ai.

Cần lắm một “Hội nghị Diên Hồng”

Việc đánh giá chung chung, không chỉ rõ hạn chế, yếu kém và xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện chiến lược khiến cho hội nghị sơ kết vừa diễn ra trên thực tế không thành công.

Thậm chí, nếu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không điều hành diễn đàn từ rất sớm (ngay sau phần đọc báo cáo sơ kết dù theo lịch trình Phó Thủ tướng sẽ kết luận ở phần cuối cùng của hội nghị) để xới lên các vấn đề nóng bỏng và yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận với sự ngắn gọn, chất lượng thì đây là một hội nghị thực sự buồn tẻ và không rõ bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược với cách thức như thế nào?

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi hội nghị kết thúc, vẫn còn rất nhiều ý kiến, nhiều mong muốn đóng góp chưa được nêu lên và thực tế nhiều đại biểu và cá nhân ông cũng chưa thực sự thỏa mãn. Phó Thủ tướng cũng chính là người khởi xướng ý tưởng cho việc tổ chức một hội nghị cởi mở hơn, hay nói chính xác là một cuộc đối thoại trực tiếp giữa các nhà quản lý, các bộ ngành, các đơn vị liên quan trong việc thực hiện thực hiện chiến lược với các chuyên gia và cả dư luận.

Ở đó, những vướng mắc, những hạn chế của bóng đá Việt Nam sẽ được chỉ rõ và phân tích sâu hơn qua đối thoại. Những nhà quản lý sẽ chịu trách nhiệm giải trình và đánh giá chân thực nhất về những nguyên nhân dẫn đến việc chưa hoàn thành hoặc khó khăn trong việc hiện thực hóa mục tiêu trong chiến lược. Vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức cũng sẽ được đề cập cụ thể hơn trong quá trình thực hiện. Đó chính là một phần lời giải, mở ra hướng đi cho bóng đá Việt Nam trong tương lai và hi vọng sẽ tạo nên bước ngoặt về cách làm trong thời gian tới đây.

9. Có tổng số 9 đề án trọng điểm được xây dựng trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam song việc hoàn thành là hết sức hạn chế.

10. Chiến lược đặt ra mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào Top 10 châu Á năm 2030

1-2. Mục tiêu giành từ 1-2 HCV Đông Nam Á đối với các đội tuyển U23 (ở SEA Games) và đội tuyển Việt Nam (ở AFF Cup) đến năm 2020 vẫn chưa thực hiện được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại