Chiến hạm Việt Nam đang thiết kế là bản tàng hình hóa của tàu hộ vệ tên lửa KBO-2000?

Hải Dương |

Mẫu tàu hộ vệ tên lửa tàng hình đang được Việt Nam thiết kế đã thu hút sự quan tâm lớn sau khi nó xuất hiện trong phóng sự "Nơi khởi nguồn những con tàu" trên kênh VTV2.

Hình ảnh về mẫu tàu chiến thế hệ mới đang được Viện Thiết kế tàu quân sự nghiên cứu đã gây ra một sự phấn khích lớn trong những người quan tâm đến tình hình quân sự nước nhà, đây là bước đi vững chắc tiếp theo sau khi Việt Nam đã làm chủ công nghệ và sản xuất hàng loạt thành công lớp tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8.

Dựa trên những quan sát ban đầu thì chiếc chiến hạm này được dự đoán có lượng giãn nước vào khoảng 2.000 tấn với chiều dài dao động quanh mức 100 m, tức là tương đương Gepard 3.9.

Nhưng dễ nhận thấy rằng bề ngoài của con tàu có khá nhiều nét khác biệt so với Gepard 3.9, hơn nữa đây là sản phẩm có bản quyền của Nga, Việt Nam chưa thể tự "phóng tác" để cho ra một bản copy dù là đã sửa đổi.

Chiến hạm Việt Nam đang thiết kế là bản tàng hình hóa của tàu hộ vệ tên lửa KBO-2000? - Ảnh 1.

Mẫu tàu chiến thế hệ mới đang được Việt Nam nghiên cứu chế tạo

Tuy nhiên bản thiết kế trên lại đã được chỉ ra rằng nó có phần đường nét bên ngoài khá giống với một dự án đang trong tình trạng bị treo của Việt Nam, đó là tàu hộ vệ tên lửa KBO-2000 - sản phẩm của Viện thiết kế Phương Bắc (Nga) làm theo yêu cầu của chúng ta hồi thập niên 1990.

Khinh hạm lớp KBO-2000 từng đứng trước cơ hội trở thành chủ lực trong hạm đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam trước khi chúng ta quyết định đặt niềm tin vào lớp Gepard 3.9, có thể do thời điểm đó gặp phải một số khó khăn về công nghệ cũng như vấn đề độ tin cậy của các hệ thống chiến đấu tích hợp trên tàu mà chương trình KBO-2000 chưa thể triển khai.

Nhưng hiện nay khi Việt Nam đang rất quyết tâm tự tiến hành đóng mới các chiến hạm có lượng giãn nước lớn, phía Nga chưa đồng ý chuyển giao công nghệ đóng Gepard 3.9 còn SIGMA 9814 cũng đang gặp nhiều trắc trở thì việc tái khởi động KBO-2000 đã được nhắc tới.

Chiến hạm Việt Nam đang thiết kế là bản tàng hình hóa của tàu hộ vệ tên lửa KBO-2000? - Ảnh 2.

Thiết kế bên ngoài của KBO-2000 có khá nhiều nét tương đồng với chiếc chiến hạm đang được nghiên cứu tại Viện Thiết kế tàu quân sự

Do đã là một sản phẩm thuộc sở hữu của Việt Nam, không phải chịu sự ràng buộc của luật bản quyền, chúng ta có thể tự đóng với số lượng phù hợp nhu cầu và trên hết còn tự sửa đổi được các chi tiết để đáp ứng tốt hơn đối với điều kiện tác chiến mới, vì vậy ý tưởng tái khởi động dự án KBO-2000 tỏ ra là lựa chọn không tồi.

Hơn thế nữa, gần đây Kênh truyền hình Quốc phòng đã phát sóng phóng sự trong đó có cảnh tàu BPS-500 phóng được tên lửa Kh-35 trong hành tiến, cho thấy các vướng mắc kỹ thuật mà bản thiết kế cũ (trong đó có cả KBO-2000) đã được khắc phục triệt để, càng làm tăng thêm niềm tin vào dự thành công của chương trình vũ khí này.

Chính vì vậy, không phải không có cơ sở khi nhận định rằng thiết kế của chiếc KBO-2000 đang được nâng cấp để cho ra đời một lớp chiến hạm tàng hình tân tiến hơn, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu tác chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.

Xem video: Nơi khởi nguồn những con tàu. Nguồn: VTV2.

Nơi khởi nguồn những con tàu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại