Tờ Indian Express (Ấn Độ) cho hay, mặc dù phán quyết vụ kiện biển Đông giữa Philippines-Trung Quốc của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7 chỉ liên hệ trực tiếp tới Ấn Độ ở phần nội dung liên quan đến vấn đề môi trường, nhưng phán quyết vẫn có giá trị rất quan trọng với New Delhi.
PCA đã phán quyết Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở biển Đông như những gì nước này tuyên bố và áp đặt bằng yêu sách "Đường chín đoạn".
Điều này cho phép tàu chiến của Hải quân Ấn Độ đi qua khu vực biển Đông theo quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà không cần thông báo cho phía Trung Quốc.
Theo Indian Express, trước phán quyết của PCA, Trung Quốc đã lợi dụng yêu sách vô giá trị "Đường chín đoạn" để tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích biển Đông, từ đó buộc Ấn Độ phải thông báo cho Bắc Kinh mọi động thái của các chiến hạm nước này khi đi qua tuyến hàng hải biển Đông.
Thậm chí, Hải quân Trung Quốc đã "chuyển tải thông điệp" của chính quyền Bắc Kinh bằng những hành động "quấy rối nhẹ" nhằm vào tàu chiến Ấn Độ.
Hồi tháng 7/2011, tàu đổ bộ INS Airawat của Ấn Độ đã "chạm trán" một số tàu chiến Trung Quốc trên biển Đông. Các tàu này ngang nhiên tuyên bố rằng tàu Ấn Độ "đang ở trong lãnh hải Trung Quốc".
Mặc dù Hải quân Ấn Độ không thông báo chính thức cho những người đồng cấp Trung Quốc về các động thái của họ, nhưng nguồn tin trong quân đội nước này nói rằng phía Trung Quốc vẫn được cung cấp thông tin "không chính thức" để tránh xảy ra đối đầu trên biển.
Bắc Kinh có thể gia tăng hành động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền (phi pháp) trên biển Đông sau phán quyết của PCA.
Một trong những hành động đó là yêu cầu New Delhi giữ nguyên tình trạng trước đây, tức tiếp tục thông báo cho quân đội Trung Quốc về hoạt động của tàu chiến Ấn Độ.
Khi chính phủ của đảng BJP cầm quyền thực thi chính sách "hướng Đông", Ấn Độ đã mở rộng vai trò trên biển, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á.
Indian Express cho rằng, thái độ khẳng định đối với phán quyết của PCA là cơ hội để New Delhi xác nhận với đối tác và đồng minh trong khu vực về lòng tin của Ấn Độ vào nguyên tắc tự do hàng hải dành cho tất cả tàu thuyền đi qua vùng biển quốc tế.
Lập trường trên được đánh giá sẽ củng cố sự tín nhiệm cũng như danh tiếng của Ấn Độ như một "sức mạnh trên biển", trong nỗ lực khẳng định vị trí tại các diễn đàn toàn cầu của New Delhi.
Theo tờ này, phản ứng "không chấp nhận, không tham dự, không thừa nhận, không chấp hành" của Bắc Kinh đối với vụ kiện và phán quyết của PCA tương phản hoàn toàn với Ấn Độ trong vụ tranh chấp biên giới trên biển với Bangladesh.
Hồi tháng 7/2014, PCA ra phán quyết xác định gần 4/5 diện tích tranh chấp thuộc chủ quyền của Bangladesh. New Delhi sau đó đã bày tỏ cam kết với các nguyên tắc toàn cầu bằng động thái chấp nhận kết quả này.