Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Ukraine tiếp tục trở nên xấu đi, nguy cơ về một cuộc xung đột giữa hai "cựu đồng minh" này cũng tăng lên đáng kể.
Theo bài viết đăng trên trang mạng MW hôm 25/5, một bản phân tích gần đây đã xét tới khả năng Nga có thể phát động tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine.
Năng lực phòng không của Ukraine
Bản phân tích nhận định, cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga-Ukarine, dù trên quy mô toàn diện hay giới hạn, gần như chắc chắn sẽ mở đầu (và thậm chí phần lớn phân định thắng thua) bằng các cuộc không kích nhằm vào các trận địa phòng không, sân bay, trung tâm chỉ huy, cũng như các mục tiêu giá trị cao.
Tiêm kích MiG-35 của Nga mang tên lửa R-73 và các loại bom thông minh.
Vô hiệu hóa mạng lưới phòng không của Ukraine sẽ là nhiệm vụ tiên quyết trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công do Nga phát động, và sẽ là "chìa khóa" để mở cửa cho Không quân Nga tiếp cận không phận Ukraine rồi tấn công vào các cơ sở quân sự quan trọng như căn cứ không quân, làm tê liệt phi đoàn chiến đấu cơ tinh nhuệ, quy mô lớn Su-27 của Ukraine.
Điều đó sẽ tạo điều kiện cho Nga giành quyền kiểm soát bầu trời và có được chiến thắng nhanh hơn.
Năng lực của Không quân Ukraine vẫn bị hạn chế ở một số mặt, nước này đang phải phụ thuộc vào phi đoàn máy bay quy mô nhỏ được chế tạo từ cuối những năm 1980, với những nâng cấp ít ỏi.
Giờ bay của các phi công Ukraine, giới hạn trong khoảng 40 giờ/năm, cũng khiến năng lực tấn công các máy bay Nga bị hạn chế. Chỉ nhìn riêng vào các vụ tai nạn trong năm 2018 đã có thể thấy công tác bảo dưỡng máy bay của Ukraine đang thiếu sót nghiêm trọng.
Tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27 của Ukraine.
Mặc dù là mẫu chiến đấu cơ đáng gờm nhưng những chiếc Su-27 trong biên chế Không quân Ukraine lại không được trang bị các loại đạn không-đối-không tầm xa với hệ thống dẫn đường độc lập cơ bản, hoặc có khả năng bắn-quên như tên lửa R-27ER hoặc R-77, khiến chúng dễ bị các tiêm kích Nga tấn công ngoài tầm nhìn.
Lực lượng máy bay chiến đấu của Ukraine còn không được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử, thiết bị hàng không điện tử hoặc cảm biến hiện đại hóa. Bên cạnh đó, tình trạng sẵn sàng chiến đấu thấp khiến chúng chỉ có thể tạo ra được mối đe dọa tương đối nhỏ đối với các chiến đấu cơ thế hệ 4+ của Nga như Su-30 hoặc Su-27SM2.
Trong khi lực lượng máy bay được đánh giá khá yếu thì các hệ thống tên lửa đất-đối-không trên bộ của Ukraine lại được xem là thách thức lớn hơn nhiều đối với các lực lượng Nga trong việc giành ưu thế trên không.
Ukraine hiện đang triển khai một số các hệ thống phòng không tiên tiến của Liên Xô mà nước này được thừa hưởng vào năm 1991. Các hệ thống cũ hơn như S-75 và S-200 đã bị loại biên.
Đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với các máy bay Nga là hệ thống phòng không tầm xa S-300P/PT/PS và tầm trung Buk-M1 của Ukraine.
Song, cũng cần lưu ý rằng những hệ thống này đã vài chục năm tuổi. Tại Nga, các hệ thống tương tự đã được đưa ra khỏi trang bị của lực lượng vũ trang để nhường chỗ cho các tổ hợp mới S-400 và Buk-M3 tối tân, đi trước các hệ thống phòng không của Ukraine vài thế hệ.
Phiên bản P, PT và PS của S-300 vẫn bị giới hạn nhiều trong tầm bắn (dưới 100km) và không thể đánh chắn các mục tiêu tốc độ cao như tên lửa hành trình Kalibr của Hải quân Nga.
Khác với phiên bản S-300PMU-2 mà các lực lượng vũ trang Nga đang triển khai, các phiên bản cũ hơn của S-300P không được thiết kế để bảo vệ các khu vực rộng lớn, hoặc cũng không được trang bị tên lửa đất-đối-không siêu thanh – vai trò này có vẻ đã được chuyển sang cho S-350.
Ngoài ra, vẫn có nhiều nghi ngại về năng lực của S-300 phiên bản cũ trong việc đối phó với các mục tiêu cận âm bay thấp và cơ động cao hoặc những loại có khả năng qua mặt radar. Chúng cũng kém cơ động hơn phiên bản mới nên dễ bị tấn công từ xa, chẳng hạn như trong trường hợp Nga triển khai cường kích Su-34.
Các hệ thống tác chiến điện tử trên máy bay chiến đấu Nga vượt xa chuỗi biện pháp đối phó trên các hệ thống phòng không Ukraine tới hàng thập kỷ do chúng không được hiện đại hóa đầy đủ. Điều này sẽ mang lại cho máy bay Nga khả năng sống sót cao, ngay cả khi chúng liều lĩnh bay vào phạm vi bảo vệ của các hệ thống tên lửa đất-đối-không Ukraine.
Các tổ hợp tên lửa đất-đối-không S-300P.
Có lẽ điểm yếu lớn nhất của S-300 Ukraine là hạn chế trong số lượng mục tiêu có thể tấn công đồng thời, mỗi tổ hợp S-300 của Kiev chỉ có thể tấn công dưới 6 mục tiêu cùng lúc (chưa rõ con số chính xác).
Trong khi đó, các tổ hợp S-300PMU-2 và S-400 mà Nga triển khai có thể tấn công 36-80 mục tiêu – dẫn đường cho 72 hoặc 160 tên lửa đến mục tiêu của chúng.
Do đó, nếu có thể đánh chặn được tên lửa Nga lao tới thì các tổ hợp phòng không Ukarine vẫn có thể bị choáng ngợp, dù Nga triển khai bom thông minh KAB-500, KAB-1500 hoặc một lượng nhỏ tên lửa hành trình.
Ukraine hiện cũng thiếu các phương tiện hỗ trợ tầm ngắn hơn để tăng thêm lớp bảo vệ cho mạng lưới phòng không của họ. S-125 đã bị loại biên, Ukraine chỉ còn các tổ hợp Buk-M1, làm tăng nguy cơ các tổ hợp phòng không tầm xa của họ sẽ bị choáng ngợp trước cuộc tấn công của đối phương.
Khả năng tấn công trả đũa
Mặc dù Nga đang có trong tay nhiều phương tiện tác chiến có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của Ukraine từ xa nhưng cũng cần phải phân tích tới khả năng tấn công trả đũa của Kiev.
Năng lực răn đe của Ukraine được đánh giá là mạnh nhất châu Âu đầu những năm 1990. Kho vũ khí hạt nhân quy mô lớn, hàng chục máy bay ném bom tầm trung Tu-22M và máy bay ném bom hạt nhân liên lục địa Tu-160 là những vũ khí đáng gờm của Ukraine, có thể thực hiện cả nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật.
Ngay cả khi chỉ trang bị các loại đạn dược đời cũ kế thừa từ Liên Xô và không mang đầu đạn hạt nhân, chúng vẫn có thể trở thành phương tiện răn đe lớn trước cuộc tấn công đường không của Nga.
Tuy nhiên, Ukraine đã phải loại bỏ số vũ khí này trong những năm 1990.
Phương Tây đã buộc Kiev phải thải loại các máy bay ném bom thuộc hàng tiên tiến nhất thời bấy giờ để đổi lấy sự hỗ trợ kinh tế, ngăn nước này bán chúng cho Trung Quốc.
Nhìn chung, nếu chiến tranh xảy ra, Nga sẽ có khả năng huy động các loại phương tiện tác chiến như tên lửa Kalibr phóng từ tàu ngầm, tên lửa hành trình Kh-101 bắn từ máy bay ném bom hoặc tên lửa Kh-65SE triển khai trên Su-34 để tiến hành tấn công chính xác tầm xa vào các hệ thống phòng không của Ukraine. Trong khi đó, năng lực tấn công trả đũa của Kiev sẽ vô cùng hạn chế.
Tiêm kích Su-27 Ukraine tại triển lãm hàng không RIAT 2017