"Chiếc ô bảo vệ" của Nga đang trải rộng từ Syria đến Venezuela, kế hoạch Mỹ sụp đổ?

Quốc Vinh |

Từ Syria, Trung Đông, cho đến Venezuela, các quốc gia trong cuộc xung đột trực tiếp hoặc gián tiếp với Mỹ đều đang tập hợp dưới cùng một chiếc ô do người Nga bảo vệ.

Các sự kiện quan trọng đã xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi trong những tuần gần đây nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc chính trị tổng thể của khu vực này đang diễn ra như thế nào, bình luận viên Federico Pieraccini của tờ Strategic Culture nhận định.

Trục Shia đang tiếp tục các mối quan hệ ngoại giao mới với diễn biến đáng chú ý nhất là cuộc họp đầy gắn kết của Tổng thống Iran Hassan Rouhani với Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi ở Baghdad.

Trong số nhiều tuyên bố được đưa ra, có hai điều đặc biệt cho thấy mức độ hợp tác cao giữa hai nước, cũng như chứng minh làm thế nào trục Shia đang nở rộ, mang lại triển vọng quan trọng cho khu vực.

Thủ tướng Abdul-Mahdi cũng nhắc lại, Iraq sẽ không cho phép mình bị sử dụng như một nền tảng để tấn công Iran: "Đất Iraq sẽ không để cho quân đội nước ngoài sử dụng để tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại Iran. Kế hoạch của chúng tôi là xuất khẩu điện và khí đốt cho các quốc gia khác ở khu vực".

Với việc hai quốc gia từng là kẻ thù sinh tử trong thời kỳ Saddam Hussein, việc tái lập quan hệ giữa họ là một phép màu địa chính trị, mà người ta tin rằng những thành công đó nhờ vào sự tham gia của Nga ở khu vực.

Liên minh 4 + 1 (Nga, Iran, Iraq, Syria cộng với Hezbollah) và trung tâm chống khủng bố ở Baghdad là kết quả từ mong muốn của Nga trong việc điều phối tất cả các đồng minh cùng chiến đấu trong một mặt trận.

Sự hỗ trợ quân sự của Nga cho Syria, Iraq và Hezbollah (cùng với hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc) đã cho phép Iran bắt đầu biến đổi khu vực sao cho trục Shia có thể chống lại sự hỗn loạn do bộ ba Mỹ, Saudi Arabia và Israel gây ra.

Một trong những khoảng trống được lấp đầy trong trục Shia nằm ở Lebanon, từ lâu đã trải qua một cuộc xung đột nội bộ giữa nhiều dòng chảy tôn giáo và chính trị trong nước.

Quyết định của Washington công nhận Cao nguyên Golan là một phần của Israel đã thúc đẩy Tổng thống Lebanon, Michel Aoun, thực hiện chuyến thăm mang tính biểu tượng đầy quan trọng tới Moscow để gặp Tổng thống Vladimir Putin.

Một lần nữa, những nỗ lực gây bất ổn của người Saudi, người Israel và người Mỹ đang có tác dụng ngoài ý muốn là củng cố thêm nữa vị thế của trục Shia.

Dường như bộ ba này không hiểu được những hành động như vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại, sử dụng máy bay đánh bom ở Syria, tuyên bố đơn phương các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng như Cao nguyên Golan – lại tạo ra những tác động ngược lại với mong muốn.

Việc cung cấp các hệ thống tên lửa S-300 cho Syria sau khi máy bay trinh sát Nga bị bắn nhầm là một diễn biến mà Tel Aviv không ngờ tới và không dự đoán được Nga sẽ đáp trả như thế nào.

Điều đáng ngạc nhiên trong hành động của Moscow là tính linh hoạt trong ngoại giao của nước này, từ việc triển khai S-300 ở Syria, hỗ trợ Iran, cho đến các cuộc họp kịp thời với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Moscow và Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman tại G20.

Khả năng của Liên bang Nga trong vai trò trung gian và có mặt trong hầu hết mọi cuộc xung đột trên toàn cầu đã khôi phục lại tầm vóc quốc tế không thể thiếu đối với quốc gia này trong việc đối trọng với sự quyết đoán từ phía Mỹ, bình luận viên Federico Pieraccini nhận xét.

Chiếc ô bảo vệ của Nga đang trải rộng từ Syria đến Venezuela, kế hoạch Mỹ sụp đổ? - Ảnh 1.

Mặt trận đối đầu với Mỹ mà Nga tạo ra không chỉ bị giới hạn ở Trung Đông.

Đặc điểm chính của cách tiếp cận của Moscow là tìm ra các lĩnh vực có mối quan tâm chung với người đối thoại và ủng hộ việc tạo ra những trao đổi về thương mại và sự hiểu biết.

Một ví dụ về quân sự và kinh tế khác có thể được tìm thấy ở trục thứ ba; không phải là trục Shia hay Saudi-Israel-Mỹ mà là Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar. Ở Syria trong giai đoạn đầu, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã là một bên đối lập hoàn toàn với Tổng thống Putin và Tổng thống Assad.

Nhưng với hành động quân sự quyết đoán và ngoại giao lành nghề, việc tạo ra quy trình Astana giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã khiến mọi thứ thay đổi và giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đang công khai tiến tới hợp tác nhiều hơn.

Về phần mình, Qatar có mối liên hệ hai chiều với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nước này cũng có mâu thuẫn mở với trục Saudi-Israel, với khả năng bị OPEC bỏ rơi.

Tình huống này đã cho phép Moscow mở một loạt các cuộc đàm phán với Doha về chủ đề khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), khi đây là hai quốc gia kiểm soát hầu hết LNG trên hành tinh.

Rõ ràng là trục Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar được Moscow điều chỉnh mạnh mẽ, với các thỏa thuận quân sự tiềm năng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga (bán S-400) và các thỏa thuận kinh tế và năng lượng giữa Moscow và Doha.

Các hành động của Mỹ trong khu vực có nguy cơ giúp kết hợp mặt trận Qatar-Thổ Nhĩ Kỳ với trục Shia, một lần nữa nhờ vào các hoạt động ngoại giao khéo léo của Moscow.

Việc bán công nghệ hạt nhân gần đây cho Saudi, cùng với việc rút khỏi JCPOA (thỏa thuận hạt nhân Iran), đã tạo ra mối lo ngại và hoang mang trong khu vực và giữa các đồng minh của Washington.

Hành động công nhận Cao nguyên Golan bị chiếm đóng thuộc về Israel đã khiến cho cả thế giới Ả Rập phiền lòng với Mỹ như một vài sự kiện mà họ đã từng phàn nàn trước đó.

Thêm vào đó, những phản đối công khai của ông Trump về giá dầu cao của OPEC đã buộc Riyadh bắt đầu tự hỏi liệu họ có nên bắt đầu bán dầu bằng một loại tiền khác không phải là đồng đô la hay không.

Tin đồn này đã nhanh chóng bị bác bỏ, nhưng nó đã được đưa ra như một sự cân nhắc. Một quyết định như vậy sẽ có ý nghĩa nghiêm trọng đối với hệ thống petrodollar và hầu hết các quyền lực tài chính và kinh tế của Mỹ.

Nếu trục Shia, với sự bảo vệ của Nga, được tăng cường trên khắp Trung Đông, bộ ba người Ả Rập-Israel-Mỹ sẽ mất đà và sụp đổ, như những gì người ta đang thấy ở Libya, với việc tướng Haftar giờ đây đã tiến một bước gần hơn trong việc thống nhất đất nước.

Trong khi xu thế toàn cầu tiếp tục chuyển đổi theo hướng đa cực, vai trò cân bằng tinh tế do Nga đóng ở Trung Đông và Bắc Phi đang trở nên nổi bật.

Chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Venezuela tới Syria cho thấy mặt trận đối lập với sự "bắt nạt" của đế quốc Mỹ không hề bị giới hạn ở Trung Đông. Các quốc gia trong cuộc xung đột trực tiếp hoặc gián tiếp với Washington đều đang tập hợp dưới cùng một chiếc ô Trung-Nga bảo vệ.

Bình luận viên Federico Pieraccini mô tả, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, thậm chí còn đang thúc đẩy quan hệ quốc tế hướng tới hai cực chứ không phải đa cực, khi nó thúc đẩy Trung Quốc, Nga và tất cả các nước khác phản đối Mỹ đoàn kết lại để cùng nhau chống Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại