Chi tỷ USD, Trung Quốc nung nấu cho Mỹ, Nga, Nhật "hít khói" bằng sứ mệnh vũ trụ có 1-0-2

Trang Ly |

Nếu thành công, hai sứ mệnh vũ trụ này của Trung Quốc có thể biến quốc gia này thành "siêu cường vũ trụ".

Tính đến tháng 9/2017, nhờ công nghệ cùng tham vọng dẫn đầu thế giới, Trung Quốc đã gặt hái được nhiều kỷ lục thế giới mang thương hiệu "made in China", ở các hạng mục: Nhanh nhất - Lớn nhất - Mạnh nhất thế giới.

Cụ thể, kỷ lục công nghệ Trung Quốc xác lập gần đây nhất là kỷ lục chế tạo thành công thế hệ tàu nhanh nhất thế giới: Tàu Phục Hưng (Fuxing) có vận tốc di chuyển trung bình 350 km/giờ, vận tốc cực đại đạt 400 km/giờ.

Trước đó, hồi tháng 6/2017, Trung Quốc "xuất xưởng" trang trại năng lượng Mặt trời nổi lớn nhất hành tinh, có công suất lên tới 40 megawatts, cung cấp đủ năng lượng cùng lúc cho 15.000 hộ dân.

Về kỷ lục thế giới hạng mục mạnh nhất thuộc về siêu máy tính Sunway TaihuLight với khả năng xử lý hơn 93 triệu tỷ phép tính/giây, do chính các kỹ sư Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật và Công nghệ máy tính song song Trung Quốc (NRCPC) chế tạo. Kinh phí là 273 triệu USD!(Đọc bài chi tiết, tại đây).

Với 3 kỷ lục lớn này, Trung Quốc đã "vượt mặt" hàng loạt các quốc gia từng tự hào về công nghệ máy tính, công nghệ giao thông và công nghệ về năng lượng sạch như Mỹ, Nhật, Pháp, Canada, Đức...

Không dừng ở đó, không chỉ dừng ở việc thiết lập các kỷ lục trên Trái Đất, Trung Quốc còn đầu tư hàng tỷ USD cho công nghệ vũ trụ, quyết tâm đối chọi rồi vượt mặt NASA của Mỹ, Nga, Nhật hay các cường quốc vũ trụ khác trên thế giới.

Nếu như trước đây, Trung Quốc khá "im hơi lặng tiếng" trong cuộc chạy đua công nghệ vũ trụ, thì những năm gần đây, quốc gia này bắt đầu "thể hiện tiếng nói" bằng những dự án chinh phục vũ trụ, đặt mình là đối thủ với NASA (của Mỹ), ESA (của châu Âu) và các cơ quan vũ trụ khác của Nhật Bản, Nga.


6 TỶ USD MỖI NĂM CHO CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHÔNG GIAN: TRUNG QUỐC "CHƠI TRỘI" HƠN NGA?

20h ngày 25/6/2016, bầu trời đêm ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) chợt bừng lên ánh sáng màu cam kèm âm thanh dữ dội. Đó là khoảnh khắc tên lửa đẩy dài 53 mét Long March 7 của Trung Quốc vút bay lên không trung, bắt đầu chuyến hành trình 394 km lên quỹ đạo Trái Đất.

Tiếp đó, vào ngày 16/8/2016, Trung Quốc tiếp tục phóng vệ tinh thông tin quy mô lớn Quantum Experiments với mục tiêu khám phá hiện tượng lượng tử kỳ lạ có tên "Rối lượng tử" mà Einstein từng miêu tả là "rất khó chứng minh".

Bất ngờ hơn, để cạnh tranh với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), ngày 15/9/2016, Trung Quốc tiếp tục phóng phòng thí nghiệm không gian thứ hai là Tiangong 2 (Thiên Cung 2) nặng 9,5 tấn. Có thể nói, Thiên Cung 1 và Thiên Cung 2 là những "bước đệm" để Trung Quốc ấp ủ dự án phóng trạm vũ trụ của riêng mình vào năm 2020.

Chi tỷ USD, Trung Quốc nung nấu cho Mỹ, Nga, Nhật hít khói bằng sứ mệnh vũ trụ có 1-0-2 - Ảnh 2.

Trung Quốc chi mạnh tay cho các sứ mệnh vũ trụ. Nguồn: Internet

Đây mới chỉ là ba trong rất nhiều sự kiện cho thấy Trung Quốc đầu tư cho sứ mệnh khai phá vũ trụ trong những năm gần đây. "Trung Quốc đang thể hiện mình là "đối thủ nặng ký" với các cường quốc vũ trụ khác trên thế giới" là lời nhận xét mà Giám đốc khoa học của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Fabio Favata đưa ra.

Con số ngân sách dành cho các chương trình không gian của Trung Quốc là bí mật, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nước này chi tiêu khoảng 6 tỷ USD mỗi năm cho thấy, quốc gia tỷ dân bắt đầu hướng mạnh đến việc nghiên cứu và khai phá vũ trụ bao la.

Con số chi tiêu 6 tỷ USD cho các chương trình không gian của Trung Quốc nhiều hơn Nga 1 tỷ USD, nhưng vẫn kém xa so với con số 40 tỷ USD của Mỹ. Mặc dù vậy, chỉ tính riêng năm 2013, trong khi Nga có 31 dự án phóng thành công lên không gian thì Mỹ lại "khiêm tốn" ở con số 19, trong khi Trung Quốc là 14 dự án.

Rõ ràng là người Trung Quốc đang mạnh dần lên trong hành trình thu phục không gian.

"Đến năm 2020, người ta sẽ thấy Trung Quốc mạnh hơn về các dự án liên quan đến vũ trụ là như thế nào!", chuyên gia phân tích không gian Brian Harvey, tác giả cuốn "China in Space: The Great Leap Forward" đã dự báo như vậy.

Bài báo có tựa đề "China: The new space superpower" đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy, rất có thể trong tương lai, Trung Quốc sẽ nổi lên là "Siêu cường vũ trụ" của thế giới. Vậy, đâu là những dự án không gian táo bạo mà quốc gia này đang theo đuổi?


TRUNG QUỐC DẤN THÂN VÀO CHINH PHỤC MẶT TRĂNG VÀ HÀNH TINH ĐỎ

1. Khám phá nửa tối còn lại của Mặt Trăng vào năm 2018

Cho đến nay, chưa một quốc gia nào khám phá được bí mật ở phía bên kia của Mặt Trăng kể từ năm 1959 khi một con tàu vũ trụ của Liên Xô chụp được hình ảnh nửa tối bí ẩn của vệ tinh Trái Đất.

Với việc đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án vụ trụ, Trung Quốc mạnh dạn tuyên bố, đến năm 2018 sẽ khám phá được bí mật thế kỷ này.

Theo Liu Jizhong, Giám đốc trung tâm thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc cho biết, tàu vũ trụ Chang'e-4 thuộc Chương trình thám hiểm Mặt Trăng sẽ đảm nhiệm sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại này.

Wu Zhijian, phát ngôn viên của Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc thì: "Chang'e-4 là bước cải tiến công nghệ của Chang'e-3. Sứ mệnh lần này sẽ khó khăn hơn rất nhiều, do đó, các kỹ sư hàng không Trung Quốc phải chú trọng vào nhiều cải tiến công nghệ nhằm đảm bảo cho Chang'e-4 hoàn thiện các khâu đáp xuống bề mặt Mặt trăng, lấy mẫu, trở về Trái Đất".

Chi tỷ USD, Trung Quốc nung nấu cho Mỹ, Nga, Nhật hít khói bằng sứ mệnh vũ trụ có 1-0-2 - Ảnh 4.

Tàu vũ trụ Chang'e-4 sẽ được phóng năm 2018. Nguồn: Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc.

Theo dự kiến, vào năm 2018, sau khi được phóng tiếp cận Mặt Trăng, tàu vũ trụ Chang'e-4 sẽ dành 12 tháng vừa để khảo sát rồi tìm cách tiếp đất xuống vùng tối của Mặt Trăng. Sau đó, tiến hành nghiên cứu và khám phá bí mật của vệ tinh duy nhất của Trái Đất mà chưa quốc gia nào trên thế giới làm được.

2. "Thuộc địa hóa" sao Hỏa năm 2020

Ngày 11/1/2016, Trung Quốc chính thức phê duyệt dự án thăm dò sao Hỏa được chuẩn bị trước đó 8 năm. Dự kiến, vào quý 3 năm 2020, nước này sẽ phóng tàu vũ trụ đưa robot tự hành lên bề mặt của hành tinh đỏ. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, robot này sẽ thu thập dữ liệu và truyền về Trái Đất vào đầu năm 2021.

Chi tỷ USD, Trung Quốc nung nấu cho Mỹ, Nga, Nhật hít khói bằng sứ mệnh vũ trụ có 1-0-2 - Ảnh 5.

Tàu không gian thăm dò sao Hỏa gồm 3 bộ phận: Tàu không gian, tàu đổ bộ và nhóm robot khảo cứu. Nguồn: News.CN

Theo các chuyên gia, Trung Quốc không chỉ dừng ở tham vọng khám phá quỹ đạo và bề mặt của hành tinh đỏ, quốc gia này còn muốn đưa con người lên sinh sống tại hành tinh này.

Minh chứng cho điều này, Trung Quốc đã chi không tiếc tay cho mô hình nhà ở với môi trường mô phỏng điều kiện sao Hỏa ở một nơi bí mật để tạo bước đệm đưa con người lần đầu tiên trên thế giới đến sao Hỏa sinh sống.

Trước đó, Liên Xô, Mỹ, ESA và Ấn Độ đều đã gửi tàu thăm dò sao Hỏa, tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có Mỹ là thành công trong việc đưa robot tự hành thăm dò bề mặt của hành tinh này. Tất nhiên, Trung Quốc vì thế càng tham vọng khai phá hành tinh đỏ, đặt mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên đưa người Trái Đất lên sinh sống.

Chi tỷ USD, Trung Quốc nung nấu cho Mỹ, Nga, Nhật hít khói bằng sứ mệnh vũ trụ có 1-0-2 - Ảnh 6.

Curiosity - Robot tự hành thăm dò sao Hỏa của NASA. Nguồn: NASA.

Không chỉ khám phá Mặt Trăng, "định cư" tại sao Hỏa, Trung Quốc còn có những tham vọng xa hơn như thăm dò sao Mộc vào năm 2036 và sao Thiên Vương vào năm 2046.

Nếu 2 kế hoạch táo bạo này của Trung Quốc thành công, vị thế "siêu cường vũ trụ" của quốc gia này hoàn toàn nằm trong tầm tay. Đã đến lúc NASA của Mỹ, ESA của châu Âu, Nhật Bản hay Nga nên có những bước tiến vĩ đại trong công cuộc khai phá và chinh phục vũ trụ nếu không muốn bị Trung Quốc "soán ngôi".

Bài viết sử dụng các nguồn: Chinaspacereport, Theverge, Theguardian, Theatlantic, Space.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại